Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), công tác tín dụng CSXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng CSXH, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 39-CT/TW, về nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH trong giai đoạn mới. Theo đó, nguồn vốn tín dụng CSXH tiếp tục được mở rộng đầu tư đến đúng đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thời gian qua, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân triển khai thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm cân đối, bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn tín dụng CSXH được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Chất lượng tín dụng CSXH được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp. Các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện tín dụng CSXH; thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác để giải ngân cho vay theo đúng quy định. Tín dụng CSXH đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo nhanh, bền vững...

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Kim Bảng thực hiện thủ tục giải ngân vốn cho khách hàng vay.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Kim Bảng thực hiện thủ tục giải ngân vốn cho khách hàng vay.

Trong giai đoạn 2014 – 2024, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam đã giải ngân hơn 7.325 tỷ đồng cho trên 194 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Từ nguồn vốn trên, đã góp phần giúp cho hơn 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 21 nghìn lao động; giúp trên 14 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 1.964 học sinh, sinh viên được vay vốn để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến. Đồng thời, góp phần xây dựng, cải tạo trên 162 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh; hỗ trợ xây dựng, cải tạo 1.408 căn nhà cho hộ nghèo, người có công, cán bộ, viên chức, công chức, công nhân, người thu nhập thấp; hỗ trợ 49 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 5.349 lượt người lao động; 28 trường, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn mua sắm thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó, hỗ trợ 72 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Các chương trình tín dụng CSXH được triển khai tại địa phương luôn có sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Ngân hàng CSXH Việt Nam, của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự phối hợp giữa các cấp, ngành. Căn cứ vào đó, chi nhánh đã bám sát định hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm lồng ghép vốn tín dụng chính sách với thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh, qua đó tăng cường huy động nguồn lực tín dụng hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH đã được tích hợp trong quyết định đầu tư công; nguồn vốn ủy thác sang ngân hàng CSXH năm sau cao hơn năm trước. Việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng cũng luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp chú trọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở, giúp chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách được nâng lên, nợ quá hạn giảm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH, ngày 30/10/2024, Ban Bí thư đã Ban hành Chỉ thị 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH trong giai đoạn mới. Chỉ thị yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng CSXH. Qua đó, khẳng định tín dụng CSXH là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH.

Cụ thể, các cấp, các ngành xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động huy động, quản lý và sử dụng vốn của Ngân hàng CSXH, không được để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kiểm soát và phòng ngừa rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của ngân hàng CSXH. Đồng thời, mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, điều kiện phát triển, đặc điểm của từng vùng, miền, chu kỳ sản xuất, kinh doanh; chú trọng cung cấp tín dụng CSXH cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác... Các địa phương tiếp tục quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng CSXH, phấn đấu hằng năm chiếm khoảng 15 - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của ngân hàng CSXH, đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn.

Căn cứ chỉ đạo của Ban Bí thư, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương triển khai chương trình huy động và giải ngân kịp thời nguồn vốn tới đối tượng được thụ hưởng, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/nang-cao-hieu-qua-cua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-trong-giai-doan-moi-145593.html
Zalo