Nông dân Yang Bắc trồng cây cào tăng thu nhập
Hơn 2 năm nay, nhiều hộ dân ở xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) có thêm nguồn thu nhập nhờ chuyển sang trồng cây cào cung cấp nguyên liệu cho việc ủ rượu ghè.
Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho biết: Rượu ghè là thức uống không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Bahnar. Hầu hết các hộ dân đều duy trì việc ủ rượu để sử dụng. Đặc biệt, bà con địa phương thường ủ rượu ghè từ hạt cào có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Trước kia, người dân thường trồng cây cào theo từng cụm dọc bờ suối và không áp dụng kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp. Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với UBND xã Yang Bắc triển khai dự án thâm canh cây cào và vận động người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cào theo hình thức tập trung và áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất.
“Tham gia dự án có 8 hộ với diện tích hơn 2 ha. Đến nay, người dân trong xã đã mở rộng diện tích cây cào lên gần 10 ha, trong đó, hơn 5 ha trồng tập trung cho năng suất 1,9 tấn/ha và gần 5 ha trồng nhỏ lẻ dọc các bờ suối với năng suất khoảng 6 tạ/ha. Nhờ đó, người dân không chỉ có nguyên liệu ủ rượu ghè phục vụ gia đình mà còn dư hạt cào để bán cho các cơ sở chế biến, đem lại thu nhập đáng kể”-ông Hvư cho biết.
Đặc biệt, năm 2023, UBND xã vận động Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Thịnh Phát (làng Jro Ktu Đak Yang) kinh doanh thêm dịch vụ ủ rượu ghè từ hạt cào và men lá tự nhiên. Ông Đinh Văn Nhoắc-Giám đốc HTX-cho hay: Hợp tác xã có 19 thành viên, trong đó, 6 thành viên nữ phụ trách việc làm men và nấu hạt cào để ủ rượu. Các thành viên nam phụ trách việc thu mua hạt cào và lên rừng lấy nguyên liệu về làm men.
“Mỗi năm, HTX thu mua hơn 5 tạ hạt cào của người dân với giá 50 ngàn đồng/kg. Từ số lượng nguyên liệu này, HTX nấu hơn 100 ghè rượu để bán ra thị trường. Đến tháng 12-2024, sản phẩm rượu ghè men lá của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là động lực để các thành viên tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và tạo việc làm cho người dân trên địa bàn”-ông Nhoắc khẳng định.

Chị Em và các thành viên HTX nông nghiệp và Dịch vụ Thịnh Phát tự làm men để ủ rượu ghè tự hạt cào nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Ảnh: N.H
Mở cho chúng tôi xem những ghè rượu do các thành viên HTX làm ra, chị Đinh Thị Em (làng Jun) chia sẻ: Tôi được phân công phụ trách việc tập hợp các thành viên nữ trong HTX để làm men lá tự nhiên và ủ rượu ghè. Đối với men rượu, chúng tôi tạo nên từ các nguyên liệu tự nhiên như: gạo, ớt, riềng và vỏ cây hyam để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nhờ tham gia HTX, tôi thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm từ bán hạt cào và từ lợi nhuận có được thông qua ủ rượu ghè bán ra thị trường.
Tương tự, bà Đinh Thị Lơr (cùng làng) cũng phấn khởi nói: Trước đây, bà trồng cây cào dọc các bờ suối với diện tích khoảng 1 sào. Vì không tưới nước cũng chẳng bón phân nên gia đình chỉ thu được khoảng 60 kg. Từ khi tham gia dự án, bà chuyển 3 sào mì sang trồng cây cào, mỗi năm 2 vụ. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vườn cào phát triển tốt và cho năng suất cao. “Ngoài trồng cây cào để bán, tôi còn tham gia HTX để có thêm tiền công từ việc ủ rượu ghè. Riêng đối với việc trồng cây cào, mỗi năm, tôi thu gần 9 tạ hạt. Với giá bán 50 ngàn đồng/kg, tôi lãi gần 40 triệu đồng”-bà Lơr cho hay.

Bà Đinh Thị Lơr (làng Jun) có thêm thu nhập nhờ trồng cây cào. Ảnh: N.H
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc: Việc canh tác cây cào cũng như nghề ủ rượu ghè từ hạt cào đã giúp người dân cải thiện thu nhập. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích để cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX. Cùng với đó, xã tiếp tục hỗ trợ HTX quảng bá sản phẩm rượu ghè truyền thống nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần gìn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống của người Bahnar.