Nữ họa sĩ Gen Z đam mê tranh sơn mài
Trong thế giới lặng lẽ của sơn mài truyền thống, họa sĩ Lily (tên thật là Lại Thị Huệ, SN 1998) đang tạo nên một lối đi riêng - nơi hình ảnh người phụ nữ Việt hiện lên vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, vừa cổ điển vừa đương đại. Không quá ồn ào, nữ họa sĩ thế hệ Gen Z đã để hội họa kể thay mình một câu chuyện mang tên: Nữ tính, nội tâm và vĩnh cửu.

Họa sĩ Lily và tác phẩm Tịnh Âm
Từ làng quê Bắc Bộ đến hành trình tôn vinh phụ nữ qua tranh
Sinh ra trong một làng quê nhỏ ở miền Bắc, nơi "những người phụ nữ không bao giờ nói về sự vất vả của mình nhưng lại toát lên nội lực từ ánh mắt, cử chỉ", Lily đã sớm mang hình ảnh ấy vào tâm khảm. Với cô, người phụ nữ Việt là biểu tượng bất biến, là cảm hứng không bao giờ vơi cạn cho mọi sáng tác.
Không chỉ đơn thuần khắc họa chân dung, Lily xem việc vẽ phụ nữ là một cách tôn vinh. Mỗi tác phẩm là một nén hương tưởng nhớ, một lời cảm ơn thầm lặng, một sự thừa nhận rằng phụ nữ, dù ở bất kỳ lứa tuổi, nghề nghiệp hay hoàn cảnh nào đều chứa đựng một vẻ đẹp riêng biệt. Đó là vẻ đẹp không phô trương, nhưng đủ để khiến người ta dừng lại, chiêm ngưỡng, và suy ngẫm.
Trong tranh của Lily, phụ nữ không chỉ là nàng thơ, mà là chủ thể của câu chuyện. Họ không đứng phía sau ánh hào quang của ai khác, họ là ánh sáng. Từ đôi tay gầy của người mẹ đến ánh mắt sâu thẳm của người chị, tất cả đều được nâng niu và đặt vào trung tâm của bố cục. Cô không chỉ vẽ, mà còn kể chuyện bằng nét cọ, bằng ánh sáng và bằng sự trân trọng đầy nữ tính.

Trong tranh của Lily, phụ nữ không chỉ là nàng thơ, mà là chủ thể của câu chuyện
Lily chọn sơn mài - chất liệu truyền thống đầy thách thức như một cách để khắc họa chiều sâu nội tâm ấy. Trong các tác phẩm của cô, người phụ nữ hiện lên không phải là biểu tượng trang trí, mà là trung tâm xúc cảm: Từ dịu dàng, bản lĩnh, đến thầm lặng trong yêu thương. Cô chia sẻ: "Tôi mong tranh của mình không chỉ là hình ảnh, mà còn là nơi người xem cảm nhận được hơi thở và nhịp đập của người phụ nữ Việt, vừa truyền thống vừa hiện đại".
Cô thừa nhận, hành trình đến với sơn mài không dễ dàng. Việc tìm được người thầy giỏi, hiểu sâu về kỹ thuật truyền thống là một hành trình tự học, tự mày mò không kém phần gian nan. Nhưng cũng chính vì vậy, mỗi lớp sơn, mỗi đường mài đều chứa đựng sự trân trọng và chiêm nghiệm.
Tự do là lựa chọn, nghệ thuật là lối đi
Chọn sơn mài trong thời đại của kỹ thuật số là một lựa chọn… ngược dòng. Nhưng với Lily, chính sự tỉ mỉ, chậm rãi và đòi hỏi kỷ luật cao của sơn mài lại là điều khiến cô gắn bó.
"Tôi từng chán nản vì các công đoạn lặp đi lặp lại, mất hàng tuần chỉ để hoàn thiện một lớp sơn. Có khi chỉ vì một vết bụi nhỏ là phải làm lại từ đầu. Nhưng càng đi sâu, tôi càng nhận ra sơn mài không chỉ là chất liệu mà là một triết lý sống", Lily nói.
Triển lãm nhóm đầu tiên mà Lily tham gia là "Duyên Khởi", đây là nơi cô thể hiện 11 trạng thái cảm xúc khác nhau của người phụ nữ: Từ mạnh mẽ, mềm mại, đến cô đơn và rực rỡ. Lily gọi đó là "lời chào", nhưng cũng là "tiếng nói" của mình với thế giới: Rằng phụ nữ, trong bất kỳ vai trò nào, cũng xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật sống động.

Lily đam mê hội họa và mong muốn truyền lửa cho các em nhỏ
"Tôi sử dụng ngôn ngữ sơn mài để giữ nét truyền thống, nhưng cũng kết hợp tinh thần đương đại qua hình khối, ánh sáng và màu sắc mang tính biểu cảm cao. Với tôi, mỗi bức tranh là một lát cắt của đời sống, đôi khi là làm vợ, làm mẹ, làm người, hoặc tất cả cùng một lúc", nữ họa sĩ nói.
Hiện tại, Lily đã tham gia một số triển lãm nhóm như: "Duyên Khởi" và "Phẳng". Đặc biệt, tác phẩm "Tình Thân" của cô đã được chọn tham gia Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô - một dấu mốc khích lệ để Lily tiếp tục "vẽ bằng trái tim".
Với những người trẻ, đặc biệt là phụ nữ đang muốn theo đuổi nghệ thuật truyền thống như sơn mài, Lily gửi gắm: "Nghệ thuật không hào nhoáng, không thành công nhanh nhưng chứa đựng chiều sâu và sức sống bền bỉ. Hãy bắt đầu nếu trái tim bạn rung động với một chất liệu nào đó. Dù chậm, dù khó, tình yêu và sự bền bỉ sẽ dẫn bạn đến đích".
Nữ họa sĩ trẻ vẫn đang âm thầm vẽ, mài, thổi hồn vào từng mảng sơn - để những người phụ nữ trong tranh của cô không chỉ hiện diện trên gỗ vóc, mà còn sống trong tâm trí người xem như một phần ký ức đẹp đẽ và đầy sức mạnh.