Nữ Đại sứ Mỹ đầu tiên: Mở cánh cửa ngoại giao nhân dân

75 năm trước, lịch sử ngoại giao Mỹ đã ghi danh nữ Đại sứ đầu tiên…

Đại sứ Eugenie Anderson ký Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải giữa Mỹ và Đan Mạch vào ngày 1/10/1951. (Nguồn: NMAD)

Đại sứ Eugenie Anderson ký Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải giữa Mỹ và Đan Mạch vào ngày 1/10/1951. (Nguồn: NMAD)

Tháng 10/1949, bà Eugenie Moore Anderson (1909-1997) được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức người đứng đầu phái đoàn ngoại giao của xứ cờ hoa. Sau đó, bà Anderson còn công tác tại phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Bulgaria và Liên hợp quốc, nỗ lực xây dựng phong cách cá nhân mà bà mô tả là "ngoại giao nhân dân".

Chia sẻ trên trang ShareAmerica, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, trong bối cảnh nghề ngoại giao lúc bấy giờ do nam giới thống trị, bà Anderson đã “bất chấp mọi khó khăn để tạo dấu ấn lâu dài trong quan hệ Mỹ-châu Âu sau Thế chiến II”.

Vào tháng 1/1952, trang bìa của tạp chí Quick đăng bức ảnh Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Eugenie Anderson với chú thích: "Ngoại giao có phải là công việc của phụ nữ không?". Bài báo nhắc đến công việc của bà Anderson cùng với sự nghiệp ngoại giao của cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt với tư cách là đại biểu tại Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Luxembourg Perle Mesta, cùng với tên tuổi và chức danh của những người phụ nữ giữ các vị trí tương tự từ Ấn Độ, Chile và Brazil.

Câu trả lời dứt khoát cho độc giả của Quick là: Có, ngoại giao thực sự là công việc của phụ nữ. Đơn cử như bà Eugenie Anderson, người phụ nữ Mỹ đầu tiên giữ chức Đại sứ, gặt hài nhiều thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp ngoại giao kéo dài hơn 30 năm, với tư cách là một nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Minnesota, Đại sứ tại Đan Mạch (1949-1953), ứng cử viên Thượng viện Minnesota năm 1958, Đại sứ tại Bulgaria (1962-1964) và đại biểu tại Liên hợp quốc (1965-1968).

Từ quan tâm vấn đề quốc tế…

Sinh ra và lớn lên tại Adair, bang Iowa, bà Anderson theo học ngành âm nhạc tại trường Cao đẳng Stephens ở Columbia, bang Missouri và Cao đẳng Simpson ở Indianola, bang Iowa trước khi chuyển đến trường Cao đẳng Carleton ở Northfield, bang Minnesota. Tại đây, bà đã gặp và kết hôn với ông John Anderson vào năm 1931.

Bắt đầu quan tâm đến các vấn đề quốc tế, bà đã đến châu Âu vào năm 1937, trong bối cảnh Hitler lên nắm quyền ở Đức. Sau đó, bà trở về nhà và gia nhập Liên đoàn nữ cử tri ở Minnesota, nhanh chóng trở thành người ủng hộ mạnh mẽ đối với ngoại giao quốc tế và tiếp đó là sự thành lập của Liên hợp quốc.

Sau khi được Tổng thống Harry Truman (1884-1972) bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch vào tháng 10/1949, bà Anderson đã học tiếng Đan Mạch để có thể đi khắp đất nước và trò chuyện với người dân sở tại. Bà thành lập chương trình trao đổi Fulbright với Đan Mạch để mở rộng sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Chính Đại sứ Anderson đã đàm phán một thỏa thuận phòng thủ chung và ký Hiệp ước Hữu nghị, thương mại và hàng hải giữa hai nước, trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên ký một hiệp ước như vậy.

Đại sứ Eugenie Anderson gặp gỡ những người làm nông ở Bulgaria. (Nguồn: NMAD)

Đại sứ Eugenie Anderson gặp gỡ những người làm nông ở Bulgaria. (Nguồn: NMAD)

Năm 1960, Tổng thống John F. Kennedy (1917-1963) bổ nhiệm bà Anderson làm Đại sứ Mỹ tại Bulgaria. Bà cũng là người phụ nữ Mỹ đầu tiên đứng đầu một phái bộ ngoại giao tại một nước thuộc khối Liên Xô. Bà cũng là nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên phát biểu trên truyền hình và đài phát thanh Bulgaria.

Tại đây, nhà ngoại giao Mỹ đã dán giấy dán tường các cửa sổ của phái đoàn Mỹ bằng các hình ảnh giới thiệu về cuộc sống và văn hóa Mỹ cho những người Bulgaria đi ngang qua... Trong thời gian này, chính bà Anderson đã đàm phán giải quyết các khoản nợ chưa thanh toán của Bulgaria với Mỹ từ Thế chiến II.

Kết thúc nhiệm kỳ tại Bulgaria vào tháng 12/1964, một năm sau, bà Anderson được bổ nhiệm làm đại biểu Mỹ tại Hội đồng Ủy thác của Liên hợp quốc và hỗ trợ các quốc gia mới giành được độc lập ở châu Phi và châu Á. Bà cũng được xem là người phụ nữ đầu tiên ngồi vào ghế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Người dân Bulgaria đang xem ảnh của bà Anderson và cuộc sống của người Mỹ qua cửa sổ của Đại sứ quán Mỹ. Nguồn: NMAD)

Người dân Bulgaria đang xem ảnh của bà Anderson và cuộc sống của người Mỹ qua cửa sổ của Đại sứ quán Mỹ. Nguồn: NMAD)

Di sản mãi vẹn nguyên

Kể từ thời bà Anderson, hàng trăm phụ nữ đã đảm nhiệm cương vị Đại sứ Mỹ. Ngày nay, một phần ba trong số Đại sứ Mỹ ở các nước trên thế giới là phụ nữ.

Theo Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka Julie Chung, nhiều nhà ngoại giao nữ đã tiếp nối bà Anderson mang đến “sự đa dạng về ý tưởng, giải pháp và cách kết nối với công chúng”.

Là viên chức ngoại giao Mỹ, bà Chung từng công tác tại Đại sứ quán Mỹ ở các nước gồm Colombia, Iraq và Việt Nam. Bà thường xuyên gặp gỡ các nữ Đại sứ khác. "Chúng tôi nghĩ về những cách chúng tôi có thể trao quyền cho các nhà ngoại giao trẻ, các doanh nhân trẻ và phụ nữ Sri Lanka", bà nói. “Tôi yêu công việc của mình”.

Tổng thống John F. Kennedy tiếp bà Eugenie Anderson tại Phòng Bầu dục năm 1962. (Nguồn: Thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy)

Tổng thống John F. Kennedy tiếp bà Eugenie Anderson tại Phòng Bầu dục năm 1962. (Nguồn: Thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy)

Còn với Đại sứ Thomas-Greenfield, “tôi sẽ không ở vị trí hiện tại, hoặc không có con người như tôi nếu không có những người tiên phong như bà Eugenie Moore Anderson”.

Đại sứ Thomas-Greenfield cho biết, bà cũng thường nghĩ “về những nhà lãnh đạo như Madeleine Albright, Condoleezza Rice, Hillary Clinton, và trên hết là mẹ tôi — họ đã dạy tôi cách tiến về phía trước, táo bạo và mơ ước lớn”.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield (giữa) trò chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Haiti Dominique Dupuy vào ngày 22/7 tại Haiti. (Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Port-au-Prince)

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield (giữa) trò chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Haiti Dominique Dupuy vào ngày 22/7 tại Haiti. (Nguồn: Đại sứ quán Mỹ tại Port-au-Prince)

Hoàng Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nu-dai-su-my-dau-tien-mo-canh-cua-ngoai-giao-nhan-dan-291841.html
Zalo