Nông sản xuất khẩu bị 'soi' nhiều hơn
Việc các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Nhật Bản… siết tiêu chuẩn đối với nông sản nhập khẩu, nhìn theo góc độ tích cực sẽ giúp cho hoạt động sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam đi vào quy củ - điều kiện tiên quyết để cạnh tranh đường dài.

Doanh nghiệp cần nâng cao tiêu chuẩn nông sản để xuất khẩu bền vững (Ảnh: Đức Thanh)
Nhiều thị trường quy định nghiêm ngặt
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, hiện Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững đối với nông sản tươi.
Cụ thể, EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs). Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này giúp đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại. Ngoài ra, việc xử lý nhiệt cho xoài hoặc các biện pháp tương tự cũng được khuyến khích.
EU cũng áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia, không loại trừ nông sản đến từ Việt Nam.
Lý do khiến EU áp dụng các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và bền vững là nhằm hướng tới giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
EU là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 thế giới, hàng năm nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD mặt hàng này (trong đó nhập khẩu nông sản 190 tỷ USD; thủy sản 50 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỷ USD…). Riêng rau quả, năm ngoái mang về 7,15 tỷ USD cho Việt Nam, giúp nước ta duy trì vị thế là nguồn cung rau, củ, quả và sản phẩm chế biến lớn thứ 24 cho EU.
Ngoài EU, thị trường Trung Quốc - địa chỉ xuất khẩu chính yếu của nông sản Việt cũng ngày càng thắt chặt tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu.
Mới nhất, Trung Quốc tăng cường kiểm định chất lượng với chất vàng O (hóa chất bảo vệ thực vật làm tăng nguy cơ ung thư). Ngoài yêu cầu các lô hàng sầu riêng phải có thêm giấy kiểm định dư lượng cadimi và chất vàng O, phía Trung Quốc cũng kiểm tra 100% lô hàng, nếu đạt chuẩn mới được thông quan. Điều này làm gia tăng thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Hải quan Trung Quốc thông báo phát hiện hàng chục lô sầu riêng Việt Nam có chất vàng O. Yêu cầu về quản lý xuất khẩu từ cơ quan chức năng đến nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm từ người trồng đến doanh nghiệp xuất khẩu trở nên cấp thiết.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T cho hay, Trung Quốc dựng hàng rào kỹ thuật khẩn cấp, buộc các doanh nghiệp phải triệt để tuân thủ nếu muốn tiếp tục duy trì xuất khẩu.
“Để xuất khẩu nông sản vào thị trường tỷ dân này, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng mà Trung Quốc quy định. Mấu chốt là làm tốt khâu kiểm dịch từ khi thu mua, đóng gói, cập nhật thường xuyên những hoạt chất thị trường cấm để tránh sử dụng”, ông Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến cần thiết lập hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm xuất sang Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của họ.
Nâng chuẩn là yêu cầu tối thượng
Bộ Công thương nhận định, năm 2025, xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU vẫn còn nhiều dư địa. EU vẫn là thị trường có mức chi nhập khẩu lớn, tăng trưởng khoảng 6-7%/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm của Việt Nam phải tiếp tục đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc nếu muốn duy trì chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng xuất khẩu vào thị trường này.
Trong bối cảnh EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng siết quy định về nhập khẩu nông sản, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu khuyến cáo, nhà xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép và đáp ứng yêu cầu từ các nhà nhập khẩu. Trong đó, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được EU chấp thuận, tiến hành kiểm tra dư lượng hóa chất tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu.
“Doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt với sản phẩm xuất khẩu, gồm giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, phải có Chứng nhận kiểm dịch thực vật, đầu tư cho sản xuất bền vững. Chứng minh nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua các chứng nhận như GlobalGAP, Rainforest Alliance, hoặc Fairtrade. Áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng”, bà Thúy nói.
Tương tự, với Trung Quốc, năm qua nước này nhập hơn 13 tỷ USD sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam, dự báo nhu cầu còn tăng, nhưng nếu muốn duy trì thị trường này thì doanh nghiệp xuất khẩu bắt buộc không bị dính lỗi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm ngoái, ngành nông nghiệp xuất khẩu gần 63 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU chiếm 11,3% tổng kim ngạch, tương đương 7,12 tỷ USD; xuất sang Trung Quốc hơn 10 tỷ USD. Mục tiêu của năm 2025 là chinh phục mốc 70 tỷ USD. Để về đích với con số này, chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chỉ có duy trì chất lượng, cập nhật kỹ, kịp thời thông tin thị trường để điều chỉnh trong sản xuất, chế biến, thì mới giúp xuất khẩu đi đường dài. Do đó, đầu tư vào sản xuất bền vững để tăng chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn là lựa chọn đúng đắn của doanh nghiệp.