Nữ 'hiệp sĩ' với 7 năm cứu hộ nạn nhân tai nạn giao thông

Mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra là sự thương vong về người và của, tính mạng của nạn nhân được tính bằng từng phút giây. Thấu hiểu điều đó, suốt 7 năm qua, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (30 tuổi), đội trưởng đội cứu hộ 911 (TP. Thủ Đức, TP. HCM) vẫn miệt mài với công việc hỗ trợ sơ cứu, giúp đỡ những nạn nhân không may gặp tai nạn giao thông.

Với những đóng góp cho xã hội, ngày 16/10/2024, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân đã được T.Ư Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp 2024”.

“Việc tốt không khó làm”

Năm 2012, chị gái chị Kim Ngân mất vì tai nạn giao thông. Trong một lần xuống Vũng Tàu, người em của chị bị bể bánh xe và được đội cứu hộ tại địa phương giúp đỡ. Ngưỡng mộ trước tinh thần nghĩa hiệp ấy, năm 2017, chị Kim Ngân quyết định thành lập đội cứu hộ 911 ở TP. Thủ Đức (TP. HCM). Kể từ đó, chị luôn là người đứng đầu và bao quát tất cả các công việc của đội. “Không thể chỉ tay 5 ngón mà để các bạn tự đi làm việc. Tôi trao cơ hội cho các bạn thể hiện bản thân mình và nếu có chuyện gì thì tôi sẽ là người chịu trách nhiệm”, chị Ngân khẳng định.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, chị Kim Ngân và đội 911 đã hỗ trợ khoảng 300 ca lớn nhỏ, cùng hàng ngàn ca tai nạn trong 7 năm qua. Tôn chỉ của chị và đội luôn là lo cho nạn nhân cho tới khi thân nhân của họ đến. Là một công việc tự nguyện, chị chưa bao giờ quan tâm đến lời cảm ơn của nạn nhân. Với chị, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa khi tính toán, việc tốt rất dễ làm và cứu người không phải điều gì ghê gớm như mọi người vẫn nghĩ.

Mỗi một ca hỗ trợ tai nạn giao thông là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của cả đội 911. Dưới sự chỉ huy của nữ đội trưởng, các thành viên sẽ đảm nhận nhiệm vụ, sao cho nạn nhân được cầm máu và đến bệnh viện an toàn.

Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (thứ hai, từ phải sang) tại Lễ trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp 2024”. (Ảnh: NVCC)

Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (thứ hai, từ phải sang) tại Lễ trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp 2024”. (Ảnh: NVCC)

“Trong nhiều tình huống, chúng tôi thường nhờ sự hỗ trợ từ người dân. Tôi tin rằng, vẫn có rất nhiều người tốt ở xung quanh, đội 911 chỉ là đại diện một tập thể chứ không phải là nhất. Tôi luôn quy định cho thành viên thời gian thực hiện nhiệm vụ, mỗi bạn phải tự chủ được bản thân, kiểm soát hành động, lời nói, tự giác sắp xếp được thời gian và công việc”.

Thế nhưng, công việc thiện nguyện của chị Kim Ngân và đội 911 đôi khi nhận được những bình luận mang tính công kích. Trước vấn đề ấy, ‘nữ hiệp sĩ’ luôn bình tĩnh giải quyết, nếu việc giải thích không có tác dụng, chị sẽ chọn cách bỏ qua. Với chị, sự trung thực là yếu tố quyết định, không nên tranh luận vì mỗi người có một góc nhìn khác biệt. Hãy chọn cách lạc quan để sống.

Trên hành trình giúp người, có những khoảnh khắc mà tưởng chừng như người bình thường phải lắc đầu, bó tay vì ngại khó, sợ khổ nhưng chị Kim Ngân và cả đội 911 chưa bao giờ nao núng hay chùn bước: “Tôi từng hỗ trợ một nạn nhân bị mất ý thức, tiêu tiểu không tự chủ, dịch tiết, máu và phân bị dây ra lẫn lộn. Đội 911 vẫn vào lo cho nạn nhân. Ngành y tế cũng có nhiều áp lực, việc làm của chúng tôi sẽ giảm bớt gánh nặng cho hộ lý và bác sĩ, họ cũng cố gắng rất nhiều và không bỏ nạn nhân”.

Những giải thưởng được trao là sự ghi nhận những đóng góp của chị Kim Ngân và đội 911 (Ảnh: NVCC)

Những giải thưởng được trao là sự ghi nhận những đóng góp của chị Kim Ngân và đội 911 (Ảnh: NVCC)

Cho đến nay, các thành viên trong đội 911 đều được đào tạo, cấp chứng chỉ sơ cấp cứu tại Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing và luôn đảm bảo nguyên tắc an toàn khi tham gia cứu hộ. Khi còn nhận thêm thành viên, nữ hiệp sĩ bao giờ cũng chú trọng đến sự trung thực trong lời nói và hành động của mỗi người. Chị cũng đứng ra đào tạo cho các thành viên mới. Trong quan điểm của chị, một người không biết chữ cũng có thể cứu người.

“Tôi vốn không phải là một người mạnh mẽ”

Trước khi thành lập đội 911, chị Kim Ngân từng tham gia cứu hộ cùng một đội tình nguyện ở Đồng Nai. Mẹ của nữ hiệp sĩ biết công việc của con gái và luôn đứng sau ủng hộ. Dù không có nhiều thời gian sau ngày dài làm việc, chị vẫn cố gắng hỗ trợ những người gặp nạn.

“Thời điểm ấy, tôi còn làm công nhân, làm từ 7h30 đến 4h30, có khi đến 6h chiều. Một ngày, tôi đi khoảng 80 km, nếu có đi tuần thì hơn 100 km/ngày. Tháng đầu, tôi tham gia 2 buổi/tuần, sau là 5 buổi/tuần”.

Theo chị Kim Ngân, trước đây, chị từng có định hướng đi làm kinh tế chứ không phải y tế. Không ai nghĩ, một nữ đội trưởng quyết đoán, luôn xuất hiện nhanh chóng tại hiện trường vụ tai nạn lại là một người có nỗi sợ và hạn chế về mặt tâm lý.

Ngoài hỗ trợ cứu nạn, chị Kim Ngân còn là chủ của một quán cafe nhỏ. (Ảnh: Du Yên)

Ngoài hỗ trợ cứu nạn, chị Kim Ngân còn là chủ của một quán cafe nhỏ. (Ảnh: Du Yên)

“Tôi khá nhát, sợ máu, nhiều khi thấy dịch tiết nhầy nhụa là ói và lên cơn suyễn. Sau khi ba và chị hai của tôi mất, tôi phải cố gắng để trở thành điểm tựa cho mẹ. Tôi vẫn khóc khi thấy cảnh tai nạn. Khi không chịu được vết thương hở, tôi sẽ lấy băng gạc đậy lại, vừa giúp cầm máu vừa che đi vết thương để tôi dạn dĩ hơn mà làm. Sau khi mẹ tôi mất, tôi sợ phải ở một mình, không dám tắt điện thoại khi đi ngủ, luôn bật nhạc để nghe tiếng người”, 'nữ hiệp sĩ' chia sẻ.

Khi mới tham gia cứu hộ, chị Kim Ngân cũng từng bị cuốn vào chính câu chuyện của nạn nhân và tự trách mình tại sao không đến sớm hơn. Nhưng rồi nữ đội trưởng cũng vực dậy tinh thần, cố gắng trước hoàn cảnh dẫu còn khó khăn, thách thức. Với chị Kim Ngân, sự công nhận của xã hội là phần thưởng tuyệt vời nhất.

“Khi người dân gọi điện thông báo tai nạn cho chúng tôi, họ tự động nhường đường và kêu 911 tới, làm tôi cảm thấy tin tưởng hơn vào công việc của mình”, chị Kim Ngân chia sẻ.

Hiện nay, chị đang theo học ngành Y sĩ đa khoa tại trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn. Chia sẻ về việc học, chị cho biết, mọi thứ như được sắp đặt sẵn, cơ hội gặp gỡ, học hỏi cách sơ, cấp cứu từ những bác sĩ giỏi và có tâm là một điều quý giá với chị.

Nữ đội trưởng cũng cho biết, chị luôn muốn hỗ trợ nhận thức cho mọi người về hậu quả thảm khốc của tai nạn giao thông. Theo đó, việc học cách sơ cứu rất quan trọng. Bởi hiện nay, có quá nhiều bệnh lý thường gặp, biết cách sơ cứu đúng sẽ giúp giảm thiểu di chứng xảy ra.

“Học để bình tĩnh, hướng đến cách giải quyết tốt nhất cho nạn nhân. Học sinh, sinh viên nên được biết và tiếp cận kỹ năng sơ cứu để có thể ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày”, chị chia sẻ.

Nữ hiệp sĩ luôn xem đội 911 như một gia đình. Chị cảm thấy biết ơn vì các thành viên đã bỏ thời gian, tiền bạc và công sức cùng nhau đồng hành trên con đường này. Để phát triển đội tốt hơn, chị luôn tiếp thu ý kiến từ người dân. Với chị, niềm tin và câu chuyện của họ là nền tảng tốt nhất.

Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (1994) đã nhận được sự công nhận đến từ các cơ quan như: Hội LHTN TP. HCM tặng giấy khen “Đã có thành tích tiêu biểu trong công tác xã hội và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2022”; Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Thủ Đức khen thưởng “Cá nhân tiêu biểu có hỗ trợ tích cực cho địa phương, trong đó có hội viên phụ nữ”; Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức tặng giấy khen “Đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên, giai đoạn 2019 – 2024”.

Du Yên

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-hiep-si-voi-7-nam-cuu-ho-nan-nhan-tai-nan-giao-thong-post1702618.tpo
Zalo