Nữ phi công trẻ và áp lực 'con nhà nòi'

Sinh năm 1999, Lâm Tùng Chi đang là nữ phi công và cơ phó trẻ nhất của Vietnam Airlines.

Luôn bận rộn với những chuyến bay trong nước và quốc tế, khó khăn lắm chúng tôi mới tranh thủ được một ngày nghỉ của Tùng Chi để nghe nữ cơ phó 9X chia sẻ về cuộc sống và công việc vốn thường chỉ dành cho nam giới.

"Người khác cố gắng 1, tôi phải 10"

2h sáng, trở về nhà sau chuyến bay dài, Tùng Chi nhẹ nhàng mở cửa bởi không muốn đánh thức giấc ngủ của bố mẹ. Theo đuổi công việc phi công, những lần "đi đêm về hôm" với Chi đã là chuyện như cơm bữa.

Cơ phó Lâm Tùng Chi.

Cơ phó Lâm Tùng Chi.

Ba mẹ cô cũng đã quá quen với giờ giấc làm việc thất thường của con gái. Chưa kể, ba của Chi đang là cơ trưởng kỳ cựu của Hãng hàng không Vietnam Airlines, trong khi mẹ cô cũng từng là cựu tiếp viên hàng không của hãng bay này. Cũng là người trong nghề, họ thấu hiểu những nỗi vất vả và đặc thù công việc phi công của con gái. Bởi thế, Tùng Chi thấy mình may mắn khi luôn được ba mẹ ủng hộ.

Chi kể, từ nhỏ, cô đã được tiếp xúc với hàng không. Cô được ngồi trên những chuyến bay về quê do ba và những đồng nghiệp cầm lái. Năm thứ 2 tại Đại học Hoa Sen, tạm gác lại ngành tâm lý học, Tùng Chi bảo lưu kết quả học tập, xách vali sang Australia và trở thành học viên tại Học viện phi công hàng không Australia (AAPA) để nối nghiệp gia đình.

Tham gia các khóa huấn luyện phi công ở cả Việt Nam và Australia từ năm 2019, trải qua những đợt huấn luyện nghiêm khắc, tới năm 2023, Tùng Chi chính thức trở thành cơ phó của đội tàu bay A321 của Vietnam Airlines.

Cơ phó trẻ thừa nhận, quá trình học tập và rèn luyện giúp cô dần định hình được ước mơ theo đuổi công việc trên bầu trời. Công việc nhiều thử thách và phi công phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống có thể xảy ra khiến Tùng Chi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người tài giỏi, được đi nhiều nơi và mở mang tầm nhìn.

Dù vậy, nữ phi công chưa bao giờ thấy chặng đường mình đi "trải hoa hồng". Hỏi Chi đã nhận được những ưu ái, thuận lợi ra sao khi có ba cũng là phi công, cô thừa nhận không được ba chia sẻ nhiều kinh nghiệm.

"Tính cách của ba tôi nghiêm khắc và kiệm lời. Kỳ vọng của ba đặt cho tôi rất cao, tôi cũng tự ý thức được việc liên tục phải chủ động trau dồi và cập nhật những kiến thức cho bản thân. Cả khi đạt được thành tích tốt, ba cũng ít dành lời khen cho con gái", Chi kể

Dù vậy, cô hiểu ba vẫn vui cho con gái mình, thương con nên muốn con tự lập, thành công bằng đôi chân mình.

Chưa kể, việc mang danh "con nhà nòi" cũng khiến Tùng Chi chịu nhiều áp lực. Đối với cô, bạn bè, đồng nghiệp đều đặt nhiều kỳ vọng, khiến Chi luôn phải cố gắng nhiều hơn các đồng nghiệp. Cơ phó 25 tuổi cho rằng, cô cố gắng 10 cũng chỉ bằng người khác cố gắng 1 vì họ nghĩ cô có nhiều lợi thế, có người hỗ trợ, nâng đỡ.

Không dám nhận là phi công tốt cho đến khi nghỉ hưu

Tính tới nay, Tùng Chi đã đảm nhận vai trò cơ phó gần 2 năm. Hai năm, đủ để cô nhìn nhận được phần nào tính chất công việc của mình.

Trước mỗi chuyến bay, Tùng Chi cùng các thành viên tổ bay luôn phải thảo luận, lên phương án cho một chuyến bay an toàn.

Trước mỗi chuyến bay, Tùng Chi cùng các thành viên tổ bay luôn phải thảo luận, lên phương án cho một chuyến bay an toàn.

Nhớ lại quá trình học tại AAPA, Chi quen nhiều bạn được gia đình định hướng vào nghề, nhưng một thời gian, một số người đã bỏ vì không chịu được áp lực. Cô cho biết, công việc đòi hỏi độ an toàn cao nên phi công luôn phải đối mặt với nhiều thử thách. Ngay việc thi cử đã rất khắt khe và bị giới hạn về số lần thi nên học viên luôn phải đảm bảo mình phải làm tốt nhất ở những lần thi, không có nhiều cơ hội để làm lại.

Đó cũng là lẽ thường tình bởi với hàng không, các tình huống đều có thể xảy ra mà không dự đoán được trước. Quá trình huấn luyện, Chi luôn được thực hành những biện pháp và quy trình để đối mặt với tình huống xấu, tập các kỹ năng xử lý tình huống dứt khoát để đảm bảo an toàn.

Đã quen với những chuyến bay nhưng cô gái trẻ không quên được lần đầu tự cầm lái máy bay. Đó là kỳ thi "First Solo" trên chiếc Piper Warrior PA-28, cô phải một mình ngồi trên buồng lái mà không có thầy bên cạnh.

"Lúc đó, cảm giác chỉ duy nhất có một từ: Sợ. Không sợ sao được khi lúc đó, tôi hiểu sự an toàn của bản thân nằm trong chính những kiến thức và kinh nghiệm mình đã tích lũy qua những bài học và bài thi", nữ phi công tâm sự.

Đó là khi chỉ có một mình. Còn khi bay thương mại, sau tay lái của phi công là sự an toàn và tính mạng của hàng trăm hành khách. Phi công luôn phải bình tĩnh trong mọi tình huống.

Có những vấn đề về tâm lý như bực bội, cáu gắt do các chuyện riêng tư, khi bước vào công việc, tất cả phải bật chế độ "vô cảm" để hoàn thành tốt công việc. Trong mọi tình huống, phi công phải tỉnh táo, luôn sẵn sàng cho bất kỳ giây phút nào trong trường hợp máy bay mất kiểm soát.

"Trong ngành, chúng tôi có câu nói: "Mình không phải phi công tốt cho tới ngày nghỉ hưu". Không ai dám nhận mình là phi công giỏi, phi công tốt cho đến khi nghỉ hưu và mọi chuyến bay an toàn", cô chia sẻ.

Tới nay, sau khoảng 1.000 giờ bay, cô đã quen dần với công việc và bớt sợ hãi, áp lực hơn. Dù vậy, phi công 25 tuổi vẫn có những lần phải đối mặt với các tình huống khiến cô "toát mồ hôi hột".

Cô kể về chuyến bay từ Buôn Ma Thuột về TP.HCM mất gần 2 tiếng đồng hồ thay vì 30 phút như thường lệ. Do thời tiết xấu, máy bay không thể hạ cánh được tại sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi dầu sắp hết.

Theo Tùng Chi, nếu lái ô tô, xe hết xăng dầu chỉ cần tấp vào lề đường, nhưng máy bay thì không thể. Tổ bay rất căng thẳng và chịu áp lực lớn về thời gian.

Sau khi bàn bạc, tổ bay quyết định quay lại sân bay Buôn Ma Thuột. Chuyến bay trở lại điểm xuất phát, một số hành khách đã tỏ thái độ khá tiêu cực. Dù vậy, nữ cơ phó cho rằng tổ bay đã cố gắng hết sức và quay trở lại là quyết định đúng đắn.

Mơ ước tiến xa trên bầu trời rộng mở

Ở tuổi 25, Tùng Chi có sự ngọt ngào, trẻ trung của thiếu nữ ngoài đôi mươi. Song bước vào công việc, khoác bộ đồng phục phi công với cầu vai 3 vạch lại toát lên sự chuyên nghiệp, nghiêm túc. Đó cũng là hình ảnh mà nhiều người ngoài ngành luôn nghĩ về các phi công, tiếp viên hàng không: đẹp đẽ, bóng bẩy, lịch thiệp và đầy hào nhoáng.

Cơ phó Lâm Tùng Chi và đồng nghiệp.

Cơ phó Lâm Tùng Chi và đồng nghiệp.

Nhưng là người trong cuộc, Chi hiểu rõ thiệt thòi của nghề. Hôm nay, cô rời khỏi nhà lúc 3h sáng để đi làm thì hôm sau, 2h sáng cô mới về tới nhà. Thời gian biểu của phi công luôn phải linh hoạt.

"Dịp lễ, Tết là lúc tần suất bay dày đặc. Lịch trình của tôi khi đó chỉ ngủ dậy là bay, bay và ngủ. Tôi không có thời gian gặp gỡ ai, kể cả làm việc cá nhân", cô chia sẻ và bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu với những khó khăn mà ba mẹ đã phải trải qua để nuôi cô khôn lớn.

Thiệt thòi của phi công là vậy, phi công là nữ còn nhiều khó khăn hơn. Chi kể, cô nghe những lời đồn rằng môi trường làm việc của phi công tiếp xúc với nhiều thiết bị điện tử, radar, có khả năng làm ảnh hưởng tới việc sinh nở. Tuy nhiên, cơ phó 9X vẫn luôn thoải mái bởi xung quanh cô, nhiều nữ cơ trưởng, cơ phó vẫn lập gia đình, có con cái đề huề.

Dẫu vậy, bậc cha mẹ có lẽ luôn tâm tư và lo lắng cho các con nhiều hơn. Tùng Chi hiểu dù không nói gì song trong thâm tâm, ba mẹ cô có lẽ lo con gái làm phi công sẽ khó lấy chồng. Bởi, không phải ai cũng hiểu và cảm thông được cho tính chất công việc của một phi công.

Chưa kể, cô cho rằng kết hôn và sinh con là điều mà các phi công nữ phải có định hướng rõ ràng về tương lai.

"Mỗi năm, chúng tôi phải trải qua các kỳ kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần để gia hạn bằng lái máy bay nên nếu xin nghỉ sinh, sẽ mất một thời gian dài để đi huấn luyện lại và thi lại lấy bằng. Ngoài ra, nhiều phụ nữ sinh con xong có các triệu chứng sau sinh như trí nhớ suy giảm, trầm cảm sau sinh… cũng là thách thức để tiếp tục công việc", Chi nói.

Tuy nhiên, từng được bay cùng nhiều cơ trưởng nữ đã có gia đình, con cái, cô gái trẻ gốc Đà Nẵng nhận thấy các đàn chị đều luôn chu toàn cả việc nhà lẫn công việc. Điều đó giúp cô có thêm động lực để nỗ lực, phấn đấu tiến xa hơn trên bầu trời rộng mở.

Là người trực tiếp tham gia đào tạo Lâm Tùng Chi trong quá trình đào tạo phi công của Vietnam Airlines, cơ trưởng Nguyễn Đức Hoàng - Nhóm trưởng Nhóm 2, Đội bay A321 cho biết, ấn tượng của anh về Tùng Chi là một cô gái trẻ có tiếng Anh tốt, phong cách chuyên nghiệp, học hành bài bản và phương thức bay chỉnh tề.

"Chi phản ứng khá nhạy bén với các tình huống giả định được đưa ra, cũng có sự mạnh mẽ và quyết đoán. Nghề phi công thường được nhiều người mặc định dành cho nam giới, nhưng các bạn nữ phi công như Chi lại cho thấy bản thân không hề thua kém. Họ có sự chuyên nghiệp, tuân thủ trong khi bay thậm chí tốt hơn một số bạn nam", cơ trưởng Nguyễn Đức Hoàng chia sẻ.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nu-phi-cong-tre-va-ap-luc-con-nha-noi-192241018001236749.htm
Zalo