Nông nghiệp đô thị: Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao, gắn kết du lịch

TPHCM đang trong quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp với ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất. Bắt nhịp với xu hướng này, một số nông dân ở vùng ngoại thành đã đầu tư công nghệ vào vườn hoa, cây kiểng, cá cảnh…, mỗi năm thu về nhiều tỷ đồng.

Từ những mô hình trồng hoa, nuôi cá kiểng

Nổi lên trong các mô hình nông nghiệp đô thị thành công tại vùng ngoại thành TPHCM là mô hình trồng mai vàng của ông Lê Hoàng Minh Phụng (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức). Ông Phụng đã vay 25 tỷ đồng đầu tư vườn mai. Để khắc phục những bất lợi của thời tiết, đảm bảo cây ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán, ông Phụng lắp đặt hệ thống mái che cảm ứng. Với diện tích hơn 1,5ha đất sản xuất, trồng hơn 2.500 gốc mai bonsai 40-80 năm tuổi, doanh thu vườn mai hàng năm đạt từ 4-5 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ mai bonsai chủ yếu là TPHCM, Bình Dương và nước bạn Campuchia.

 Du khách tham quan vườn lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Du khách tham quan vườn lan Huyền Thoại (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRUNG

Tại xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), vườn lan Huyền Thoại của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền nổi tiếng trong ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Chị Huyền đã đầu tư hệ thống cấy mô để làm chủ khâu sản xuất giống, vừa giảm được chi phí vừa cung cấp giống cho các hộ nông dân trồng lan khác. Vốn là đất trồng cao su, khi chuyển đổi thành trang trại hoa lan, chị Huyền đã đầu tư hệ thống tưới tiêu, phun thuốc và bón phân tự động; xây dựng nhà lưới...

Vườn lan rộng khoảng 8ha với 200.000 gốc giống Mokara và hơn 10.000 gốc giống Denrobium. Không chỉ bán lan cắt cành, chị Lan còn triển khai dịch vụ du lịch. Hiện nhiều công ty du lịch đưa khách đến tham quan vườn lan Huyền Thoại như một điểm thưởng ngoạn mới của thành phố.

Trong khi đó, giới nuôi cá cảnh ở TPHCM không ai không biết anh Lê Hữu Thiện (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), bởi anh không chỉ giỏi nuôi cá cảnh, mà còn là chủ doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh chủ lực ở thành phố. Năm 2012, anh Thiện mở cơ sở nuôi cá cảnh, năm sau thành lập Công ty CP sinh vật cảnh Thiên Đức, nuôi 3 loại cá được người chơi ưu chuộng là cá dĩa, cá neon vua và sóc đầu đỏ. Trong đó, cá dĩa và neon vua đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TPHCM. Hiện tại, Công ty CP sinh vật cảnh Thiên Đức đã xây dựng và phát triển thành hệ thống thương hiệu cá cảnh ở thị trường nhiều nước. Hàng năm, số lượng cá cảnh của công ty bán ra gần 2 triệu con với nhiều chủng loại.

Đến gắn kết với du lịch nông thôn

Trong lúc quỹ đất đô thị ở khu vực các quận nội thành ngày càng hạn hẹp, thì ở các huyện ngoại thành và TP Thủ Đức vẫn còn quỹ đất nông nghiệp. Thời gian qua, ngành chức năng các địa phương ngoại thành đã hỗ trợ nông hộ tổ chức những phương án sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, trong đó nổi lên mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch nông thôn.

 Nhà vườn ở TP Thủ Đức (TPHCM) chăm sóc mai vàng, chuẩn bị đưa ra bán dịp Tết Ất Tỵ 2025

Nhà vườn ở TP Thủ Đức (TPHCM) chăm sóc mai vàng, chuẩn bị đưa ra bán dịp Tết Ất Tỵ 2025

Lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Thủ Đức thông tin, hiện địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 185ha. Trong đó, diện tích trồng cây kiểng hơn 61ha, trồng rau hơn 46ha, trồng cây ăn trái hơn 17ha... TP Thủ Đức xác định 4 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tập trung đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học là rau, hoa lan, cây kiểng và cá cảnh. Với 4 sản phẩm nông nghiệp này, TP Thủ Đức sẽ hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh với các mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp, thân thiện môi trường. Đồng thời, địa phương sẽ tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân, xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch nông thôn, xúc tiến quảng bá thương hiệu.

Trong khi đó, bà Lê Ngọc Sương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho biết, huyện Củ Chi định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống nhà kính, nhà lưới và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Đồng thời, huyện phối hợp Sở NN-PTNT, các đơn vị có liên quan đề xuất UBND TPHCM xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên canh, tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như rau sạch, hoa, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp đô thị, như trồng rau sạch trên ban công, sân thượng hoặc phát triển các trang trại nhỏ trong khu dân cư. Thêm nữa, huyện khuyến khích mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch sinh thái như trang trại giáo dục, vườn trái cây du lịch, nhằm gia tăng giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường.

Ông NGUYỄN XUÂN HOÀNG, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM:

Dù trong bối cảnh nào, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ngoài việc tạo ra việc làm cho 0,5% lực lượng lao động và thu nhập ổn định, ngành nông nghiệp còn là nơi cung cấp những mặt hàng nông thủy sản tươi sống thiết yếu như rau, hoa, sinh vật cảnh, thịt, trứng, sữa và thủy sản cho khu vực nội thị.

Quan trọng hơn là nghiên cứu, sản xuất và cung ứng nguồn giống mới chất lượng cao, các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại cho thành phố và các địa phương trong nước; tạo không gian xanh phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan, học tập, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của người dân TPHCM và khách du lịch, nhất là người dân ở khu vực nội thị; giữ cân bằng sinh thái và giảm thiểu tác động xấu do đô thị hóa, biến đổi khí hậu gây ra.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nong-nghiep-do-thi-hieu-qua-ung-dung-cong-nghe-cao-gan-ket-du-lich-post770169.html
Zalo