'Nốt trầm'… cam Sành: Kỳ cuối - Cấp bách cứu thương hiệu
Khó khăn chồng chất khó khăn khiến cam Sành như một “nốt trầm” trong bản hòa ca tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đối diện với nguy cơ mai một thương hiệu, cam Sành cần một chiến lược mạnh mẽ, sự đồng thuận của các cấp, ngành và người dân để vượt qua thách thức, giữ vững vị thế cây trồng chủ lực, đưa thương hiệu đặc sản này trở lại thời kỳ hoàng kim.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngay sau khi xảy ra suy thoái vùng cam, ngành chuyên môn của tỉnh đã phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu thực trạng suy thoái và đề xuất giải pháp khoa học, công nghệ phát triển bền vững vùng cam Hà Giang”, “Nghiên cứu tuyển chọn, phát triển cam Sành không hạt hoặc ít hạt và nâng cao năng suất, chất lượng cam Sành Hà Giang”; triển khai dự án “Ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây cam Sành”; thực hiện “Mô hình cải tạo thay thế vườn cam già cỗi, kém hiệu quả để phục vụ công tác rải vụ cam”.
Từ năm 2021 đến nay, các huyện vùng cam đã trồng thay thế gần 208 ha cam Sành già cỗi bằng giống cam Vàng nhằm rải vụ, tăng giá trị kinh tế cho người trồng cam. Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải cho biết: Khoảng 80% diện tích cam Sành trên địa bàn huyện già cỗi, suy thoái mức độ nặng, khó phục hồi. Do đó, các nhà vườn đã chuyển đổi sang trồng 100 ha cam Vàng, khắc phục tình trạng thiếu rải vụ, bổ sung thêm cơ cấu giống cây ăn quả có múi, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, diện tích cam Vàng phát triển tốt, năng suất bình quân trên 100 tạ/ha; tình hình tiêu thụ ổn định, giá bán tại vườn từ 15 – 18 nghìn đồng/kg.
Để khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam Sành do rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, huyện Bắc Quang đã triển khai mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi tại vườn cam Sành của hộ ông Cam Thanh Quý, xã Đông Thành và Đặng Văn Lích, xã Việt Hồng với tổng diện tích 3 ha. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Bắc Quang Trần Minh Hữu cho biết, 2 hộ đã áp dụng các khâu kỹ thuật theo đúng hướng dẫn. Bởi vậy, vườn cam sinh trưởng, phát triển tốt, cây khỏe, lá xanh đậm, chất lượng quả được nâng lên, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, trọng lượng khoảng 4 - 5 quả/kg, cam loại 1 chiếm tỷ lệ 80%, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.
Riêng 4 hộ dân tại xã Vĩnh Phúc, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) còn xây dựng mô hình vườn cam mẫu quy mô 17 ha gắn với chuyển đổi số. Theo đó, các hộ dân chủ động xây dựng hệ thống giao thông nội vườn, hệ thống tưới; trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, thực hiện cắt tỉa, tạo tán; trồng cây Lạc dại để tạo cảnh quan, cải tạo đất; ứng dụng chuyển đổi số thông qua nhật ký điện tử, cập nhật đầy đủ 12 nội dung liên quan đến quá trình trồng, chăm sóc, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và quảng bá hình ảnh cam Sành bằng ứng dụng internet, mạng xã hội... Thông qua mô hình đã phát huy tối đa sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, có sự phối hợp, chuyển giao, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, tạo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm cam Sành.
Cam Sành chiếm 60% trong cơ cấu cây ăn quả có múi của tỉnh. Để bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu nông sản đặc sản này, các cấp, ngành tích cực tuyên truyền, giúp người dân và các thành phần kinh tế hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh cam Sành thuộc vùng được cấp Chỉ dẫn địa lý Hà Giang (38 xã, thị trấn). Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống và nâng cao chất lượng cây giống. Hiện nay, tại Trung tâm Khoa học ứng dụng bảo tồn và Chuyển giao công nghệ đang bảo tồn 157 cây S0 (cam, quýt) và 244 cây S1 đầu dòng. Đồng thời, triển khai Dự án “Nâng cao năng lực quản lý và sản xuất chuỗi giá trị cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hà Giang” nhằm sản xuất cây giống sạch bệnh Greening và Tristeza. Hàng năm, sản xuất cây giống cam, quýt đạt trên 200.000 cây (tương ứng lượng giống cung cấp để trồng mới 500 ha/năm). Đây cũng là cơ sở quan trọng để cung cấp cây giống chất lượng, thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc duy trì ổn định diện tích cam Sành toàn tỉnh 5.000 ha.
Chủ trương lớn cần sự chung tay
Để phát triển bền vững cây cam Sành, các quyết sách quan trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh lần lượt ra đời. Cụ thể, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 04, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025.
Đến nay, toàn tỉnh có 415 tổ chức, cá nhân vay vốn để phát triển bền vững 667,45 ha cam Sành. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Phần lớn các vườn được vay vốn đầu tư nâng cao chất lượng cam Sành, cây sinh trưởng phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, tỷ lệ quả sẹo, nhám ít hơn so với thời điểm trước đầu tư; năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha, tăng từ 5 tạ/ha trở lên so với thời điểm trước khi vay vốn. Chất lượng cam Sành được nâng lên, trọng lượng khoảng 4 quả/kg, cam loại 1 chiếm tỷ lệ 70 - 80%, độ ngọt bình quân đạt trên 10,15%. Anh Đặng Văn Phong, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) phấn khởi nói: “Giá bán cam Sành bình quân tại vườn đạt 10 nghìn đồng/kg, tăng từ 3 – 4 nghìn đồng/kg; lợi nhuận sau khi trừ chi phí đầu tư chăm sóc đạt 55 triệu đồng/ha, cao hơn 22 triệu đồng/ha so với trước khi đầu tư”.
“Từ năm 2021 đến nay, trong khi nhiều diện tích cam Sành buộc phải “khai tử” vì suy thoái, nhiễm bệnh vàng lá, khô đầu cành thì đa phần diện tích cam được vay vốn để nâng cao chất lượng ít bị nhiễm bệnh. Số diện tích sinh trưởng, phát triển kém chỉ chiếm 21,77%/tổng hiện tích vay vốn. Các diện tích này chủ yếu suy thoái mức độ I, các hộ tiếp tục cải tạo, đầu tư chăm sóc để cây cam phục hồi” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Hiếu chia sẻ.
Mặc dù giành được kết quả trên nhưng thực tế triển khai Nghị quyết 58 vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Bởi, mới có 667,45 ha được hỗ trợ vốn vay để nâng cao chất lượng cam Sành; trong khi đó, mục tiêu của tỉnh đặt ra là 2.000 ha (đạt 33,4% so với kế hoạch). Mặt khác, tỉnh có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào (điện, nước, đường giao thông, xử lý nước thải) với mức hỗ trợ lên tới 2 tỷ đồng/dự án. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào tỉnh. Nhưng đến nay, nội dung này vẫn còn nguyên… trên giấy, bởi chưa có tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả có múi.
Nhằm khắc phục hạn chế, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu cam Sành; mới đây, ngày 17.1, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22 về thực hiện Đề án phát triển bền vững cây cam Sành năm 2025 với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ khâu tuyên truyền chủ trương, chính sách đến quản lý Nhà nước, nguồn lực và giải pháp kỹ thuật. Trong đó, hỗ trợ nguồn vốn vay 12,9 tỷ đồng để nâng cao chất lượng 215 ha cam Sành; triển khai chính sách thu hút đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm cam Sành. Mặt khác, để gỡ “nút thắt” trong chế biến cam Sành, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đồng bộ về công nghệ chế biến; quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm quả cam phục vụ chế biến; xây dựng mô hình liên kết vệ tinh giữa cơ sở sản xuất và chế biến cam với người sản xuất; xúc tiến thương mại cho sản phẩm cam chế biến; ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ cơ sở chế biến cam chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, nâng công suất nhà máy hiện có và mở rộng quy mô sản xuất; kêu gọi đầu tư mới các nhà máy chế biến quy mô công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Hiếu chia sẻ: Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong hoạch định chính sách hỗ trợ, định hướng chiến lược và thúc đẩy phát triển hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao là yếu tố cần để tạo nền tảng vững chắc, nhưng sự đồng thuận và ý thức trách nhiệm của người dân chính là yếu tố đủ để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cây cam Sành. Họ không chỉ là người trực tiếp sản xuất mà còn là người tiếp cận thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) để đảm bảo sản xuất hiện đại, bền vững.
Cam Sành Hà Giang đã khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường, trở thành “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt” – danh hiệu vàng do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam chứng nhận; xuất sắc lọt top 10 sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chứng nhận. Từ nền tảng đó, kỳ vọng những quyết sách chiến lược của tỉnh sẽ tạo bước đà quan trọng để cam Sành vượt thách thức, vang danh thương hiệu.