Nữ đại gia 'khét tiếng' đầu tiên của Việt Nam là ai?
Bà Tư Hồng được xem là nữ đại gia nức tiếng, có tài kiếm tiền trong nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Hà Nội thời trước nhưng phận duyên long đong khi trải qua 3 đời chồng mà không có con.
Cuối thế kỷ 19, Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Tại Hà Nội, các thương nhân Pháp và Hoa kiều phân chia thị trường xây dựng, xuất khẩu gạo và tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, một nữ doanh nhân nổi bật xuất hiện, khiến giới kinh doanh phải dè chừng. Đó là bà Tư Hồng.
Tay trắng trở thành đại gia khét tiếng
Bà Tư Hồng (tên thật Trần Thị Lan) sinh năm 1868, là một nữ doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bà Tư Hồng được biết đến với biệt danh "Me Tư Hồng", là một trong những người phụ nữ Việt Nam thành công và có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ.
Sinh ra trong gia đình nghèo tại Hà Nam, tuổi thơ bà Tư Hồng gắn liền với cuộc sống nay đây mai đó để mưu sinh. Đến tuổi trưởng thành, bà sở hữu nhan sắc nổi bật khiến nhiều thanh niên si mê.
Năm 17 tuổi, bà Tư Hồng bị ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi, đã có vợ để trả nợ cho cha. Không chấp nhận số phận, bà Tư Hồng trốn đến Thành Nam làm thuê, rồi kết hôn với một người bán bún xáo trâu. Hai người sống với nhau 2 năm nhưng không có con.

Bà Tư Hồng nổi tiếng giàu có cuối thế kỷ XIX. Ảnh tư liệu
Sau đó, bà gặp một người đàn ông tên Hồng người Việt gốc Hoa đưa thuyền về Nam Định thu mua lúa. Ông Hồng phải lòng bà ngay từ lần đầu gặp, ông bỏ tiền trả món nợ của cha bà rồi rủ bà trốn ra Hải Phòng.
Theo phong tục, bà được gọi là thím Hồng. Cuối năm 1890, việc xuất khẩu gạo của ông Hồng thất bại, ông bỏ về nước. Bà mở tiệm buôn bán nhỏ và gặp một người bạn có chồng là doanh nhân Pháp, người rủ bà lên Hà Nội lập nghiệp.
Tại Hà Nội, cơ hội mới đã mở ra cho bà. Trong một buổi dạ hội nhân ngày quốc khánh Pháp ở Hà Nội, bà gặp viên quan tư Laglan - thiếu tá hậu cần, cả 2 nảy sinh tình cảm và sau 1 thời gian thì kết hôn.
Trở thành phu nhân quan tư, bà Tư Hồng tận dụng kinh nghiệm buôn bán từ người chồng trước và vị thế của chồng hiện tại để bước vào giới kinh doanh.
Năm 1892, bà Tư Hồng gây chú ý khi trở thành phụ nữ đầu tiên nộp hồ sơ xin thành lập Công ty thầu An Nam tại cơ quan thương nghiệp. Nhờ thông thạo tiếng Pháp và am hiểu luật pháp chính quyền bảo hộ, bà nhanh chóng được cấp phép.
Chỉ sau 2 năm, bà Tư Hồng tiếp tục gây bất ngờ khi vượt qua các doanh nghiệp lớn của Pháp và Hoa kiều, trúng thầu dự án phá dỡ thành Hà Nội. Đây là một dự án táo bạo và đầy rủi ro. Bà Tư Hồng trực tiếp quản lý đội ngũ hàng nghìn nhân công, dựng lán trại, đảm bảo vệ sinh, phòng dịch bệnh và cung cấp thực phẩm sạch. Nhờ tổ chức chuyên nghiệp, bà Tư Hồng hoàn thành dự án trong hơn 2 năm, sớm hơn kế hoạch 6 tháng.
Nhờ tính toán khéo léo, bà Tư Hồng mua đất, dùng gạch đá từ thành cũ xây dựng hàng loạt bất động sản như nhà ở Cửa Đông, 8 căn phố Hàng Da, biệt thự Hội Vũ, nhà phố Quán Sứ và trường dòng Puginier (nay là THPT Việt Đức). Gia sản của bà nhanh chóng mở rộng.
Sau đó, bà lấn sang kinh doanh thực phẩm, cung cấp gạo cho nhà tù và vận chuyển đường biển. Đội tàu của bà chủ yếu sử dụng lao động nữ, trừ lái tàu và thợ xúc than.
3 đời chồng nhưng không có con
Nổi tiếng với tài kinh doanh, sở hữu gia sản lớn và có nhan sắc nhưng bà Tư Hồng vẫn chịu định kiến thời bấy giờ rằng phụ nữ lấy chồng Tây là hư hỏng. Dù vậy, nhiều giai thoại cho thấy bà có lòng nhân hậu, thường xuyên làm từ thiện và hỗ trợ người nghèo.

Bà Tư Hồng trải qua 3 đời chồng nhưng không có con. Ảnh: Nguoihanoi
Năm 1902-1903, khi miền Trung mất mùa, dù đang chở thuyền gạo từ Nam ra Bắc để bán, bà Tư Hồng quyết định chuyển toàn bộ vào cứu trợ. Bà còn mổ bò, phát mỗi hộ 1 cân gạo và 1 lạng thịt, đồng thời chi tiền mua thuốc phát cho người bệnh trong mùa dịch.
Trải qua 3 đời chồng nhưng bà Tư Hồng không có con. Sau khi chia tay quan tư Laglan, bà sống một mình tại trang trại ở làng Bạch Mai (nay thuộc khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội).
Năm 1921, bà Tư Hồng qua đời khi mới 53 tuổi. Có người nói rằng, toàn bộ tài sản bà để lại cho em trai và các cháu (là con của người em trai).