Nông nghiệp và môi trường là hai lĩnh vực trọng điểm cần đột phá về khoa học công nghệ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, khoa học công nghệ và chuyển đổi số được xác định là 'thời cơ vàng' để Việt Nam bứt phá, trong đó nông nghiệp và môi trường là hai lĩnh vực trọng điểm cần đột phá đầu tiên. Để đột phá, phát triển theo tinh thần nghị quyết 57, bắt buộc phải đổi mới tư duy và cách làm.

Nhiều đề tài nghiên cứu không gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển

Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57).

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành, khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp tuần hoàn đa giá trị đã trở thành xu thế tất yếu. "Muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, thời gian qua ngành Nông nghiệp và môi trường đã có nhiều nỗ lực phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực, song để đáp ứng yêu cầu đột phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 57 vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính để khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ trong khu vực công mà còn cả khu vực tư.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường thăm quan các sản phẩm nông nghiệp trưng bày bên ngoài hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường thăm quan các sản phẩm nông nghiệp trưng bày bên ngoài hội nghị.

Vấn đề thứ hai là các giải pháp để nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa ngành Nông nghiệp và môi trường. Đặc biệt xác định các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh để triển khai các đề tài, dự án khoa học công nghệ nhằm tạo ra sự phát triển đột phá của ngành như là công nghệ sinh học, công nghệ gene.

Vấn đề thứ ba được Bộ trưởng nêu ra là đổi mới hoàn toàn phương thức giao nhiệm vụ khoa học công nghệ hằng năm theo cơ chế đấu thầu, đặt hàng. Các sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa phục vụ sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm.

"Có một thực tế trong thời gian qua việc đề xuất các nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu từ các cơ sở khoa học công nghệ công lập, mà ít có những đề xuất từ thực tiễn, từ doanh nghiệp, từ nông dân. Bởi vậy nhiều đề tài nghiên cứu không gắn với yêu cầu thực tiễn phát triển, và vì thế nghiên cứu xong rồi thì rất khó để thương mại hóa", Bộ trưởng Bộ NN&MT nhấn mạnh.

Chuyển đổi số là vị trí trung tâm của chiến lược phát triển

Về phía địa phương, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, thực hiện Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết 71, tỉnh Bắc Ninh tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.

Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: Cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.

Bắc Ninh khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

"Địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết.

Tại hội nghị, TS Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, hành trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở kế hoạch hay khẩu hiệu. Đó là chặng đường của sự dấn thân, của đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đặc biệt là trọng dụng người tài như một chiến lược sống còn.

“Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ”, TS Nguyễn Phú Tiến nói.

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định, Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ tại hội nghị.

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ tại hội nghị.

Ông Dũng chia sẻ, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết số 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào Top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh khoa học công nghệ hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có”, TS Phan Xuân Dũng chia sẻ.

Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/nong-nghiep-va-moi-truong-la-hai-linh-vuc-trong-diem-can-dot-pha-ve-khoa-hoc-cong-nghe-i767878/
Zalo