Bảo vật quốc gia của Chiến dịch Hồ Chí Minh
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh đang lưu giữ và trưng bày hơn 6.000 hiện vật, đặc biệt, trong số đó có một bảo vật quốc gia gắn liền với chiến thắng lịch sử năm 1975.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
VietNamNet mời độc giả “đến thăm” các lõm chính trị - căn cứ giữa lòng địch: địa đạo Củ Chi, chiến khu Rừng Sác, căn cứ Vườn Thơm, khu lao động Bàn Cờ, các hầm biệt động trong nội thành Sài Gòn...
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 2 Lê Duẩn, quận 1, TPHCM, trong tòa nhà được xây đầu thế kỷ 20 theo thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp.

Trước năm 1975, đây là Trường cao đẳng Quốc phòng. Sau năm 1975, ban đầu, đây là Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh thuộc Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ. Tới cuối năm 2020, Bộ Quốc phòng có quyết định nâng cấp phòng trưng bày này thành một bảo tàng độc lập, do Quân khu 7 quản lý.
Bảo tàng chính thức được thành lập vào tháng 1/2021.

Bảo tàng trưng bày 6.293 hiện vật và hơn 500 hình ảnh tư liệu, trong đó có 2.881 hiện vật gốc liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Diễn ra từ ngày 26-30/4/1975, đây là chiến dịch cuối cùng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nổi bật ở khu trưng bày chính là chiếc sa bàn lớn mô tả lại những diễn biến chính của chiến dịch Hồ Chí Minh. Tại đây cũng có màn hình chiếu phim tái hiện toàn bộ chiến dịch bằng tiếng Việt, Anh, Pháp.

Hiện vật Bản dự thảo kế hoạch chiến dịch Hồ Chí Minh còn nguyên vẹn, được lưu giữ trong bảo tàng.

Tại bảo tàng hiện trưng bày một Bảo vật quốc gia, được Thủ tướng ký quyết định công nhận tháng 10/2012. Đó là Sổ trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đây là cuốn sổ được các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương ghi lại một cách chi tiết, cụ thể những diễn biến tình hình chiến sự từ ngày 25/4 - 1/5/1975.
Cuốn sổ như một minh chứng lịch sử ghi lại những sự kiện tác chiến gay go, quyết liệt diễn ra dồn dập trong 6 ngày đêm của các đơn vị, các mũi, các hướng tham gia chiến dịch. Cuốn sổ này cũng ghi dấu những khoảnh khắc hào hùng và anh dũng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong ảnh là lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam từng tung bay trên đỉnh Phu Văn Lâu khi Huế được giải phóng vào ngày 25/3/1975.
Lá cờ "nửa đỏ nửa xanh dương" và có ngôi sao vàng ở giữa đã bạc màu theo thời gian. Đây chính là chứng nhân cho khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc.

Hàng trăm tranh ảnh, bản đồ về diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh được treo tại bảo tàng. Trong đó, nổi bật là bức ảnh xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập.

Bảo tàng cũng lưu giữ nhiều loại vũ khí, cờ, băng rôn... từng được sử dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chiếc xe máy được quân giải phóng miền Đông Nam bộ sử dụng để chuyển công văn, mệnh lệnh chiến đấu từ Bộ chỉ huy đến các đơn vị trong giai đoạn từ năm 1965-1975.

Tại bảo tàng, chân dung các tướng lĩnh từng tham gia chiến dịch và nhiều kỷ vật cá nhân cũng được trưng bày. Trong ảnh là bộ lễ phục của Đại tướng Lê Đức Anh. Ông là một trong những người chỉ huy cao nhất, tham gia vào việc hoạch định và chỉ đạo các mũi tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Súng H.12 - hỏa tiễn 12 nòng được sử dụng trong trận tấn công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột sáng ngày 10/3/1975.

Khu ngoài trời rộng 2.000m2 trưng bày xe tăng, máy bay chiến đấu từng được sử dụng trong chiến dịch. Trong ảnh là xác một chiếc máy bay của đối phương bị bắn rơi.

Bảo tàng mở cửa miễn phí các ngày trong tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật.
Ban chỉ huy Quân sự huyện Cần Giờ cùng giao lưu văn nghệ, tham quan bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 3 vừa qua