Nông nghiệp minh bạch phải rõ từ việc sử dụng phân bón
Thực trạng người dân canh tác theo tập quán cũ, bón phân dư thừa phân đạm, đốt rơm rạ nhất là vụ Đông Xuân và Hè Thu làm mất dinh dưỡng trong đất, gây ngộ độc hữu cơ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL.
Trong bài viết "Chạy theo sản lượng – vựa lúa miền Tây đối mặt suy thoái đất" nhóm phóng viên VOV-ĐBSCL nêu rõ sự bất cập trong sử dụng phân bón ở ĐBSCL đã dẫn tới nhiều vùng đất trồng lúa 3 vụ bị suy thoái, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa. Ở phần cuối của loạt bài “Phân bón và bài toán sản xuất nông nghiệp trách nhiệm”là những giải pháp căn cơ, mang tính toàn diện, khắc phục những hạn chế trong sử dụng phân bón sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng đồng hành, hướng dẫn người dân đưa những sản phẩm hữu cơ, phân bón thế hệ mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, quản lý đất đai để tăng hiệu quả sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính.
Thực trạng người dân canh tác theo tập quán cũ, bón phân dư thừa phân đạm, đốt rơm rạ nhất là vụ Đông Xuân và Hè Thu làm mất dinh dưỡng trong đất, gây ngộ độc hữu cơ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL.
Theo PGS - TS Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, bón phân không cân đối sẽ làm tăng dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất và làm tăng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, giải pháp là áp dụng cơ giới hóa trong canh tác để giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, phát triển công nghệ xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng kết hợp cơ giới hóa, sử dụng chế phẩm sinh học và quản lý nước trên đồng ruộng.
“Tích hợp giữa cơ giới hóa với lại công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh, bón phân cân đối là tích hợp cực kỳ quan trọng để nâng được hiệu quả sản xuất lúa gạo nói chung và giảm phát thải. Tăng hiệu suất sử dụng phân bón đóng vai trò rất là quan trọng, sạ hàng hay là sạ cụm có vùi phân chẳng hạn, khi mà mình xạ chính xác vùi phân theo độ tối ưu giảm số lần bón phân còn có 2 lần thôi, cái đó là cái vai trò của cơ giới hóa rất lớn”, PGS - TS Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Vấn đề sử dụng phân bón trên lúa và trên cây trồng ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn những bất cập, chưa hợp lý. Ông Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, hiện nay người dân vẫn còn lạm dụng phân hóa học nhiều trên cây lúa và trên cây trồng, điều này không hợp lý và cần phải sửa đổi để hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững. Ngoài ra, người dân vẫn đốt rơm rạ trên đồng ruộng khiến đất bị mất chất dinh dưỡng, làm tăng phát thải khí nhà kính.
“Phải trả lại rơm rạ cho đất, cái đó là cần và hình thức để rơm rạ vùi lại trong đất, điều hợp lý là rất rẻ không phải chở đi đâu cả. Vấn đề thứ hai những tiến bộ kỹ thuật về vi sinh vật của thế giới và trong nước có rất nhiều chủng vi sinh như vậy là chế biến phân hữu cơ cực kỳ tốt ở tại ruộng”, ông Nguyễn Thơ thông tin.
Phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng cho an ninh lương thực, đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao năng suất cây trồng cũng như độ phì nhiêu của đất. Việc sử dụng phân bón không chỉ làm tăng năng suất cây trồng mà còn làm thay đổi tính chất hóa lý và sinh học của đất. Theo Chủ tịch hiệp hội phân bón Việt Nam Phùng Hà, trong thực tiễn canh tác việc sử dụng phân bón không phù hợp, làm thay đổi độ pH của đất, làm tăng sự tấn công của sâu bệnh, dẫn đến giảm carbon hữu cơ trong đất và các sinh vật hữu ích, kìm hãm sự phát triển, năng suất của cây trồng và dẫn đến phát thải khí nhà kính.
Ông Hà cũng cho rằng, giải pháp sử dụng phân bón hiệu quả là đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách. Hiện nay, canh tác giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu, sử dụng phân tan chậm có kiểm soát, phân bón phù hợp với điều kiện khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và phân nitơ là xu thế của thế giới ưu tiên để thực hiện Net Zero.
“Xu thế của chúng ta là phải giảm phát thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Cho nên xu thế mà nghiên cứu sản xuất phân bón gắn với giảm phát thải nhà kính chiếm vai trò chủ đạo phân bón mà hiệu quả cao. Thứ nhất là cái phân bón mà tan chậm này món ta nó kiểm soát. Cái thứ hai là các cái loại phân bón nó phù hợp với lại cái điều kiện khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, ví dụ như là mặn, chua. Cái thứ ba phân bón trên nitơ là xu thế tiếp theo”, ông Phùng Hà nhấn mạnh.
Thực trạng trong sản xuất nông nghiệp người dân vẫn sử dụng phân bón chưa hợp lý, với mong muốn cây trồng phát triển nhanh. Việc bón dư thừa phân đạm tăng dịch bệnh, cây trồng không hấp thu được phân bón, tăng phát thải khí nhà kính. Ông Phạm Anh Cường, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho biết, nhu cầu hấp thu phân bón của cây trồng từng giai đoạn khác nhau và từng loại đất cũng khác nhau, từng loại cây trồng cũng khác nhau.
“Trong quy trình canh tác lúa thông minh của Bình Điền triển khai toàn bộ ĐBSCL thì cái đầu trâu mặn, phèn nó có tác dụng rất rõ, luôn là nó hạn chế phèn, hạn chế mạnh và đồng thời cái phân bón đầu trâu TE A1, TE2. Bón 2 loại phân này cho lúa trong một quy trình sản xuất trong một vụ cho thấy hiệu quả vượt trội so với tập quán của bà con nông dân, đấy là cái mà chúng tôi nói về vai trò của phân chuyên dùng trong canh tác lúa của bà con nông dân”, ông Phạm Anh Cường chia sẻ.
Những nghiên cứu về sử dụng phân bón tại các vùng sinh thái của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy, bón đúng, bón đủ, bón phù hợp với từng loại đất, từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng mới phát huy hiệu quả trong canh tác. TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, qua những nghiên cứu thực tiễn người dân cần sử dụng phân bón hợp lý, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác ở các vùng sinh thái, đảm bảo cây trồng hấp thu dinh dưỡng.
“Nếu vụ Đông Xuân chúng ta sử dụng phân lân thì cũng tương tự như vai trò của phân đạm, vẫn đảm bảo năng suất, nhưng sụt giảm hơn một ít. Đây là một thí nghiệm có kiểm soát để chúng ta làm cơ sở khoa học thực tế, cần phải có những cái điều chỉnh phù hợp hơn”, TS Trần Ngọc Thạch thông tin.
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, vai trò của phân bón rất quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả sử dụng phân bón, tránh bón thừa phân đạm, bón không đúng cách dẫn đến cây trồng không hấp thu, bị cố định trong đất người dân cần phải bón đúng cách và điều quan trọng là cho đất khỏe để hấp thu tốt các chất dinh dưỡng từ phân bón. Các nhà sản xuất phân bón cũng cần hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý, đúng cách, tránh gây lãng phí, tác động xấu đến môi trường.
“Khuyên các nhà sản xuất luôn luôn có trách nhiệm với bà con nông dân, đưa những cái tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm cho đất nó tốt trước, rồi nghĩ đến cái chuyện bán phân bón mình sau, có thể phân bón, sản lượng chúng ta giảm, thay vì đang bón 600 - 700 ký bây giờ mình khuyến cáo chỉ bón 350kg giảm, thì rõ ràng nhà sản xuất thì không muốn giảm, nhưng mà với trách nhiệm với đất đai, với người nông dân thì mình phải có một cái cách tiệm cận mới, như vậy thì mới xử lý được vấn đề”, ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Dư, Nguyên Phó cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT cho biết, cần đánh giá toàn diện về đất đai để có những giải pháp phù hợp trong canh tác ở ĐBSCL và áp dụng, triển khai những mô hình đã thành công như đề án 1 triệu ha đang phát huy hiệu quả cho người dân khi giảm chi phí, tăng lợi nhuận, giảm phát thải khí nhà kính.
“Đẩy mạnh các chương trình chúng ta đang làm hiện nay, mục tiêu 1 triệu ha, canh tác thông minh, đặc biệt là các chương trình mà chúng ta sản xuất phân bón NPK cho cây lúa, NPK cho cây quả, NPK rồi sau đó chúng ta cộng với các trung, vi lượng, đồng kẽm, canxi, những cái loại đó đều giúp cho tăng cường tính chất kháng bệnh của cây trồng rất là tốt”, ông Phạm Văn Dư chia sẻ.
Canh tác thiếu bền vững dẫn tới thực trạng bạc màu, suy thoái, giảm độ phì nhiêu của đất lúa ở ĐBSCL đã rõ, những giải pháp tổng thể đưa ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp sản xuất phân bón để nâng cao hiệu quả sử dụng và cải thiện chất lượng đất đai là vấn đề cấp bách đối với ngành nông nghiệp.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, những dự báo về mặn xâm nhập, hạn hán, thiếu nước, nước biển dâng sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Chính vì vậy cần phải xây dựng các mô hình canh tác dựa trên vùng đất phèn, mặn và sử dụng phân bón phù hợp để phát huy hiệu quả, vì mục tiêu nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, vì tương lai lâu dài của ĐBSCL.
Loạt bài cùng chủ đề “Phân bón và bài toán sản xuất nông nghiệp trách nhiệm”
Chạy theo sản lượng – vựa lúa miền Tây đối mặt suy thoái đất
Nông nghiệp minh bạch phải rõ từ việc sử dụng phân bón