Nông nghiệp Phổ Yên hướng tới sản xuất tập trung, mở rộng liên kết
Phổ Yên chú trọng hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP. Phổ Yên dần bị thu hẹp để nhường chỗ cho các công trình, dự án. Để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người dân, cùng với khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương chú trọng hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Phát triển vùng cây trồng lợi thế
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, cho rằng: Việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, diện tích đất sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn đến việc áp dụng khoa học - kỹ thuật hạn chế; hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm còn yếu, hiệu quả chưa cao.
Từ thực tế này, TP. Phổ Yên đã xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, hệ thống kết cấu hạ tầng, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất, tạo ra những vùng sản xuất quy mô lớn; đồng thời, lựa chọn cây trồng chủ lực, có lợi thế và phương thức sản xuất phù hợp.
Cơ quan chuyên môn của thành phố cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để vừa giải phóng sức lao động, vừa giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Tạ Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Cao: Toàn phường có trên 50ha rau màu gieo trồng tập trung, trong đó có trên 30ha đã được lắp đặt nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Nhờ đó,cây trồng phát triển khỏe mạnh, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/sào/lứa.
Từ những tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương, đến nay, TP. Phổ Yên đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như: Sản xuất lúa chất lượng cao quy mô hơn 100ha tại các xã, phường Minh Đức, Thành Công, Tiên Phong; sản xuất cây ăn quả với diện tích trên 300ha, tại xã Phúc Thuận, Minh Đức; sản xuất chè xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô trên 100ha tại các xã Thành Công, Phúc Thuận, Minh Đức, Phúc Tân; sản xuất rau an toàn tập trung quy mô 60ha, ở phường Đông Cao và phường Tân Hương...
Trên cơ sở này, địa phương khuyến khích, vận động nhân dân liên kết sản xuất để mang lại hiệu quả. Đến nay, toàn thành phố có 9 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, sản xuất tại các vùng chuyên canh tập trung, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5 lần so với sản xuất truyền thống.
Cùng với đó, tư duy làm nông nghiệp của người dân cũng đã thay đổi, từng bước được tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học - công nghệ; từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đến nay, diện tích gieo trồng được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch của thành phố đạt trên 95%; 250ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trên 500ha chè, cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; trên 35ha chè được cấp mã số vùng trồng; trên 50ha rau màu được trồng trong nhà lưới…
Xây dựng thương hiệu nông sản địa phương
Trên cơ sở hình thành các vùng sản xuất tập trung, TP. Phổ Yên cũng đã quan tâm đầu tư và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như chè, cây ăn quả, rau xanh, gạo...
Địa phương đã tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Riêng giai đoạn 2021-2024, thành phố đã tổ chức gần 300 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ cơ sở, sản xuất kinh doanh xây dựng ý tưởng, hoàn thiện hồ sơ, tham gia đánh giá và xét chọn sản phẩm OCOP. Thực hiện hỗ trợ thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã với kinh phí hơn 500 triệu đồng; thực hiện 6 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất chè, lúa gạo tại xã Phúc Thuận, Minh Đức, Vạn Phái, với kinh phí hơn 3 tỷ đồng...
Là điển hình trong liên kết tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, hiện nay, Công ty CP Trà Việt Thái, ở xã Phúc Thuận đang thực hiện liên kết với hơn 100 hộ dân ở xóm Tân Ấp 1 và xóm 7, với diện tích hơn 21ha chè VietGAP.
Hằng năm, Công ty thực hiện ứng trước vật tư cho các hộ dân, đồng thời hướng dẫn quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Toàn bộ chè của bà con sau khi thu hái được Công ty bao tiêu và chế biến theo quy trình an toàn, xuất bán ra thị trường với đầy đủ nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.
Để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2021-2024, TP. Phổ Yên cũng tạo điều kiện cho hơn 30 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh.
Trước đó, thành phố đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, tập huấn về thương mại điện tử và kỹ thuật livestream bán nông sản trên mạng xã hội cho hơn 20 hộ sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin mùa vụ trên cây lúa, cây chè cho người dân tại các vùng sản xuất tập trung…
Từ những định hướng đúng đắn và giải pháp phù hợp, hiệu quả, đến nay, TP. Phổ Yên đã có 11 sản phẩm nông nghiệp (chủ yếu là trà, mật ong, dầu lạc, gạo) đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được TP. Phổ Yên chú trọng.
Riêng giai đoạn 2022-2024, toàn thành phố đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp trên 100km đường giao thông các loại; xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo và nâng cấp 8km kênh mương và 8 công trình hồ, đập, trạm bơm, góp phần đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương cũng đã lắp đặt 150km dây cáp quang, hòa mạng 3 trạm phát sóng 4G; sửa chữa, nâng cấp 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Đặc biệt là xã Phúc Thuận, trong 5 năm gần đây, xã đã huy động nguồn lực trên 370 tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.
Thời gian tới, TP. Phổ Yên tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với quy hoạch; duy trì khảo sát, đánh giá nhằm điều chỉnh cây trồng, con giống phù hợp với từng vùng.Đồng thời có chính sách khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chế biến nông - lâm sản và liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thành phố tập trung cải thiện đời sống mọi mặt của nông dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn; tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, mức sống giữa nông dân và các thành phần khác.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, lĩnh vực nông nghiệp của TP. Phổ Yên trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn 2022-2023, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn bình quân tăng 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 68 triệu đồng/người/năm…