Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cường dấu ấn tại Việt Nam

Thành tích mà Việt Nam đạt được trong những năm qua làm gia tăng niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư để tăng cường dấu ấn của mình, đóng góp vào phát triển nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Ông Ambrosio N. Barros, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam & Trưởng văn phòng Đa quốc gia Mekong, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD).

Ông Ambrosio N. Barros, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam & Trưởng văn phòng Đa quốc gia Mekong, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD).

Nông nghiệp là trung tâm của quá trình chuyển đổi.

- Ông Ambrosio N. Barros, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam & Trưởng văn phòng Đa quốc gia Mekong, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)

Sự chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam là một thành tựu lớn. Cuộc Đổi mới đầu tiên thành công vì đã trao quyền cho nông dân với tư cách là những người tạo ra sự thay đổi. Kỷ nguyên mới của Việt Nam ngày nay đòi hỏi sự hợp tác tương tự giữa Chính phủ, doanh nghiệp, nông dân và các đối tác phát triển.

Khi Việt Nam thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đầy tham vọng, nông nghiệp phải là trung tâm của quá trình chuyển đổi. Phần thưởng tiềm năng là rất lớn: một nền kinh tế nông thôn thịnh vượng, vị trí lãnh đạo toàn cầu trong sản xuất lương thực bền vững và tiến bộ liên tục hướng tới trạng thái thu nhập cao.

Sự lựa chọn đã rõ ràng. Bằng cách nắm bắt sự đổi mới và đảm bảo không có nông dân nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, Việt Nam có thể viết nên chương tiếp theo trong câu chuyện phát triển đáng chú ý của mình - một chương mà công nghệ, truyền thống và tính bền vững cùng phát triển.

Với sự hỗ trợ từ các đối tác như IFAD, nông dân Việt Nam có thể chuyển đổi thành những nhà lãnh đạo của một nền nông nghiệp thông minh với khí hậu, được trao quyền kỹ thuật số. Họ đã chứng minh khả năng nuôi sống đất nước, giờ đây với các công cụ và chính sách phù hợp, họ có thể tiên phong trong một phong trào toàn cầu hướng tới sản xuất lương thực bền vững, tạo tiền lệ cho các thế hệ tương lai. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một cảnh quan nông nghiệp kiên cường và thịnh vượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của ngày hôm nay, mà còn bảo vệ tương lai.

 Bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác FedEx Việt Nam và Campuchia.

Bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác FedEx Việt Nam và Campuchia.

Việt Nam là trung tâm thương mại đang phát triển ở Đông Nam Á.

- Bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác FedEx Việt Nam và Campuchia

Với vị trí chiến lược, Việt Nam được nhìn nhận là trung tâm thương mại đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi dự báo ngành logistics trong tương lai ngày càng ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng kết nối.

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành logistics. Khi nền kinh tế mở rộng, nhu cầu về dịch vụ logistics hiệu quả để phục vụ thương mại, thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng cũng tăng cao. Sự phát triển này đã thu hút nhiều khoản đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hạ tầng và năng lực logistics.

Bên cạnh đó, những cải cách về quy chế gần đây cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi hơn cho ngành logistics. Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như RCEP, giúp mở rộng thị trường, giảm rào cản thương mại và thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, gia tăng hoạt động logistics.

Năm 2025, FedEx sẽ đẩy mạnh hỗ trợ thị trường thương mại điện tử Việt Nam, tăng cường chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa quy trình vận chuyển, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng AI và machine learning.

Ông Chandan Singh, Tổng giám đốc Hitachi Energy Việt Nam.

Ông Chandan Singh, Tổng giám đốc Hitachi Energy Việt Nam.

Đẩy nhanh quá trình ra quyết định và giảm bớt rào cản hành chính.

- Ông Chandan Singh, Tổng giám đốc Hitachi Energy Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Để đạt được mục tiêu này, nhu cầu điện cần tăng gấp 1,5 lần (so với tăng trưởng GDP) hoặc thậm chí hơn nếu hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là về mặt lập pháp. Một trong những điểm đáng chú ý là ban hành Luật Điện lực (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2025. Những thay đổi trong các điều khoản về phát triển năng lượng tái tạo, thị trường điện cạnh tranh và tích hợp các nguồn năng lượng mới nhằm tăng cường khả năng thực thi và hiệu quả của luật, đảm bảo các chính sách phát triển điện phù hợp với các chính sách có liên quan khác và khuôn khổ pháp lý chung.

Ngoài cải cách lập pháp, Chính phủ đang tích cực tái cấu trúc hoạt động, hướng đến mục tiêu tạo ra một cơ cấu chính phủ hiệu quả và phản ứng nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình ra quyết định và giảm bớt các rào cản hành chính, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.

Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các khoản đầu tư CAPEX (đầu tư để mua lại, nâng cấp và duy trì các tài sản cố định) quy mô nhỏ để tăng cường dấu ấn của mình, đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam và các mục tiêu trung hòa carbon.

Bích Thủy - Thanh Tùng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-tiep-tuc-tang-cuong-dau-an-tai-viet-nam-d275111.html
Zalo