Nông nghiệp An Giang phát triển bền vững
Năm 2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của ngành, tiếp tục khẳng định vai trò 'trụ đỡ' nền kinh tế tỉnh.
Theo Sở NN&PTNT, năm 2024, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, diện tích xuống giống lúa năm 2024 tăng gần 13.000ha so cùng kỳ. Đồng thời, diện tích lúa chất lượng cao và nếp được mở rộng, cùng với giá lúa tăng đã cải thiện thu nhập cho nông dân. Với rau màu, diện tích gieo trồng đạt tương đương cùng kỳ năm 2023 và luân canh hợp lý, thay đổi chủng loại phù hợp thị trường. Các lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết.
Trong năm, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững. Bên cạnh, Sở NN&PTNT chú trọng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; chủ động dự báo, phòng, chống thiên tai, dịch hại nhằm đảm bảo sản xuất phát triển ổn định.
Đặc biệt, các chương trình, đề án lớn của ngành, như: Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh đang đi vào thực tiễn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai theo hướng thực chất, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
Những thành quả trên đã tiếp tục khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh do ngành phụ trách cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024 là 3,67%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch là 96,35%; có thêm 5 xã NTM, 5 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu...
Phát huy kết quả đạt được, Sở NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 4,80% trong năm 2025. Trong đó, dự kiến diện tích gieo trồng lúa khoảng 622.086ha, tăng khoảng 3.500ha so năm 2024; tăng thêm 40.000ha lúa chất lượng cao và nếp. Tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, tăng vòng quay sản xuất và trồng xen trong vườn cây ăn trái; dự kiến diện tích trồng mới cây ăn trái năm 2025 khoảng 500 - 1.000ha. Ngoài ra, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích trồng rau màu tăng 1.500ha so năm 2024.
Với lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục phát triển trang trại quy mô tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh để tăng hiệu quả kinh tế. Về lĩnh vực thủy sản, tiếp tục hoàn thiện, vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, đảm bảo số lượng giống cá tra chất lượng cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu; phấn đấu tăng diện tích nuôi cá tra lên 1.410ha, tăng sản lượng các loại cá khác khoảng 35.260 tấn. Đồng thời, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa An Giang trở thành trung tâm giống cá tra cấp vùng.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Sở NN&PTNT sẽ tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đúng theo lộ trình. Theo đó, sẽ đề nghị các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ban hành kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện cụ thể tại từng địa phương.
Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM. Lũy kế đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 87/110 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 79,09%.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu rau màu tại An Giang.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa - học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, từng bước tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện của từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi, nhất là những vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm tổn thất trong nông nghiệp…