Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Kế hoạch và Đầu tư thực hiện 5 tiên phong để cùng cả nước về đích
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô.
Sáng 28/12, dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành thực hiện “5 tiên phong” để cùng cả nước tăng tốc, bứt phá, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Hòa Lạc, Hà Nội), trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham mưu chiến lược, đóng góp quan trọng vào phát triển đất nước
Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng, Nhà nước, năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện 61 đề án trên tổng số 345 đề án giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong chương trình công tác.
Bộ tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2 Luật, 5 Nghị quyết của Quốc hội, 9 Nghị định của Chính phủ, 14 Thông tư, 8 Nghị quyết của Chính phủ, 6 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; làm cơ quan thường trực hoặc đầu mối tổng hợp của 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, 6 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban Chỉ đạo khác.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 4 quy hoạch tỉnh, 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, 3 dự án quan trọng quốc gia, 39 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 14.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Bên cạnh thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh; nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phối hợp xúc tiến xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm Tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do tại một số địa phương…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhờ đó, tính đến hết tháng 11/2024, thu hút FDI đạt hơn 31 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt hơn 21 tỷ USD, tăng hơn 7%, cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới quyết định hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 6 vùng; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch của các vùng. Đồng thời, Bộ đóng vai trò quan trọng trong lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 62/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt, công bố, triển khai…
Năm 2025, ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt để hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, đề ra các giải pháp cụ thể về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển vùng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường; tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng và tăng cường liên kết vùng; tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia…
Sau khi lãnh đạo các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, bài học và vai trò của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các nút thắt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, lập, quản lý quy hoạch; thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng và quá trình hình thành, phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, qua gần 80 năm hình thành, phát triển, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp xây dựng đất nước.
Theo Thủ tướng, năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung cả năm 2024 đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.
Thủ tướng khẳng định, những kết quả chung đó có sự đóng góp rất quan trọng, hiệu quả của ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê. Trong đó, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tổng hợp tham mưu cấp chiến lược, cơ quan đầu mối, điều phối điều hành kinh tế vĩ mô; đóng góp hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế; lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư công nghệ lớn; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Cơ cấu lại nền kinh tế và đề xuất triển khai các mô hình kinh tế mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và thời gian tới; theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; cập nhật kịp thời kịch bản phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác điều phối kinh tế vĩ mô để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Cho biết, năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc; khởi động xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị cho đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các cảng biển, sân bay lớn; khai thác tối đa không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Đảng, Nhà nước, giúp việc Chính phủ trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy triển khai các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng số, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng; kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, ngành Kế hoạch và Đầu tư tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và đề xuất triển khai các mô hình kinh tế mới; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác thống kê. Làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; ngăn chặn nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với bề dầy truyền thống vẻ vang gần 80 năm, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.