Lần đầu ông Trump tố bà Harris dùng AI chỉnh sửa ảnh

Donald Trump tố bà Kamala Harris sử dụng AI để làm giả cảnh đám đông xuất hiện tại sự kiện tranh cử của mình. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy cựu tổng thống Mỹ đã sai.

 Ông Trump cho rằng chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris đã chỉnh sửa bức ảnh ở Detroit. Ảnh: New York Times.

Ông Trump cho rằng chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris đã chỉnh sửa bức ảnh ở Detroit. Ảnh: New York Times.

Hôm 11/8, ông Donald Trump đã tấn công đối thủ bầu cử trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội Trugh Social. Ông khẳng định “không có ai” tham dự buổi kêu gọi phiếu bầu ở Michigan của Phó Tổng thống Kamala Harris vào ngày 7/8, đồng thời tuyên bố đối thủ Đảng Dân chủ sẽ bị “loại” vì một “bức ảnh đám đông cử tri đầy giả mạo”.

Donald Trump đòi loại Kamala Harris vì gian lận

“Có ai để ý rằng Kamala đã lừa đảo ở sân bay không? Không có ai ở chỗ máy bay, cô ta đã dùng AI để chỉnh sửa nó, tạo ra cảnh tượng 'đám đông' khổng lồ. NHƯNG HỌ KHÔNG HỀ TỒN TẠI”, cựu Tổng thống Mỹ tỏ ra phẫn nộ và sử dụng cách viết nhấn mạnh đặc trưng trên Truth Social.

Bài đăng của ông đi kèm ảnh chụp màn hình của một bài đăng X khác, trong đó có 2 bức ảnh. Một bức được nhân viên của Harris chia sẻ, cho thấy hàng nghìn người đang chào đón máy bay của Harris. Một tấm ảnh khác lại phóng to mặt kính phản chiếu của máy bay Không lực 2 chở Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.

Ông Trump cho rằng hình ảnh phản chiếu của tấm kính cho thấy bức ảnh chụp đám đông là giả và chẳng có ai ở đó.

“Cô ta là một kẻ lừa đảo. Không ai đứng đợi cô ta cả, nhưng bức ảnh lại trông như thể có 10.000 người. Điều này cũng xảy ra với 'đám đông' giả tạo trong các bài phát biểu của cô. Đây là cách đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, bằng cách gian lận”, Donald Trump nhấn mạnh.

 Bằng chứng ông Trump đưa ra để khẳng định đám đông ủng hộ bà Kamala Harris là giả. Ảnh: X.

Bằng chứng ông Trump đưa ra để khẳng định đám đông ủng hộ bà Kamala Harris là giả. Ảnh: X.

Cuối cùng, ông tuyên bố bà Harris nên bị “loại” khỏi cuộc bầu cử năm 2024 “vì việc tạo ra hình ảnh giả mạo là hành vi thao túng bầu cử”. “Người làm điều đó sẽ sẵn sàng gian lận bằng mọi cách”, Trump tuyên bố.

Tuy nhiên, ảnh và video về sự kiện, bao gồm cả video được quay bằng camera của CNN, ảnh chụp của New York Times, đều cho thấy quả thật đã có một lượng khán giả rất lớn xuất hiện sự kiện của bà Harris hôm 7/8.

Đám đông lấp đầy một xưởng cất máy bay lớn và tràn ra đường băng siêu rộng. Sự kiện còn có 2 bục lớn và nhiều hàng ghế ở bên ngoài, cùng màn hình chiếu khổng lồ dành cho đám đông ngoài trời không thể nhìn thấy sân khấu.

 Một góc chụp khác từ buổi kêu gọi phiếu bầu của bà Kamala Harris và "phó tướng" Tim Walz tại Detroit, cho thấy đám đông chờ đợi đón ứng viên đảng Dân chủ. Ảnh: Jacob Hamilton/MLive.

Một góc chụp khác từ buổi kêu gọi phiếu bầu của bà Kamala Harris và "phó tướng" Tim Walz tại Detroit, cho thấy đám đông chờ đợi đón ứng viên đảng Dân chủ. Ảnh: Jacob Hamilton/MLive.

Hany Farid, chuyên gia pháp y kỹ thuật số và giáo sư tại Đại học California, Berkeley, cho biết ông đã phân tích bức ảnh bằng 2 mô hình chuyên thẩm định hình ảnh do AI tạo ra.

Kết quả là cả hai mô hình đều không tìm thấy bằng chứng cho thấy vết tích của AI. Farid cho biết thêm rằng văn bản trên các biển hiệu và máy bay cho thấy không có dấu hiệu nào của AI.

Ông nói: “Không có dấu hiệu của AI vẫn chưa phải là bằng chứng hoàn hảo cho thấy hình ảnh đó là thật. Nhưng chúng tôi cũng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy hình ảnh này được tạo ra bởi AI hoặc bị chỉnh sửa bằng phương pháp kỹ thuật số”.

Đảng Dân chủ phản đòn

Giữa tâm điểm vụ việc, David Plouffe, cố vấn cấp cao của chiến dịch Harris, nhanh chóng có phát ngôn phản hồi ông Trump trên X. “Đây không phải là một thuyết âm mưu đen tối đáng ca ngợi trên Internet. Những người lan truyền thông tin này đều có động cơ đằng sau, và có thể sẽ trở thành người đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trong nhiều thập kỷ tới”, trích bài đăng ám chỉ Donald Trump.

Để phản bác lại những tuyên bố sai trái của Trump, những người tham dự sự kiện và nhân viên của Harris đã chia sẻ những bức ảnh do chính họ chụp trên mạng xã hội hôm 11/8.

 Đám đông tại các sự kiện của bà Harris đã được chứng kiến bởi hàng nghìn người và các cơ quan báo chí. Ảnh: New York Times.

Đám đông tại các sự kiện của bà Harris đã được chứng kiến bởi hàng nghìn người và các cơ quan báo chí. Ảnh: New York Times.

Lavora Barnes, chủ tịch Đảng Dân chủ Michigan, đã chia sẻ trên X một bức ảnh chụp trong buổi kêu gọi phiếu bầu. Trong bức ảnh, bà đang phát biểu trước một đám đông trước khi Harris được giới thiệu. Barnes nói đùa rằng bà “rất vinh dự khi có ai đó tạo ra hình ảnh AI về 15.000 đảng viên Đảng Dân chủ hào hứng chào đón Harris”.

“Đám đông AI đó thực sự rất ồn ào, tai tôi như ù đi vì tiếng cổ vũ trong tưởng tượng của họ”, Barnes chế giễu.

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã phản hồi trong một bài đăng trên X, tuyên bố rằng bức ảnh về cuộc biểu tình là có thật. “Đây là bức ảnh thực tế về đám đông 15.000 người của Harris-Walz ở Michigan. Trong khi đó, Trump vẫn chưa đi vận động tranh cử ở các quan trọng trong tuần vừa rồi. Đuối sức rồi à?”, phía bà Harris đáp trả.

Theo CNN, Trump từng 2 lần bị truy tố vì tội danh liên quan nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Bản cáo trạng viết rằng mặc dù thua cuộc trong cuộc bầu cử năm 2020, Trump vẫn "quyết tâm duy trì quyền lực".

"Vì vậy, trong hơn 2 tháng sau ngày bầu cử ngày 3/11/2020, bị cáo đã lan truyền tin giả, nói rằng kết quả bầu cử đã bị gian lận, đồng thời khẳng định mình đã thực sự thắng", trích bản cáo trạng.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tranh-cai-dau-tien-tren-mang-xa-hoi-giua-ong-trump-va-ba-harris-post1491459.html
Zalo