Sốt ruột vì nông sản Việt vào châu Âu 'tắc' mãi chưa thông
Hàng trăm tấn thanh long, hồ tiêu... đang nằm dài trong kho, thối hỏng bốc mùi vì không có đơn vị nào đứng ra ký giấy chứng nhận. Ngành hàng kêu cứu, địa phương lúng túng, trong khi nguy cơ mất thị trường châu Âu đã ở rất gần.
Tồn kho chất đống, ngành hàng kêu cứu
Từ đầu tháng 7 đến nay, hoạt động xuất khẩu rau quả sang Liên minh châu Âu (EU) gặp trở ngại lớn khi nhiều lô hàng như thanh long, ớt, đậu bắp bị mắc kẹt vì thiếu giấy tờ theo chuẩn EU.
Hơn 20 ngày qua, tại Bình Thuận, hàng trăm tấn thanh long chất đầy trong kho lạnh đang từng ngày xuống cấp vì không thể xuất khẩu.
Ông Huỳnh Cảnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận - lo lắng chia sẻ: “Tình trạng ùn ứ kéo dài đã khiến khoảng 100 tấn thanh long bị hư hỏng, lượng tồn kho vẫn còn từ 50-70 tấn. Nguyên nhân là không có cơ quan Nhà nước nào ký giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực vật xuất khẩu”.
Hiệp hội đã gửi kiến nghị bằng văn bản lên UBND tỉnh Lâm Đồng với mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng gỡ khó cho ngành hàng. Tình trạng này, nếu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp không dám thu mua, nông dân lo ngại sản xuất sẽ không tiêu thụ được. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu như EU - nơi đang tiêu thụ thanh long chất lượng cao với giá tốt - đã lên tiếng cảnh báo sẽ chuyển sang nhà cung cấp khác nếu Việt Nam không đáp ứng tiến độ giao hàng.

Hàng trăm tấn thanh long đẫ thối hỏng bốc mùi vì không có đơn vị nào đứng ra ký giấy chứng nhận. Ảnh minh họa: IT.
Không chỉ thanh long, ngành hàng hồ tiêu cũng lên tiếng báo động. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), hiện nay nhiều lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gia vị đang bị đình trệ.
“Chỉ riêng lượng hàng gia vị đang chờ cấp phép đã lên tới khoảng 250 tấn, trị giá khoảng 2,4 triệu USD. Nếu chậm thêm nữa, hậu quả tài chính sẽ rất nghiêm trọng”, đại diện VPSA cảnh báo.
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), kiến nghị Bộ có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; sửa đổi, bổ sung các quy định trong phân cấp phân quyền các thủ tục hành chính để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
VPSA cũng kiến nghị Bộ NN&MT tổ chức các khóa đào tạo cho cả doanh nghiệp lẫn các sở ngành địa phương để đảm bảo quy trình cấp giấy diễn ra nhanh chóng, đúng chuẩn quốc tế.
Ngày 14/7, Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng gửi công văn khẩn đến Bộ NN&MT, đề nghị làm rõ những nội dung như căn cứ pháp lý ghi nhãn, ngôn ngữ trên giấy tờ, thành phần hồ sơ... do hiện không có hướng dẫn cụ thể.
Đồng bộ nhiều biện pháp để gỡ khó
Liên quan tới tình hình nông sản gặp khó khăn khi vào châu Âu, Bộ NN&MT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, tăng cường hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp, phối hợp trong kiểm tra nhà nước nhằm kịp thời xử lý các đơn hàng tồn đọng.
Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của các ngành hàng, địa phương về việc gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục xuất khẩu, Cục đã ban hành công văn hướng dẫn cụ thể về địa phương và luôn sẵn sàng phối hợp với các địa phương, hỗ trợ kiểm tra nhà nước và hoàn tất thủ tục xuất khẩu thông qua hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương phản ánh rằng hướng dẫn hiện hành chỉ áp dụng trong nước, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ phía nhập khẩu. Vì vậy, Cục đang đề xuất điều chỉnh, sửa đổi công bố thủ tục hành chính để phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự kiến trong ngày 22/7, các đơn vị sẽ hoàn tất việc đóng góp ý sửa đổi thủ tục trong xuất khẩu để trình lên cấp có thẩm quyền xem xét.
Cơ quan này đã gửi công văn đề nghị EU cho phép áp dụng mẫu giấy chứng nhận hiện tại trong thời gian chờ sửa đổi, song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức.