Nữ diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang trong 'Biệt động Sài Gòn' giờ ra sao?

'Biệt động Sài Gòn' ra mắt năm 1986 kể về cuộc chiến nổi bật của lực lượng biệt động Sài Gòn trong sự kiện Tết Mậu Thân và công cuộc Kháng chiến chống Mỹ của quân Giải phóng tại miền Nam Việt Nam. Hơn bốn thập kỷ trôi qua, 'Biệt động Sài Gòn' vẫn là một tượng đài trong lòng nhiều thế hệ yêu điện ảnh, gợi nhắc về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.

Hậu trường thú vị chưa từng được tiết lộ

Nhắc đến những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh, không thể không kể đến Biệt động Sài Gòn. Với 4 tập: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giôngTrả lại tên cho em... Biệt động Sài Gònnói về những cuộc đấu trí căng thẳng của các chiến sĩ tình báo trong đô thành Sài Gòn vào những năm 1960.

NSƯT Thanh Loan đảm nhận vai ni cô Huyền Trang - một trong những nhân vật quan trọng của phim. Kể lại kỷ niệm về Biệt động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan cho biết năm 1984 trong một chuyến công tác vào TPHCM, bà gặp họa sĩ thiết kế mỹ thuật Trịnh Thái của phim. Ông cho biết đoàn làm phim đã quay được một năm nhưng chưa tìm được diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang.

NSƯT Thanh Loan đảm nhận vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn.

NSƯT Thanh Loan đảm nhận vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn.

NSƯT Thanh Loan chủ động xin kịch bản và có cuộc gặp định mệnh với đạo diễn Long Vân. "Khi đọc xong kịch bản tôi thấy rất hay. Tôi quyết định tham gia phim, nhưng điều tôi không ngờ được là thời gian quay phim kéo dài quá! Phim mất 4 năm mới hoàn thành", NSƯT Thanh Loan nêu.

Để hóa thân vào vai ni cô Huyền Trang cũng như chiến sĩ Huyền Trang của lực lượng biệt động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan đã phải nghiên cứu nhân vật kỹ lưỡng.

"Chúng tôi phải gặp nguyên mẫu của mình trong Biệt động Sài Gòn. Tôi được ở trong chùa một tuần, học cách tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật, dáng đi khất thực ... Chúng tôi phải có trải nghiệm thực tế về vai diễn", NSƯT Thanh Loan kể lại.

Vai diễn ni cô Huyền Trang của NSƯT Thanh Loan để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.

Vai diễn ni cô Huyền Trang của NSƯT Thanh Loan để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.

Những phân cảnh bắn súng trong phim, diễn viên được sử dụng súng thật, đạn thật để quay. NSƯT Thanh Loan tiết lộ bản thân là một người lính, từng ra thao trường bắn súng AK, súng lục, nên những phân cảnh cầm súng chiến đấu không làm khó được bà.

"Phân cảnh khó nhất khi tôi phải nhảy xuống đầm đầy hoa súng để đẩy thuyền của Tư Chung. Một mình tôi mà phải đẩy con thuyền rất to. Đây là cảnh quay rất đẹp", NSƯT Thanh Loan nói.

NSƯT Thanh Loan tái ngộ nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã - vợ của cố nhà văn Lê Phương - biên kịch của phim Biệt động Sài Gòn. Nhà biên kịch mang tới những bức ảnh của ê-kíp chụp trong quá trình làm phim gợi nhớ những ký ức về một thời khó khăn nhưng nhiều kỷ niệm đẹp trong sự nghiệp làm nghề.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã gợi lại câu chuyện hậu trường mà NSƯT Thanh Loan không biết. Ngoài phân cảnh ni cô Huyền Trang đi dưới mưa bằng nước đã bị rỉ sét trong thùng xe cứu hỏa, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tiết lộ câu chuyện liên quan đến vai quần chúng của nhà biên kịch Lê Phương.

Nhà biên kịch Lê Phương - biên kịch phim Biệt động Sài Gòn đóng vai quần chúng trong phim.

Nhà biên kịch Lê Phương - biên kịch phim Biệt động Sài Gòn đóng vai quần chúng trong phim.

"Phân cảnh đi trong mưa cần có diễn viên đi vào để bỏ tiền vào bát khất thực của ni cô Huyền Trang. Nhưng lúc đó không ai chịu vào vì kinh quá. Cuối cùng ông biên kịch phải nhận vai. Đây cũng là vai diễn duy nhất của chồng tôi trong phim Biệt động Sài Gòn", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể lại.

Sức sống mãnh liệt

Đến nay, hơn bốn thập kỷ trôi qua, Biệt động Sài Gòn vẫn là một tượng đài trong lòng nhiều thế hệ yêu điện ảnh, gợi nhớ về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định tính chân thực của phim là một trong những yếu tố khiến Biệt động Sài Gòn trường tồn, sống mãi trong lòng khán giả.

"Phim lúc đầu chỉ có hai tập. Nhưng khi chiếu tập 1, khán giả đến xem rất đông, xếp hàng dài để mua vé. Tập 2 khi đi đến những khâu cuối cùng, Cục Điện ảnh đề nghị làm tập 3. Khi đang làm tập 3, tập 2 ra mắt, tiếp tục tạo được tiếng vang, bùng nổ hơn cả tập 1. Cục Điện ảnh tiếp tục yêu cầu làm tập 4. Đây cũng là lý do Việt Nam có phim điện ảnh dài tập", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tiết lộ câu chuyện hậu trường thú vị của phim Biệt động Sài Gòn.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tiết lộ câu chuyện hậu trường thú vị của phim Biệt động Sài Gòn.

Biệt động Sài Gòn lên sóng trở lại khi gần đến những ngày kỷ niệm 50 năm Thống nhất hoàn toàn Đất nước. Lực lượng biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt và quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cán bộ, chiến sĩ biệt động sống hợp pháp trong thành phố, được biên chế chặt chẽ và hết sức bí mật, được huấn luyện và trang bị vũ khí phù hợp với tác chiến trong nội đô.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã góp phần quan trọng vào thành công của “đòn” tác chiến chiến lược. Thời điểm ấy, nhiều chiến sĩ đã phải khoác lên mình các vỏ bọc, bị địch bắt, tra tấn, thậm chí là giết hại nhằm khai thác thông tin. Nhiều chiến sĩ biệt động đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tất cả đã được bộ phim Biệt động Sài Gòn khắc họa qua nhiều phân đoạn, chi tiết khiến người xem cảm thấy xúc động, nể phục. Bộ phim không chỉ là ký ức sống động về một thời đấu tranh hào hùng, mà còn là “ngọn lửa” truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Gia Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nu-dien-vien-dong-vai-ni-co-huyen-trang-trong-biet-dong-sai-gon-gio-ra-sao-post1737531.tpo
Zalo