NSƯT Phạm Chí Khánh: 'Phát triển nhưng không mất đi giá trị cốt lõi của âm nhạc truyền thống'
Trong căn nhà nhỏ tại số 9 phố Hàng Nón (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), nhiều năm qua, nghệ nhân - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phạm Chí Khánh vẫn không ngừng cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam với công việc chế tác nhạc cụ dân tộc.
Nhắc tới những nghệ nhân đã gắn bó và dành tâm huyết, tình yêu cho nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Phạm Chí Khánh được nhiều người biết đến bởi hơn 50 năm qua, ông đã miệt mài chế tác và phát triển nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Không những thế ông Khánh còn biết chế tác và sử dụng hàng trăm loại nhạc cụ khác nhau. Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, NSƯT Phạm Chí Khánh đã chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc về quá trình phát triển nhạc cụ dân tộc và giữ gìn giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống.
Phóng viên (PV): Chào ông, ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa ông đến với nhạc cụ truyền thống và gắn bó tới bây giờ không?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Để tôi có thể gắn bó với nhạc cụ truyền thống đến tận bây giờ, chủ yếu vẫn là niềm đam mê và nghề truyền thống của gia đình, dòng họ nhà tôi là nghề làm trống. Thời các cụ cũng đã đi biểu diễn nghệ thuật, chế tác nhạc cụ như trống, đàn,... Đến thời cha tôi là nghệ nhân Phạm Chí Đương, ông là người tâm huyết với công việc biểu diễn cũng như chế tác nhạc cụ dân tộc. Tôi được thừa hưởng và nuôi dưỡng niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc từ đó.
Tới năm 17 tuổi, tôi theo học tại khoa Tuồng hệ trung cấp 4 năm của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Rồi sau đó, tôi về công tác tại Nhà hát Tuồng Trung ương và được đi biểu diễn tại các vùng miền trên cả nước cũng như ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi biểu diễn với tôi là cơ hội để khám phá, tìm tòi và nghiên cứu, sưu tầm nhạc cụ của các dân tộc ở Việt Nam. Đến công việc chế tác nhạc cụ, tôi cũng dồn tâm huyết, đam mê của mình vào đó, bởi công việc này đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ và phải là người có "máu nghệ thuật" thì mới làm được.
PV: Theo ông, nhạc cụ đóng vai trò gì trong một tác phẩm biểu diễn dân tộc truyền thống?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Một tác phẩm có thể ví như một bài văn, bao gồm phần mở đầu, thân bài và kết luận. Trong nghệ thuật sân khấu dân tộc, các tác phẩm này được thể hiện qua các loại hình kịch hát như tuồng, chèo, cải lương,... Từ xưa đến nay, các thế hệ nghệ sĩ đã truyền lại cho nhau cách nắm vững các làn điệu truyền thống, từ đó ứng dụng chúng vào các tiết mục biểu diễn. Khi diễn viên thể hiện vai diễn, nhạc cụ sẽ hỗ trợ, đồng hành với từng giai đoạn của câu chuyện, tạo nên một sự hòa hợp giữa âm nhạc và diễn xuất. Ví dụ, trong một vở kịch, nhân vật có thể trải qua những khoảnh khắc vui buồn và âm nhạc sân khấu sẽ thay đổi tương ứng, như là một phần không thể thiếu trong việc thể hiện cảm xúc và tình tiết của nhân vật.
PV: Thưa ông, nói về nhạc cụ trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, những nhạc cụ này có sự khác biệt gì so với các nhạc cụ của các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực châu Á?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, như đàn tranh, có nhiều điểm đặc biệt so với các nhạc cụ của các nước khác. Ví dụ, đàn tranh Việt Nam có 16 dây và được làm theo hình dáng cong, với chất liệu và tính chất riêng biệt, khác hoàn toàn với các đàn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Triều Tiên. Các đàn như đàn Guzheng của Trung Quốc hay Koto của Nhật Bản đều có cấu trúc tương tự nhau, với đầu và đuôi đàn bằng phẳng, trong khi đàn tranh Việt Nam lại có hình dáng nhọn, đặc trưng cho văn hóa cây tre của Việt Nam. Thậm chí, trong một lần có dịp ghé thăm, Thứ trưởng Hàn Quốc đã khen ngợi sự độc đáo của đàn tranh Việt Nam và cho rằng nhạc cụ truyền thống của Việt Nam có nét đặc biệt mà khó có quốc gia nào phục hồi được.
PV: Theo ông, liệu nhạc cụ truyền thống có thể kết hợp với âm nhạc đương đại được không?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Nhạc cụ truyền thống có thể kết hợp với âm nhạc đương đại, nhưng phải biết cách giữ lại những nét cốt lõi của nó. Ví dụ, trong các vở diễn hay chương trình truyền hình, nếu không giữ được đúng bản sắc truyền thống thì sẽ làm mất đi giá trị của nghệ thuật. Chúng ta có thể sáng tạo, nhưng không nên phá vỡ các yếu tố cơ bản. Ví như, ngày xưa cái gì nói về quan họ, phải có áo tứ thân, khăn mỏ quạ thì nó mới ra chất quan họ, chứ cứ mặc đồ tây, comple không còn giữ được tinh thần quan họ nữa.
Sự kết hợp phải giữ được cái gốc, không làm mất đi những đặc trưng văn hóa dân gian. Có những cái dòng nhạc truyền thống của các cụ, mình ít nhất cũng có 4.000 năm lịch sử, đời người cứ 60-70 tuổi, mỗi đời lại có thêm một kinh nghiệm, từ đó, đúc kết thành của dân gian, đời ngày truyền thời kia. Nòng cốt thì phải giữ, bảo tồn những mấu chốt đặc trưng, rồi từ đó phát triển.
PV: Có phải chúng ta đang phải đối mặt với một sự pha trộn văn hóa quá nhiều, dẫn đến việc đánh mất bản sắc truyền thống, thưa ông?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Đúng vậy, văn hóa Việt Nam đang bị lai tạp nhiều từ các nước khác. Tôi hoàn toàn đồng ý với sự phát triển, nhưng điều quan trọng là phải giữ được bản sắc truyền thống. Để giữ bản sắc nói về nhạc khí dân tộc, ai cho phép đánh guitar, đàn organ vào các bài quan họ. Tuy nhiên thì do nhạc cụ truyền thống phải thuê nhiều người, tốn kha khá chi phí, còn các loại đàn ở phương Tây dễ dàng tìm kiếm và sử dụng. Tóm lại, chúng ta có thể phát triển nhạc cụ và nghệ thuật dân gian, nhưng không thể phá vỡ những yếu tố cốt lõi của chúng. Việc lai tạp quá mức sẽ làm mất đi giá trị thật sự của các loại hình nghệ thuật truyền thống.
PV: Ông nghĩ sao về việc truyền nghề và giữ lửa cho nghệ thuật nhạc cụ dân tộc như thế nào hiện nay?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Đúng là việc giữ lửa cho âm nhạc truyền thống đang là một thách thức lớn. Nhạc cụ dân tộc Việt Nam rất dễ đi vào lòng người và thu hút sự chú ý của quốc tế, nhưng vấn đề lại nằm ở việc duy trì và phát triển nghề. Mặc dù có nhiều người trẻ đang tìm hiểu và yêu thích nhạc cụ truyền thống, nhưng không phải ai cũng có can đảm để đi theo cái nghề này. Bởi cái nghề này, nó bạc lắm, nghệ thuật truyền thống yêu thì yêu, nhưng không đủ để sống. Nếu như các quốc gia như Mỹ, Anh, hay các nước châu Âu, âm nhạc được coi là môn học quan trọng ngang bằng với toán học hay văn học. Còn ở Việt Nam, chúng ta chưa chú trọng đến việc đưa nhạc cụ truyền thống vào chương trình học từ sớm. Điều này khiến cho di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một nếu không có sự gìn giữ đúng mực.
PV: Các nghệ sĩ và nhạc công bây giờ họ đang phải đối mặt với những khó khăn nào, thưa ông?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Vấn đề lớn nhất vẫn là kinh tế. Mặc dù tôi là nghệ sĩ ưu tú, nhưng lương cũng không cao, thậm chí còn thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác. Việc đào tạo nhạc công từ nhỏ là cần thiết, nhưng sau khi ra trường, họ chỉ nhận được mức lương rất thấp, chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Thậm chí, có nhiều bạn trẻ học múa hay học nhạc cụ dân tộc rồi bỏ nghề vì lương không đủ sống.
Chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ vẫn chưa được cải thiện và nhiều bạn trẻ đang phải làm công việc khác ngoài nghệ thuật để có thể sinh sống. Những nghệ sĩ giỏi, có tâm huyết với nghề thường bỏ đi, tìm kiếm cơ hội khác, vì họ không thể sống chỉ bằng đam mê. Còn những người có năng lực kém vẫn tiếp tục làm nghề vì không thể bỏ đi. Điều này dẫn đến việc chất lượng nghệ thuật không được bảo đảm, và dần dần những giá trị truyền thống sẽ bị mai một. Chính vì thế, các cơ quan quản lý văn hóa cần đưa ra các chính sách, chủ trương để khuyến khích động viên những người đang gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống.
PV: Ông có đề xuất hay kiến nghị gì về khâu quản lý văn hóa để có thể cải thiện được vấn đề này?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Quản lý văn hóa dân tộc thì trách nhiệm của những người làm văn hóa. Ngay từ cấp xã, có các cán bộ ban văn hóa xã chịu trách nhiệm, có chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách văn hóa. Từ xã lên huyện rồi lên các cấp cao hơn, có những người có trách nhiệm nhưng mà lại ko có chuyên môn, cũng như BGK phải có chuyên môn thì mới chấm được người nghệ sĩ hay hay không, hát đúng hay sai chứ. Tại sao để cho một số nghệ sĩ làm bậy bạ thế, làm hỏng hết phong tục tập quán. Cái quan trọng nhất phải là người đứng đầu, mình làm văn hóa mình phải biết, nếu không giữ thì về sau nó mất, mất thì ko thể làm lại được.
Có rất nhiều trường hợp mắc lỗi về ăn mặc trong biểu diễn, ví dụ như mặc trang phục, đeo phù hiệu lạ của chế độ cũ để biểu diễn. Không mang tính chất biểu diễn truyền thống, mình ngồi ở bất cứ đâu hát quan họ, cải lương vui thì không sao, nhưng mà khi đã mang tính chất biểu diễn, lễ hội mà ko có từ truyền thống là không phải, bởi truyền thống của mình là uống nước nhớ nguồn.
PV: Là một người nghệ sĩ có thâm niên lâu năm trong nghề, ông có mong muốn gì để có thể cống hiến và đóng góp cho nền nhạc cụ truyền thống dân tộc để nó tồn tại và phát triển bền bỉ?
NSƯT Phạm Chí Khánh: Bản thân tôi chỉ hết sức tuyên truyền, mà mình nói thì người ta cũng phải công nhận và phục qua những dòng chữ người ta xem, có những ông giáo sư Mỹ sang 2 lần, ông còn phải ngồi cầu thang để xem, nó chật như thế nhưng người ta vẫn cứ đến. Kể cả giáo sư học viện âm nhạc quảng Tây sang Việt Nam, đến Hà Nội mấy lần cũng phải tìm đến xem tôi biểu diễn. Cái chính là phải đưa nền âm nhạc truyền thống, kể cả diễn viên và lời hát các nhạc cụ truyền thống, ít nhất là một số cây nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam vào giảng đường, vào giáo dục phổ thông, coi như đó là môn học chính. Có môn đó, con người nó sẽ khác.