Nông nghiệp Việt Nam: Lập kỷ lục mới

Năm 2024, ngành Nông nghiệp Việt Nam chính thức ghi dấu lịch sử với việc vượt qua mục tiêu xuất khẩu, đạt giá trị hơn 62,5 tỷ USD. Thành tựu này không chỉ lập nên kỷ lục mới của ngành Nông nghiệp Việt Nam, mà còn minh chứng cho sự hiệu quả và tiến bộ của ngành Nông nghiệp nước ta.

Đáng chú ý, kỳ tích này không chỉ thể hiện sự phấn đấu của ngành Nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Đặc biệt, việc hoàn thành kế hoạch trước 6 năm về giá trị xuất khẩu các sản phẩm của ngành Nông nghiệp thể hiện khả năng quản lý và điều hành chặt chẽ; xác định hướng trọng tâm đầu tư, tiến hành cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta.

Con số hơn 62,5 tỷ USD đạt được trong xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp chứng tỏ sự đa dạng và tiềm năng lớn của nền nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với sự nỗ lực và sáng tạo trong sản xuất, các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, mà còn thu hút sự quan tâm và tin tưởng từ các thị trường xuất khẩu trên thế giới. Việc đạt doanh thu xuất khẩu hơn 62,5 tỷ USD giúp Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng kinh tế quốc tế. Đây là bước quan trọng để nâng cao uy tín và thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ảnh minh họa/TTXVN

Ảnh minh họa/TTXVN

Mặt khác, sự thành công của ngành Nông nghiệp sẽ tạo ra những cơ hội mới cho người lao động trong lĩnh vực này, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thành công này còn là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và giai cấp nông dân Việt Nam. Đó là cơ sở để tiếp tục phát triển nông nghiệp và nâng cao vị thế của đất nước trên bản đồ kinh tế quốc tế.

Càng suy nghĩ, chúng ta càng thấy giá trị mà ngành Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong xuất khẩu sản phẩm năm 2024. Điều này khẳng định: Nông nghiệp thực sự là bệ đỡ của nền kinh tế; sự phát triển của nông nghiệp tạo nên sự ổn định trong phát triển kinh tế. Nông nghiệp phát triển cũng chính là cơ hội tạo việc làm cho người dân với chi phí đầu tư thấp và quy trình đào tạo đơn giản.

Thành công trên cũng gợi mở cho các nhà quản lý, cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định những định hướng mới trong thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Theo đó, trước hết, cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ trong ngành Nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ; cũng như sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nền kinh tế thế giới.

Việc áp dụng công nghệ mới không chỉ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, mà còn giảm thiểu các vấn đề về môi trường và an toàn thực phẩm. Nhìn vào thực tiễn, chúng ta thấy rất rõ điều này. Dù đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều, nhưng phần lớn sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, nên giá trị mang lại không cao và thiếu tính bền vững. Đặc biệt, để vào được những thị trường khó tính, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải “đi đường vòng”, thậm chí buộc phải từ bỏ thương hiệu.

Theo đó, đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ không những khai thác hiệu quả tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam, mà còn tạo ra chuỗi giá trị trong từng loại sản phẩm; đồng thời khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đối với thế giới. Cùng với đó, xây dựng chuỗi cung ứng an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế sẽ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

Kết nối giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ để phát triển bền vững là giải pháp không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp. Sự đổi mới trong sản xuất nông nghiệp cần đi đôi với phát triển công nghiệp và dịch vụ để tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Xã hội càng phát triển, xu hướng lựa chọn sản phẩm của con người chính là chất lượng. Chất lượng sản phẩm sẽ làm nên giá trị và thương hiệu. Để có chất lượng sản phẩm, ngoài việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thì vấn đề có tính quyết định là đạo đức sản xuất của mỗi người tạo ra sản phẩm.

Đạo đức sản xuất và kinh doanh không chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp đang là vấn đề rất cần được các nhà quản lý, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm. Sản phẩm nông nghiệp phần lớn tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp cần phải được đặc biệt quan tâm. Đó cũng chính là hướng đi bền vững để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục lập nên những kỷ lục mới trong tương lai.

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-nghiep-viet-nam-lap-ky-luc-moi-809255
Zalo