Giữ màu xanh no ấm
Khi mùa Xuân mới đang đến gần cũng là lúc những rừng cây đâm chồi, nảy lộc, đất trời Thanh Sơn như được khoác lên mình màu áo mới đầy sức sống. Thanh Sơn hôm nay đã trải dài màu xanh ngút ngát của keo, bạch đàn... Dưới tán rừng, những mầm xanh mới đang được người dân nâng niu, chăm sóc bởi rừng không chỉ giúp họ có nguồn thu nhập ổn định mà còn là 'lá phổi xanh' để cân bằng môi trường sinh thái, bảo vệ cuộc sống luôn trong lành.
Chúng tôi đến khu 14, xã Tất Thắng - một trong những khu có diện tích rừng nhiều của xã và được biết, khu có 55 hộ thì gần 20 hộ sống chủ yếu nhờ nghề trồng rừng, hộ ít 1ha, hộ nhiều 10ha. Mỗi năm, người dân trong khu trồng mới từ 10-15ha rừng, nâng tổng diện tích rừng hiện có của khu lên gần 200ha. Khu thành lập tổ, đội tuần tra canh gác bảo vệ rừng, vì vậy, chất lượng rừng được bảo đảm và phát triển tốt. Nhờ trồng rừng, cuộc sống người dân trong khu đã có những đổi thay rõ rệt. Theo chân lãnh đạo xã Tất Thắng đến thăm gia đình ông Đinh Văn Hiển là hộ có diện tích rừng lớn của khu, chúng tôi được ông Hiển phấn khởi chia sẻ: “Năm 2023 vừa rồi nhà tôi khai thác 6,2ha keo bán được hơn 400 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, gia đình chuẩn bị kỹ đất, cây giống, phân bón và tiến hành trồng rừng ngay đầu năm 2024 trên diện tích khai thác để vừa phủ xanh đất trống vừa phát triển kinh tế gia đình. Hiện cây trồng mới phát triển tốt”.
Được biết, xã Tất Thắng có gần 800ha rừng, chủ yếu là rừng trồng sản xuất. Để triển khai hiệu quả chỉ tiêu phát triển rừng, hàng năm, xã đã giao chỉ tiêu trồng rừng đến từng khu dân cư, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích của trồng và phát triển rừng, từ đó thu hút đông đảo người dân tham gia. Bình quân mỗi năm xã trồng mới từ 50-60ha rừng trở lên. Cùng với phát triển rừng, xã Tất Thắng còn khuyến khích người dân mở các xưởng thu mua chế biến gỗ rừng trồng. Hiện toàn xã có 2 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, các xưởng này vừa giúp bà con tiêu thụ sản phẩm vừa tạo công ăn việc làm cho từ 20 lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Có thể nói, rừng đã và đang trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã. Ông Đinh Quốc Toản - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn, xã thường xuyên chỉ đạo các ngành, đoàn thể, khu dân cư, người dân chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo môi trường rừng bền vững. Đối với diện tích rừng đã khai thác, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân tiến hành trồng mới. Trong quá trình trồng, chú trọng lựa chọn cây giống ở những cơ sở cây giống có uy tín để đảm bảo năng suất, chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng”.
Người dân khu 14, xã Tất Thắng chăm sóc rừng trồng keo.
Chia tay Tất Thắng, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp của ông Nguyễn Văn Hòa ở khu Bến Dầm, xã Yên Sơn. Bên chén trà nóng, ông Hòa chia sẻ, gia đình ông khấm khá hơn là nhờ trồng rừng, tiền làm nhà, mua sắm các vật dụng khác trong gia đình cũng nhờ rừng. Được biết, trước đây, gia đình ông Hòa thuộc diện hộ nghèo trong khu, dù bươn trải nhiều nghề nhưng hoàn cảnh vẫn khó khăn. Nhận thấy cây lâm nghiệp có thể phát triển kinh tế ổn định, ông đã mạnh dạn trồng keo trên diện tích 20ha. Những năm đầu khi cây keo còn nhỏ, ông trồng các cây ngắn ngày xen canh để có thêm lương thực, đồng thời tăng độ tơi xốp cho đất và giữ nước, tránh xói mòn, giúp cây keo phát triển nhanh. Sau nhiều năm gắn bó, việc trồng, chăm sóc rừng trở thành nghề chính, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Không riêng ở xã Tất Thắng hay Yên Sơn, phong trào trồng cây, gây rừng đã phát triển rộng khắp trên địa bàn các xã của huyện Thanh Sơn. Hàng năm, Nhân dân trong huyện đã trồng mới được trên 2.600ha rừng, nâng tổng diện tích rừng hiện có của toàn huyện lên gần 40.000ha, trong đó có trên 27.000ha rừng sản xuất, độ che phủ rừng của toàn huyện đạt 50,5%.
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện còn khuyến khích các hộ dân tận dụng tán lá rừng phát triển các mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi ong lấy mật, trồng cây dược liệu... cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành những mô hình kinh tế tổng hợp, cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Các cơ sở chế biến lâm sản cũng dần hình thành, đi vào hoạt động hiệu quả nhằm tiêu thụ sản phẩm cho người trồng rừng, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động dôi dư ở địa phương. Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành hướng đi tích cực trong công tác giảm nghèo cho người dân, nhất là tại những địa bàn khó khăn. Có thể khẳng định, rừng đã thật sự trở thành một trong những tiềm năng to lớn, góp phần đắc lực thúc đẩy kinh tế của huyện Thanh Sơn phát triển, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Đồng chí Trần Quang Hưng - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: “Công tác phát triển rừng trên địa bàn huyện Thanh Sơn những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Người dân đã chủ động trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Các cơ quan chuyên môn cũng đã chú trọng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người dân trong lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Bên cạnh đó, các chính sách như hỗ trợ cây giống, chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được triển khai đầy đủ, kịp thời đến người dân. Nhiều năm trở lại đây, huyện luôn hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu trồng, phát triển rừng đề ra”.
Để giá trị rừng trồng được nâng cao, người dân trong huyện cùng nhau thi đua trồng cây, gây rừng để rừng Thanh Sơn ngày một thêm xanh và phát triển bền vững. Đi dưới những cánh rừng xuân, cây lá xanh non, ngắm những đồi keo xanh mát mắt, rừng thực sự đã mang đến cho người dân địa phương những mùa Xuân ấm no.