Nóng trong tuần: NATO cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine; Thách thức với Tổng thống Pháp hậu bầu cử

Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với những hứa hẹn dành cho Ukraine, chính trường Pháp rối ren sau bầu cử quốc hội, vòng đàm phán Israel-Hamas rơi vào bế tắc, Fed có khả năng sớm hạ lãi suất... là những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần này.

Những vẫn đề ‘nổi cộm’ tại hội nghị thượng đỉnh NATO

Hội nghị thượng đỉnh NATO kỷ niệm 75 năm thành lập khối. Ảnh: AA/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh NATO kỷ niệm 75 năm thành lập khối. Ảnh: AA/TTXVN

Ngày 11/7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO kéo dài 3 ngày tại thủ đô Washington, D.C của Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các đồng minh đã đưa ra quyết định tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ, tăng cường hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu.

Trong hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã gặp các nhà lãnh đạo từ Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết những thách thức an ninh chung và tăng cường hợp tác sâu sắc hơn nữa. NATO tuyên bố hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và EU để giúp duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Vấn đề Ukraine đã trở thành một trong những điểm chính trong hội nghị. Tại đây, các quốc gia thành viên đã đưa ra những cam kết hỗ trợ vũ khí cho Ukraine cũng như khẳng định con đường gia nhập NATO của Ukraine là không thể đảo ngược. Cụ thể, các nước đã đồng ý thành lập Tổ chức Hỗ trợ và Đào tạo An ninh của NATO cho Ukraine, hỗ trợ điều phối việc cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine. Họ cũng công bố cam kết hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine với mức cơ bản tối thiểu là 40 tỷ euro trong năm tới. Tổng thư ký NATO hoan nghênh việc có thêm nhiều đồng minh đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine, nâng tổng số lên 20. Ông cũng nhấn mạnh rằng các đồng minh đã đồng ý thành lập Trung tâm Giáo dục, Đào tạo và Phân tích chung NATO-Ukraine ở Ba Lan.

Bên cạnh Ukraine, hội nghị thượng đỉnh NATO cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác như Trung Quốc, Nga, Iran và đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các nước liên quan. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/7 cho rằng NATO chỉ là công cụ đối đầu vì các văn bản được thông qua trong hội nghị xác nhận rằng các quốc gia thành viên phản đối đối thoại và hòa bình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi NATO ngừng can thiệp vào chính trị nội bộ của Trung Quốc, ngừng bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc cũng như ngừng tạo ra hỗn loạn ở châu Á-Thái Bình Dương sau khi đã tạo ra bất ổn ở châu Âu.

Phong trào Hamas cáo buộc Israel gây áp lực lên tiến trình đàm phán

Xe tăng quân sự Israel được triển khai gần biên giới với Dải Gaza, ngày 2/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Xe tăng quân sự Israel được triển khai gần biên giới với Dải Gaza, ngày 2/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Vòng đàm phán mới về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza có khả năng rơi vào bế tắc do khác biệt quan điểm giữa các bên liên quan, khi phong trào Hamas cáo buộc Israel đang gia tăng áp lực đàm phán bằng cách tăng cường các hoạt động quân sự, đặc biệt tại miền Bắc và miền Trung Gaza.

Ngày 10/7, ông Husam Badran - chỉ huy hàng đầu của phong trào Hamas - đã cáo buộc Israel đang tìm cách gây áp lực trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin, đồng thời đánh lạc hướng dư luận khỏi thực tế này bằng việc tăng cường các hoạt động ném bom, di tản ở Gaza.

Theo ông Badran, Hamas bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thông qua việc liên lạc với các nhà hòa giải và trao đổi một số ý tưởng với các nhà hòa giải.

Tuy nhiên, phía Israel vẫn vừa tấn công Gaza vừa đàm phán. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông vẫn cam kết với khuôn khổ ngừng bắn ở Gaza đang được đàm phán, nhưng cáo buộc Hamas đưa ra những yêu cầu trái ngược với khuôn khổ đó. Ông Netanyahu nhắc lại rằng cuộc giao tranh sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu chiến tranh của Israel - bao gồm cả việc đánh bại Hamas.

Trong tuần qua, lực lượng quân đội Israel đã tấn công thành phố Gaza, điều động các đoàn xe tăng tiến vào trung tâm thành phố từ nhiều hướng khác nhau. Người dân thành phố tin rằng đây là một trong những cuộc tấn công khốc liệt nhất kể từ khi xung đột Hamas - Israel nổ ra ngày 7/10/2023. Họ nói rằng lực lượng Israel đã ném bom suốt đêm 7/7 cho đến sáng sớm 8/7.

Cơ quan Khẩn cấp dân sự Gaza cho biết có hàng chục người đã thiệt mạng nhưng các đội cấp cứu không thể tiếp cận vị trí của các nạn nhân vì các cuộc tấn công đang diễn ra.

Các cuộc tấn công mới của Israel diễn ra khi Ai Cập, Qatar và Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực hòa giải để hướng tới thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas khi cuộc chiến ở Gaza bước sang tháng thứ 10.

Theo số liệu được phía Israel công bố, cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas nhằm vào miền Nam nước này đã khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin. Trong khi đó, theo các quan chức y tế ở Gaza, trên 38.000 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công quân sự của Israel.

Gia tăng khả năng Fed giảm lãi suất

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ bất ngờ giảm lần đầu tiên trong hơn 4 năm trở lại đây, tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm bắt đầu việc giảm lãi suất. Cụ thể, số liệu thống kê do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/7 cho thấy CPI - thước đo giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế - tháng 6 của nước này giảm 0,1% so với tháng 5, xuống còn 3%. Đây là lần đầu tiên CPI của Mỹ giảm trên cơ sở tháng kể từ tháng 5/2020.

Bên cạnh đó, tăng trưởng việc làm của nước này tiếp tục chậm lại với tốc độ ổn định trong tháng 6/2024, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%, càng giúp triển vọng Fed hạ lãi suất gia tăng.

Trước đó, trong phiên điều trần trước Hạ viện ngày 10/7, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có một tuyên bố gây bất ngờ khi cho biết cơ quan này có thể xem xét việc hạ lãi suất mà không cần chờ tỷ lệ lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% hàng năm như những tuyên bố trước đó. Theo ông Powell, kinh tế Mỹ không còn quá nóng và việc chờ đợi quá lâu để hạ lãi suất có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Các quan chức Fed lưu ý họ có lý do chính đáng để tin rằng áp lực giá cả đang giảm, đặc biệt là trên thị trường nhà đất, lĩnh vực chính dẫn đến lạm phát dai dẳng gần đây.

Sau những đánh giá của Chủ tịch Jerome Powell, các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược xác suất tới 75% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 và thêm một đợt cắt giảm khác vào tháng 12.

Trong một tuyên bố ngày 12/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/7 cho biết tổ chức này vẫn giữ nguyên dự đoán về nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed trong năm nay. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất chính sách thêm 525 điểm cơ bản kể từ năm 2022 để kiềm chế lạm phát.

Kết quả bất ngờ từ cuộc bầu cử quốc hội Pháp

Liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, mất đa số tương đối và chỉ còn duy trì được từ 160 đến 162 đại biểu so với 254 đại biểu trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ trước. Ảnh: THX/ TTXVN

Liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, mất đa số tương đối và chỉ còn duy trì được từ 160 đến 162 đại biểu so với 254 đại biểu trong cơ quan lập pháp nhiệm kỳ trước. Ảnh: THX/ TTXVN

Vòng thứ hai của cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp vào ngày 7/7 đã mang lại một kết quả bất ngờ nhờ sự kết hợp thông minh về mặt chiến lược của các lực lượng chính trị đối thủ ở cánh tả và ôn hòa. Đối mặt với sự vươn lên đột ngột của đảng cực hữu National Rally (NR) của bà Marine Le Pen trong vòng bầu cử đầu tiên, đảng Mặt trận Bình dân Mới (NPF) cánh tả và đảng liên minh “Cùng nhau” của Tổng thống Emmanuel Macron đã chọn liên kết với nhau trong vòng bầu cử thứ 2. Chiến lược này được các đảng cánh tả gọi là “Mặt trận Cộng hòa” chống lại phe cực hữu. Kết quả của một liên minh bỏ phiếu là NR tụt xuống vị trí thứ 3 khi chưa giành được 25% tổng số ghế trong Quốc hội 577 ghế. Đứng đầu vòng này là đảng NPF với 31% số ghế, kế tiếp là đảng “Cùng nhau” với 28% số ghế.

Tuy nhiên, kết quả này cũng đặt ra một thách thức đối với Tổng thống Macron khi không có đảng nào giành đủ thế đa số tuyệt đối để thành lập chính phủ và sẽ cần sự hỗ trợ từ những người đảng khác để thông qua luật.

Giới phân tích bày tỏ lo ngại chính trường Pháp có thể trở nên rối ren hơn nữa khi tương lai về một liên minh cánh tả không mấy khả quan. Theo truyền thống, Pháp không quen với việc xây dựng liên minh sau bầu cử thường thấy ở các nền dân chủ nghị viện Bắc Âu như Đức hay Hà Lan.

Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo của đảng cánh tả France Unbowed (LFI), đã loại trừ khả năng hình thành một liên minh lớn gồm các đảng phái khác nhau. Đối với phe ôn hòa, người đứng đầu đảng của Tổng thống Macron là Stephane Sejourne, cho biết ông sẵn sàng làm việc với các đảng chính thống nhưng loại trừ bất kỳ thỏa thuận nào với đảng LFI của ông Melenchon.Cựu Thủ tướng Edouard Philippe cũng loại trừ khả năng đi đến một thỏa thuận hình thành liên minh với đảng cực tả.

Trong một bức thư gửi tới giới truyền thông mới đây, Tổng thống Macron kêu gọi các đảng phái chủ đạo trong Quốc hội Pháp thành lập một “liên minh rộng rãi” có khả năng tập hợp được đa số. Trong thư, ông Macron chỉ kêu gọi thành lập một liên minh gồm các lực lượng chính trị có “giá trị cộng hòa”. Nhà lãnh đạo cho biết ông sẽ đợi quốc hội mới tìm ra cơ cấu để quyết định bước đi tiếp theo của mình.

Đường hướng phát triển chiến lược trong quan hệ Nga-Ấn

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hội đàm tại Moskva ngày 8/7. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hội đàm tại Moskva ngày 8/7. Ảnh: AA/TTXVN

Trong hai ngày 8-9/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Nga để đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn Độ lần thứ 22 với chủ đề “Nga-Ấn Độ: Mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và mở rộng”. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Modi sau 5 năm và là chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như các vấn đề về an ninh khu vực và toàn cầu.

Hai bên đã ký 15 văn kiện, trong đó có tuyên bố chung của Tổng thống Vladimir Putin và ông Modi sau Hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn Độ lần thứ XXII, cũng như tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo về phát triển các lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước cho đến năm 2030.

Tuyên bố chung về việc phát triển các định hướng chiến lược trong hợp tác kinh tế Nga-Ấn đến năm 2030 lưu ý rằng hợp tác kinh tế song phương giữa LB Nga và Cộng hòa Ấn Độ dự kiến sẽ được xây dựng trong 9 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, hai nước dự định tiếp tục đối thoại trong lĩnh vực tự do hóa thương mại song phương, bao gồm khả năng hình thành khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Ấn Độ. Hai nước có kế hoạch phát triển một hệ thống thanh toán song phương thông qua việc sử dụng đồng nội tệ. Các công cụ tài chính kỹ thuật số sẽ dần được đưa vào đó.

Hai bên sẽ tăng khối lượng thương mại song phương về nông sản, thực phẩm và phân bón, đồng thời sẽ duy trì đối thoại chuyên sâu nhằm xóa bỏ các hạn chế và cấm đoán về thú y, vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Nga và Ấn Độ sẽ phát triển hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng quan trọng, bao gồm hạt nhân, lọc dầu và hóa dầu.

Chuyến thăm Nga lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiếp tục khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt và mở rộng giữa Nga - Ấn Độ.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nong-trong-tuan-nato-cam-ket-ho-tro-lau-dai-cho-ukraine-thach-thuc-voi-tong-thong-phap-hau-bau-cu-20240713155310825.htm
Zalo