Nông sản không thể dựa vào 'giải cứu' và lòng trắc ẩn!
Làm sao để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, không còn điệp khúc 'giải cứu', 'được mùa mất giá' như lâu nay vẫn là một bài toán lớn.
Được mùa mất giá, thiếu quy hoạch, thiếu dự báo thị trường hay tình trạng “nay ồ ạt trồng cây này, mai lại thi nhau chặt hạ để trồng cây khác”… vẫn là câu chuyện chưa bớt “nóng” và tiếp tục là các bất cập của nông sản Việt. Hết thanh long, khoai lang, cây cam sành rớt giá thê thảm, đến việc ồ ạt chặt hạ cây điều để trồng sầu riêng vượt quy hoạch xôn xao suốt thời gian qua.
Còn nhớ trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây, đại biểu Nguyễn Thanh Phong - đoàn Vĩnh Long nêu thực trạng, hiện nay diện tích trồng sầu riêng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng lên do giá cả tăng cao, vì vậy phong trào phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng thiếu kiểm soát, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường khi cung vượt cầu.
Cũng trong phiên chất vấn đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan thừa nhận, làm sao để hóa giải được lời nguyền “được mùa mất giá” và vấn đề liên quan tới hiệu ứng của cây sầu riêng không chỉ ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở cả Đông Nam Bộ và nhất là Tây Nguyên.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng, chúng ta không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa, vì nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá. Bộ trưởng đề nghị cần tư duy lại chỗ này. “Chúng ta không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa bà con vào hình thức hợp tác nào đó thì chúng ta không bao giờ thành công. Đừng đánh giá doanh nghiệp ép giá người nông dân. Có doanh nghiệp chụp hình gửi cho tôi khoai lang từ Vĩnh Long đưa ra cửa khẩu 40% phải bỏ vì không đủ quy cách, chủng loại” - ông Hoan dẫn chứng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, thiếu sự liên kết, phân công lao động và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo lợi thế vùng và địa phương, dẫn đến tính chuyên môn hóa thấp, dễ xảy ra ùn ứ cục bộ về nguồn cung và thị trường, điệp khúc "được mùa mất giá" vẫn cứ diễn ra.
Với người nông dân, khi vụ mùa bội thu lẽ ra phải là niềm vui lớn. Vậy mà thay vì hân hoan, khuôn mặt khắc khổ ấy lại hằn nỗi buồn chất chứa vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Rõ ràng, đầu ra sản phẩm nông nghiệp là một bài toán lớn mà chưa có một lời giải căn cơ. Một nền nông nghiệp phát triển bền vững không thể dựa vào “giải cứu” và lòng trắc ẩn của người tiêu dùng.
Trong cuộc canh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, người nông dân cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt “luật chơi” của thị trường thế giới mới mong mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Việc Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này do tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định chính là lời cảnh báo nghiêm khắc cho ngành thủy sản Việt Nam nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Trong xu hướng hiện nay, nông nghiệp muốn phát triển thì việc “liên kết 4 nhà”: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp là tất yếu. Sự liên kết này phải chặt chẽ, đồng bộ đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên thì mới đưa được sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Đau đáu trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành.
Khẩn trương quy hoạch thành các vùng trồng vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất. Tăng cường tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung, gắn sản xuất với những tín hiệu của thị trường, liên kết nông dân bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kể cả những thị trường truyền thống và thị trường mới còn nhiều tiềm năng; xây dựng nội dung đàm phán về mở cửa thị trường, kiểm dịch động thực vật và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan cho hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam và các tiêu chuẩn hàng Việt Nam xuất đi các thị trường khác…
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tình trạng “giải cứu” nông sản những năm qua có trách nhiệm của chính người nông dân. Do đó, đối với nhà nông - chủ thể chính của nền nông nghiệp cần phải thay đổi một cách căn bản tư duy sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bám sát thông tin thị trường… Tất cả những cố gắng sẽ như “công dã tràng” nếu không có sự đổi mới từ chính họ.