Nông thôn mới trong kỷ nguyên mới
Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo cần tập trung vào phát triển bền vững dựa trên điều kiện riêng của từng vùng miền, địa phương.

Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo cần chú trọng kinh tế nông nghiệp bền vững. Ảnh: Hoàng Anh.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010, với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn.
Sau 15 năm triển khai, chương trình nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể kể đến như 100% xã, 99% thôn khu vực nông thôn đã có điện, gần 99,7% xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện, phủ sóng rộng khắp mạng di dộng, internet.
Đánh giá cao những kết quả trên, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận định, chương trình nông thôn mới và thành quả phát triển kinh tế, xã hội nói chung đã thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn. Do đó, trong giai đoạn mới, chương trình nông thôn mới cần có sự thay đổi để phù hợp.
“Chương trình nông thôn mới như một chiếc áo đã chật, nếu tiếp tục xây dựng theo hướng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, sẽ chỉ là cách làm mang tính cơi nới”, ông Phát đánh giá.
Nguyên lãnh đạo ngành nông nghiệp và nông thôn đề xuất đổi tên gọi thành chương trình xây dựng nông thôn hiện đại. Chương trình này sẽ tập trung vào phát triển kinh tế nông thôn nhằm nâng cao thu nhập khu vực nông thôn nhưng dựa trên bản sắc, đặc thù văn hóa, truyền thống, con người của từng vùng miền, địa phương.
Cụ thể, chương trình cần tôn trọng sự khác biệt giữa các vùng miền và dân tộc, qua đó đưa ra những tiêu chí và giải pháp riêng. Theo ông Phát, không thể sử dụng tiêu chí của miền Bắc áp cho nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoặc nông thôn của người Kinh áp cho những bản làng người Thái, người Tày.
Như vậy, chương trình nông thôn mới sẽ phát huy được vai trò giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo và đa dạng của dân tộc.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới, ông Phát đề nghị chương trình cần chú trọng một mục tiêu lớn là bảo vệ môi trường và tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 – 2030. Ảnh: Bộ NN&PTNT
Đồng quan điểm với ông Phát, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan khẳng định về động lực phát triển mới cho khu vực nông thôn.
“Nếu trước đây, phát triển nông thôn thông qua hạ tầng thì giai đoạn sắp tới, nông thôn sẽ phát triển bằng tri thức, kết nối và nền kinh tế nông nghiệp bền vững”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Hoan khái quát sáu nhóm giải pháp cho chương trình nông thôn mới.
Thứ nhất, xây dựng cộng đồng nông thôn có tri thức và đưa tri thức về làng. Tri thức là sức mạnh quan trọng để một mặt bảo tồn những bản sắc truyền thống như làng nghề, di tích, mặt khác thúc đẩy những lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, du lịch nông thôn, phát triển nông nghiệp hiện đại và có tính liên kết.
Thứ hai, phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy những nghề truyền thống, trong đó chú trọng kết hợp các nghề truyền thống với công nghệ mới, phát triển du lịch làng nghề để nâng cao giá trị, khẳng định vị thế các sản phẩm truyền thống.
Thứ ba, thúc đẩy du lịch nông nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại nông thôn. Trong đó, du lịch nông nghiệp có thể trở thành kênh giới thiệu văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống cho du khách trong và ngoài nước.
Thứ tư, phát triển kinh tế trang trại bền vững, hiện đại, tăng cường liên kết nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp.
Thứ năm, xây dựng nông thôn đáng sống, hài hòa giữa truyền thống với hiện đại. Theo Phó chủ tịch Quốc hội, không nhất thiết phải đô thị hóa nông thôn bằng máy móc, thay vào đó là giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa nhưng kết hợp với công nghệ, hạ tầng để người dân không bị bỏ lại phía sau.
Cuối cùng, xây dựng nông thôn có môi trường sống lành mạnh, trong lành, trở thành nơi đáng sống về cả vật chất lẫn tinh thần.