Nóng trong tuần: Siêu bão Yagi càn quét các nước châu Á; đàm phán ngừng bắn Gaza lại gặp rào cản

Siêu bão Yagi đổ bộ Việt Nam, Trung Quốc; đàm phán ngừng bắn Israel-Hamas gặp nhiều trở ngại; Ukraine biến động nhân sự lớn... là những thông tin được báo chí quốc tế đưa tin đậm trong tuần qua.

Siêu bão Yagi quét qua một số nước châu Á

Cành cây bị gió quật gẫy tại thành phố Hải Khẩu, đảo Hải Nam, Trung Quốc khi siêu bão Yagi đổ bộ, ngày 6/9. Ảnh: THX/TTXVN

Cành cây bị gió quật gẫy tại thành phố Hải Khẩu, đảo Hải Nam, Trung Quốc khi siêu bão Yagi đổ bộ, ngày 6/9. Ảnh: THX/TTXVN

Kênh CNN (Mỹ) cho biết tính đến nay, Yagi là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024, chỉ đứng sau bão Đại Tây Dương Beryl, cơn bão cấp 5. Các nhà khoa học nhận định rằng đại dương nóng hơn do khủng hoảng khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn.

Từ cuối tuần trước, mưa lớn do bão Yagi và gió mùa Tây Nam đã gây lũ lụt diện rộng tại thủ đô Manila và nhiều khu vực khác của Philippines. Bão Yagi ra khỏi Philippines sáng 4/9 sau khi gây ảnh hưởng đến gần 450.000 hộ gia đình (khoảng 1,7 triệu người). Ngoài ra, gần 89.000 người đã phải sơ tán. Lũ lụt và lở đất sau bão Yagi và gió mùa ở Tây Nam đã khiến 15 người Phillipines thiệt mạng, trong khi 15 người khác bị thương và 21 người mất tích. Ước tính, bão Yagi gây thiệt hại khoảng 351 triệu peso (tương đương 6,2 triệu USD) cho nông nghiệp và cơ sở hạ tầng của Phillipines.

Đến ngày 6/9, bão Yagi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Cơn bão đã mạnh hơn gấp đôi kể từ khi rời miền Bắc Philippines. Hãng thông tấn Xinhua đưa tin, khoảng 419.367 cư dân tại Hải Nam đã được di dời trước khi bão Yagi đổ bộ. Bão đã quật ngã cây cối, làm ngập đường và gây mất điện hơn 800.000 ngôi nhà.

Dưới đây là video cho thấy sức tàn phá của Yagi khi cơn bão này đổ bộ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc (nguồn: Reuters):

Xinhua đưa tin: "Yagi có khả năng là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào bờ biển phía Nam Trung Quốc kể từ năm 2014, khiến công tác phòng chống lũ lụt trở nên khó khăn”. Ở miền Nam Trung Quốc, các tuyến giao thông hầu như tạm ngưng vào ngày 6/9. Nhiều chuyến bay đã bị hủy ở Hải Nam, Quảng Đông, Hong Kong và Ma Cao.

Vào tối 6/9, bão Yagi di chuyển qua eo biển Qiongzhou phía Bắc Hải Nam và đổ bộ lần thứ hai tại tỉnh Quảng Đông với sức gió vẫn vượt 200 km/h. Tính đến trưa 6/9, hơn 574.511 cư dân ở Quảng Đông phải di dời tránh bão. ngày 6/9, chính quyền Quảng Đông đã đình chỉ 72 trong số 94 tuyến đường thủy chở khách tại tỉnh này. 141 đôi tàu hỏa cao tốc cũng đã phải ngừng hoạt động. Các trường học tại 10 thành phố trên toàn tỉnh cũng tạm thời đóng cửa.

Đến trưa ngày 7/9, bão số 3 (bão Yagi) đã đổ bộ vào đất liền Việt Nam gây mưa lớn, gió giật mạnh. Lúc 12h ngày 7/9 tâm bão đi vào bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió cấp 12-13.

Đàm phán ngừng bắn Gaza lại vướng rào cản lớn

Quân đội Israel được triển khai gần biên giới với Dải Gaza ngày 29/5. Ảnh: THX/TTXVN

Quân đội Israel được triển khai gần biên giới với Dải Gaza ngày 29/5. Ảnh: THX/TTXVN

Sau nhiều tháng làm việc khẩn trương, đàm phán ngừng bắn ở Gaza lại tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản lớn.

Mỹ cáo buộc Hamas gây khó khăn cho đàm phán sau vụ hành quyết 6 con tin ở Gaza gần đây. Israel ngày 31/8 đã xác nhận cái chết của 6 con tin bị Hamas bắt giữ trong vụ tấn công ngày 7/10/2023. Israel cho biết đã phát hiện thi thể của các con tin trong một hệ thống đường hầm ở Rafah, Gaza. Họ bị sát hại trước đó không lâu.

Trong khi đó, quan điểm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về Hành lang Philadelphi đã trở thành trở ngại chính trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Ngày 4/9, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Gaza phải phi quân sự hóa, và điều này chỉ có thể xảy ra nếu Hành lang Philadelphi vẫn nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ”. Theo ông Netanyahu, Israel phải duy trì quyền kiểm soát Hành lang Philadelphi để ngăn chặn vũ khí tuồn lậu vào Gaza và Tel Aviv sẽ chỉ cân nhắc rút khỏi vị trí chiến lược này khi có kế hoạch thay thế để kiểm soát khu vực.

Khi các phóng viên đặt câu hỏi về mốc thời gian để Israel chấm dứt xung đột ở Gaza, Thủ tướng Netanyahu đã từ chối đưa ra thời điểm cụ thể. Ai Cập, một bên trung gian cùng Mỹ và Qatar trong các cuộc đàm phán ngừng bắn Gaza, cũng yêu cầu một mốc thời gian cụ thể để Israel rút khỏi Hành lang Philadelphi chạy dọc biên giới nước này. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 4/9 cũng chỉ trích quyết định kiểm soát hành lang của Israel. Một ngày sau, Hamas đổ lỗi cho Thủ tướng Netanyahu về tình trạng bế tắc đang diễn ra trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và cáo buộc nhà lãnh đạo Israel muốn kéo dài xung đột ở Gaza.

Ngày 2/9, hàng nghìn người ở Israel đã xuống đường biểu tình trong ngày thứ hai liên tiếp nhằm kêu gọi Thủ tướng Netanyahu nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để đảm bảo việc thả các con tin ở Dải Gaza. Cuộc biểu tình đã gây gián đoạn dịch vụ vận tải và y tế ở một số khu vực của Israel. Tại Tel Aviv, hàng nghìn người đã tụ tập, vẫy quốc kỳ Israel hoặc giơ cao ảnh của các con tin Israel vẫn đang bị Hamas giam giữ ở Gaza. Trước đó, ngày 1/9, ít nhất 500.000 người ở Tel Aviv và Jerusalem đã xuống đường để bày tỏ phản đối sau khi Lực lượng phòng vệ Israel phát hiện thi thể của 6 con tin tại một đường hầm ở Rafah, Dải Gaza.

Ukraine biến động nhân sự cấp cao

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba. Ảnh: THX/TTXVN

Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tuần qua, Ukraine đã ghi nhận biến động lớn trong nhân sự cấp cao với việc Tổng thống Zelensky nói rằng đất nước cần "nguồn năng lượng mới". Ngày 5/9, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn việc bổ nhiệm 9 thành viên Nội các mới. Đáng chú ý, Quốc hội đã phê chuẩn ứng cử viên của Tổng thống Zelensky là ông Andrii Sybiha, làm bộ trưởng ngoại giao mới sau khi ông Dmytro Kuleba từ chức ngày 4/9. Quốc hội Ukraine cũng chấp nhận đơn từ chức của hai phó thủ tướng và một số bộ trưởng trong tuần qua.

Các nhà phân tích đánh giá sẽ không có thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ukraine khi ông Andrii Sybiha đảm nhận vị trí mới. Trong cuộc xung đột với Nga, cựu Ngoại trưởng Kuleba thường đóng vai trò phụ, sau văn phòng tổng thống về nhiều vấn đề chính của chính sách đối ngoại.

Ngày 5/9, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn ông Vitaliy Koval đảm trách cương vị Bộ trưởng chính sách nông nghiệp và lương thực. Cựu phó chánh Văn phòng Tổng thống Oleksii Kuleba được bổ nhiệm là Phó thủ tướng phụ trách khôi phục Ukraine kiêm Bộ trưởng phát triển cộng đồng và lãnh thổ.

Quốc hội cũng đã phê chuẩn Phó Thủ tướng Olha Stefanyshina tiếp tục đảm nhiệm cương vị cũ, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tư pháp. Quốc hội Ukraine phê chuẩn ông Mykola Tochytskyi giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông chiến lược; ông Matvii Bidnyi đảm nhận cương vị Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao. Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược là ông Herman Smetanin, trong khi bà Natalia Kalmykova giữ chức Bộ trưởng Cựu chiến binh. Bộ trưởng Bảo vệ môi trường và Tài nguyên thiên nhiên là bà Svitlana Hrynchuk.

Ngày 4/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định những thay đổi mới nhất trong Chính phủ Ukraine không ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai nước.

Ngày 6/9, trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) diễn ra ở thành phố Vladivostok của Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chia sẻ rằng Nga sẽ hoàn tất chiến dịch quân sự đặt biệt tại Ukraine khi đạt được các mục tiêu đề ra. Ông nhấn mạnh Nga cần thực hiện các nhiệm vụ đặt ra từ giai đoạn đầu chiến dịch quân sự đặc biệt và hiện chưa có khung thời gian cụ thể cho việc này.

Trước đó một ngày, người phát ngôn Điện Kremlin bày tỏ Nga mong muốn đạt được mục tiêu ở Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình, nhưng phía Kiev chưa sẵn sàng đàm phán. Ông tái khẳng định Tổng thống Putin luôn nhấn mạnh Moskva sẵn sàng đối thoại thương lượng. Cùng ngày, Tổng thống Putin tuyên bố Moskva không bao giờ từ chối đàm phán về Ukraine.

Việt Nam giành huy chương tại Paralympic

Lực sỹ Lê Văn Công (ngoài cùng bên phải) giành Huy chương Đồng hạng 49kg môn cử tạ Paralympic 2024. Ảnh: TTXVN

Lực sỹ Lê Văn Công (ngoài cùng bên phải) giành Huy chương Đồng hạng 49kg môn cử tạ Paralympic 2024. Ảnh: TTXVN

Chiều 4/9, lực sĩ Lê Văn Công đã giành được huy chương Đồng ở hạng cân 49kg môn Cử tạ tại Paralympic Paris 2024, mang lại niềm tự hào cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam nói riêng và người hâm mộ nước nhà nói chung.

VĐV Lê Văn Công đoạt HCĐ tại Paralympic Paris 2024 khi chinh phục mức tạ 171 kg ở lần đầu tiên. Anh không thành công ở 2 lần nâng tạ sau đó khi nỗ lực đạt thành tích cao hơn. Trong khi đó, VĐV Omar Sami Hamadeh Qarada của Jordan giành HCV với thành tích 181kg. VĐV Abdulla Kayapinar của Thổ Nhĩ Kỳ giành HCB với mức tạ 180kg. Với tấm huy chương Đồng của VĐV Lê Văn Công, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã cơ bản hoàn thành lời hứa trước khi lên đường là phấn đấu có huy chương tại Đại hội.

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ bảng tổng sắp huy chương Paralympic Paris 2024, tính đến 17 giờ ngày 7/9 (giờ Hà Nội), đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí số 1 với 83 Huy chương Vàng (HCV), 64 Huy chương Bạc (HCB) và 44 Huy chương Đồng (HCĐ); tiếp tục đứng ở vị trí thứ 2 là Vương quốc Anh với 44 HCV, 35 HCB và 24 HCĐ. Tronng khi đó, đoàn Mỹ vẫn đứng ở vị trí thứ 3.

Tại Paralympic Paris 2024, thời điểm tranh tài ba môn phối hợp dự kiến diễn ra ngày 1/9 đã bị hoãn lại 24 giờ do chất lượng nước sông Seine ở thủ đô Paris không đạt tiêu chuẩn. Điều tương tự từng xảy ra tại Olympic Paris vào tháng 7 năm nay khi các buổi tập luyện trên sông Seine bị hủy bỏ và nội dung ba môn phối hợp nam phải hoãn lại do mưa khiến chất lượng nước tại dòng sông mang tính biểu tượng của Paris không đảm bảo an toàn.

Thế vận hội người khuyết tật Paralympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 28/8 - 8/9 tại thủ đô Paris, Pháp. Có khoảng 4.400 vận động viên thi đấu 22 môn thể thao, với tổng cộng 549 bộ huy chương.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera, Guardian, CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-sieu-bao-yagi-can-quet-cac-nuoc-chau-a-dam-phan-ngung-ban-gaza-lai-gap-rao-can-20240907181825842.htm
Zalo