Nữ họa sĩ Trần Thị Doanh: Làm bừng lên các bức tranh sơn mài bằng kỹ thuật con nhà nòi

Sau 30 năm kể từ cuộc triển lãm cá nhân lần đầu tiên, nữ họa sĩ Trần Thị Doanh vừa cho ra mắt người xem triển lãm cá nhân lần thứ 2 – một phòng tranh đầy hoài niệm về những điều xưa cũ được thể hiện bằng một phong cách mạnh mẽ, dứt khoát.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống về tranh sơn mài với bố là nghệ nhân sơn mài Trần Đạo Uyên, trải qua những gập ghềnh của đời sống riêng tư, những nỗi đau về thể xác của bệnh tật nhưng vừa qua, nữ họa sĩ Trần Thị Doanh đã ra mắt triển lãm cá nhân lần thứ 2 - "Khúc giao mùa".

Lý giải về khoảng cách giữa 2 lần triển lãm cách xa tới 30 năm, nữ họa sĩ cho biết, đó là một sự cố gắng rất lớn bởi có lúc tưởng chừng, cô không còn đủ sức khỏe để làm cuộc trưng bày lần này. Cách đó không lâu, họa sĩ còn đang chịu những đau đớn về thể xác và tinh thần của những đợt hóa trị và xạ trị với những mệt mỏi, ưu phiền. Hơn thế, công việc giảng dạy ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cùng trách nhiệm làm mẹ, chăm sóc con cái đã cuốn nữ họa sĩ đi trong nhiều năm, khiến công việc sáng tác đành tạm gác lại.

Nữ họa sĩ Trần Thị Doanh

Nữ họa sĩ Trần Thị Doanh

Nhưng cũng trong khoảng thời gian bận rộn nhất ấy của người phụ nữ, nữ họa sĩ Trần Doanh cố gắng tự nhủ, mỗi một năm chỉ cần vẽ 1 tranh, nhỏ mấy cũng được, đẹp xấu xét sau… miễn là có vẽ để duy trì niềm đam mê và không bị quên kiến thức đã học. Nhiều lúc quá bận rộn không có thời gian vẽ tranh, việc cơm áo gạo tiền, việc bếp núc gia đình, việc cơ quan… làm họa sĩ mệt mỏi, không hào hứng với việc sáng tác. Những lúc đó, cô cố dành thời gian đi xem triển lãm tranh của các họa sĩ. Việc đi xem triển lãm tranh như tiếp lửa cho họa sĩ, giúp việc nuôi dưỡng niềm đam mê không bị tắt. Điều này, nữ họa sĩ cũng học được ở một số đàn anh, những người mà Trần Doanh ngưỡng mộ khi còn đi học. Họ chia sẻ với nữ nghệ sĩ rằng, khi kinh tế quá khó khăn, họ tạm gác việc sáng tác để lao vào làm kinh tế, kiếm tiền và tự bảo rằng khi kinh tế tạm ổn sẽ quay lại với vẽ. Nhưng rồi bị cuốn vào vòng xoáy của kinh tế, đến khi giàu rồi, muốn quay trở lại vẽ mà không được. Họ nhắn nhủ với nữ họa sĩ đừng có giống như họ, đừng có mải kiếm tiền mà không duy trì vẽ.

Tác phẩm "Tuổi thơ tôi", sơn mài, 90x90cm, năm 2023

Tác phẩm "Tuổi thơ tôi", sơn mài, 90x90cm, năm 2023

Chính nhờ sự kiên trì và duy trì công việc vẽ tranh nên sau 30 năm, họa sĩ Trần Thị Doanh vẫn tạo nên một triển lãm cá nhân lần thứ 2 đẹp mắt, giàu tính nghệ thuật. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Khúc giao mùa” có độ lùi về thời gian như một cách nhìn lại chặng đường nghệ thuật đã đi qua. Đề tài trong những bức tranh ấy rất thân thuộc với nhiều người như một xưởng sản xuất cá hộp với trang phục đặc trưng của một thời kỳ đã qua, một buổi chiều hoàng hôn trên biển, phong cảnh vùng cao, nông thôn miền Bắc với trò chơi của con trẻ bên gốc rạ... Những chuyến đi thực tế miền núi, miền biển hay những vùng nông thôn đã cho họa sĩ nhiều cảm xúc trong sáng tác các tác phẩm. Nữ họa sĩ Trần Doanh chia sẻ, nhiều người đã hỏi cô, với những đề tải quen thuộc về miền núi, miền biển hay những vùng đồng bằng có những con sông, lũy tre làng….nghệ sĩ phải tạo ra một phong cách riêng của mình, bằng một lối vẽ của riêng mình như thế nào? Đó cũng là sự trăn trở, sự tìm tòi của nhiều họa sĩ, nhưng với cô, hội họa là cuộc sống, là hơi thở của người vẽ, của họa sĩ.

Tác phẩm "Công nhân làm cá hộp", sơn mài, 120x180cm, năm 1990

Tác phẩm "Công nhân làm cá hộp", sơn mài, 120x180cm, năm 1990

“Tôi là tôi, tôi cứ vẽ những gì tôi yêu, tôi thích và quan trọng là vẽ thế nào để truyền tải được niềm yêu thích đó cho người xem tranh của mình. Giống như lời tỏ tình với người mình yêu có muôn vàn cách, chẳng ai giống ai cả, chẳng ai dạy được cho ai, đôi khi cũng chẳng cần phải bày tỏ bằng lời, tự “nó” đã nói lên tất cả rồi, có nói cũng sẽ là thừa. Vẽ cũng vậy”, họa sĩ Trần Doanh nói.

Được thừa hưởng kỹ thuật sơn mài từ cha mình, nữ họa sĩ Trần Doanh có thế mạnh ở chất liệu hội họa truyền thống này. Theo chia sẻ của các họa sĩ trong nghề, cái khó nhất của kỹ thuật sơn mài trong hội họa là làm bức tranh bừng lên ở khâu cuối cùng. Tranh có được cái nhuần nhuyễn của sơn son thếp vàng giống như trong cung vua phủ chúa cũng là nằm ở khâu cuối cùng này. Nữ họa sĩ Trần Doanh là người làm được điều này. Vì thế, khi xem tranh sơn mài của cô, nhiều người cảm thấy được cái sâu thẳm của sơn ta, lóng lánh vàng son, vương giả của quỳ vàng, quỳ bạc… Các tác phẩm sơn mài của họa sĩ Trần Thị Doanh toát lên sự mê đắm đối với chất liệu sơn ta, sự sang trọng của một trong những chất liệu tốn kém và cầu kỳ bậc nhất của hội họa Việt Nam.

Tác phẩm "Phong cảnh Bắc Sơn, Lạng Sơn", sơn mài, 90x120cm, năm 1995

Tác phẩm "Phong cảnh Bắc Sơn, Lạng Sơn", sơn mài, 90x120cm, năm 1995

Họa sĩ Lê Trí Dũng chia sẻ, không hiểu vì phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo mà Doanh vẽ đẹp hơn hay vì hội họa đã giúp Doanh chiến thắng bệnh hiểm nghèo? Những bức tranh đầy tình cảm, bố cục chắc khỏe. Họa sĩ Lê Trí Dũng đặc biệt yêu thích các bức tranh sơn mài của nữ họa sĩ Trần Thị Doanh bởi cách vẽ giản dị pha chút biểu hiện càng tăng thêm vẻ phong trần trong cõi tranh của Doanh, đã gặt hái được nhiều giải thưởng mỹ thuật của Thủ đô và toàn quốc.

Cố họa sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá, Trần Thị Doanh là nữ họa sĩ dấn thân vào mỹ thuật hết lòng. Kể ra cũng là hiếm. Sự hết lòng với nghệ thuật đã đưa tác phẩm của chị nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập trong và ngoài nước.

Triển lãm cá nhân lần thứ 2 của họa sĩ Trần Thị Doanh, “Khúc giao mùa” vừa diễn ra tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2024.

Họa sĩ Trần Thị Doanh sinh năm 1959 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật khóa 1974-1979 – trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp Cử nhân trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1979-1984, tốt nghiệp Cao học mỹ thuật khóa 7 trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 2004-2007. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Các giải thưởng mỹ thuật: Giải Nhì Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995 với tác phẩm sơn mài “Phong cảnh Bắc Sơn – Lạng Sơn”, Giải tặng thưởng của quỹ Văn hóa Thụy Điển – Việt Nam năm 1996 cho 2 tác phẩm sơn mài “Xóm chài Cát Bà”, “Phiên chợ miền núi”, Giải tặng thưởng triển lãm khu vực I-Hà Nội của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2009 cho tác phẩm sơn mài “Chợ củi”.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nu-hoa-si-tran-thi-doanh-lam-bung-len-cac-buc-tranh-son-mai-bang-ky-thuat-con-nha-noi-post600630.antd
Zalo