Nông dân vùng Cùa thu nhập khá từ cây riềng

Với chất đất phù hợp, cây sinh trưởng và kháng bệnh tốt, trong những năm gần đây, cây riềng được nông dân ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ đầu tư phát triển mạnh. Với giá thành và đầu ra ổn định, thời gian qua cây riềng đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân nơi đây.

Người dân thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, cắt tỉa củ riềng chuẩn bị bán cho thương lái - Ảnh: Đ.V

Người dân thôn Bảng Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, cắt tỉa củ riềng chuẩn bị bán cho thương lái - Ảnh: Đ.V

Có dịp đi qua các xã Cam Nghĩa, Cam Chính của vùng Cùa thời điểm này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng chứng kiến những vườn riềng xanh mướt mắt cao quá đầu người. Bén rễ với vùng đất đỏ ba dan nơi đây từ lâu, song cây riềng chỉ mới được người dân địa phương đầu tư phát triển mạnh trong khoảng 5 năm gần đây vì có đầu ra và giá bán ổn định. Ngoài ra, lý do để cây riềng được người dân mở rộng trồng là nhằm thay thế những diện tích sắn, hồ tiêu bị sâu bệnh kém hiệu quả và từ những vườn cây cao su già cỗi.

Ở thôn Bảng Sơn, ông Trần Ngọc Hiệp (56 tuổi) là một trong những người trồng riềng từ khá sớm và có chế độ chăm sóc tốt nên đạt sản lượng bình quân khá cao. Hiện nay ông Hiệp trồng khoảng 6 sào riềng thương phẩm. Sáng sớm, chúng tôi gặp vợ chồng ông Hiệp vừa thu hoạch củ và lá riềng trở về nhà.

Ông vui vẻ cho biết: “Mỗi sào riềng tôi trồng 400 bụi. Do tập trung chăm sóc tốt nên riềng của gia đình tôi đạt mỗi bụi bình quân 8 kg, tính ra mỗi sào được trên 3 tấn củ. Hiện nay giá bán cho thương lái tại nhà là 8.000 đồng/kg củ cắt tỉa sạch rễ, 7.000 đồng/kg củ mới nhổ lên. Tính ra mỗi sào có mức thu nhập trên 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. So với các loại cây trồng khác thì cây riềng có mức thu nhập khá cao và ổn định”.

Ngoài bán củ, theo ông Hiệp, lá riềng còn được làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò. Những bụi riềng tốt thì được nhân giống trồng lại.

“Tôi thấy cây riềng rất dễ trồng và thích hợp với chất đất nơi đây. Hầu như chỉ bón phân chuồng và không tốn công chăm sóc bao nhiêu. Cây lên tốt phủ bề mặt đất chống cỏ, chất tinh dầu đặc thù của cây cũng chống sâu bệnh rất tốt. Cây riềng sau một năm trồng là có thể thu hoạch”, ông Hiệp cho biết thêm.

Vài năm gần đây, gia đình ông Trần Triền ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, trồng hơn 2 sào riềng nhằm tạo thêm thu nhập. Ông Triền cho biết: “Cây sắn ở vùng Cùa thời gian gần đây bị bệnh khảm lá nặng, khó phục hồi, hiệu quả kinh tế kém nên người dân đã chuyển đổi sang trồng cây riềng giống địa phương trong khoảng 3 năm trở lại đây. Cây riềng ít chi phí đầu tư, dễ trồng, năng suất cao và giá khá tốt nên đã tạo thu nhập khá cho người dân.

Như gia đình tôi, dù không có thời gian chăm sóc nhiều nhưng cũng cho thu nhập trên 15 triệu đồng/sào”. Dù không phải nguồn thu chính nhưng thu nhập từ cây riềng đã giúp gia đình ông Triền cũng như nhiều gia đình khác ở thôn Mai Đàn trang trải tốt cho cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Hiền, trưởng thôn Mai Đàn cho biết những năm gần đây, người dân trong thôn đã dần chuyển đổi nhiều diện tích trồng sắn, hồ tiêu bị sâu bệnh và đất trồng màu kém hiệu quả qua trồng cây riềng. Đến nay có khoảng trên 30/100 hộ dân của thôn tham gia trồng riềng, diện tích từ 2 - 3 sào/hộ.

“Hiện nay, trồng riềng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với một số loại cây trồng khác. Trong bối cảnh nhiều loại cây trồng truyền thống đang gặp khó khăn thì hiệu quả từ cây riềng cũng là tín hiệu khả quan cho bà con ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà nước, các cấp, ngành cần quan tâm vấn đề đầu ra ổn định với giá thành tốt nhằm giúp người dân yên tâm canh tác để tạo thu nhập bền vững”, bà Hiền bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Lê Song Hào thông tin, cây riềng địa phương đã được người dân trồng từ lâu, chủ yếu dùng làm thực phẩm hoặc bán lẻ ở các chợ, nhưng khoảng 5 - 6 năm trở lại đây đã phát triển mạnh với diện tích lớn hơn.

Đến nay tổng diện tích cây riềng toàn xã đạt khoảng 15 ha, chủ yếu được người dân trồng trong vườn nhà với bình quân mỗi hộ trên 2 sào, hộ trồng nhiều thì 6 - 7 sào. Năng suất sau một năm trồng đạt khoảng 24 - 25 tấn/ha; nếu kéo dài đến 18 tháng mới thu hoạch thì đạt 38 - 40 tấn/ha.

Tại thôn Bảng Sơn, nhiều hộ dân đã chuyển một phần diện tích trồng cao su đã già cỗi, cây sắn, hồ tiêu bị bệnh và kém hiệu quả qua trồng riềng để tạo thêm nguồn thu nhập. “Đầu ra của riềng củ hiện tại khá ổn định với mức giá khá cao, nhờ đó tạo thêm nguồn thu nhập tốt cho người dân địa phương.

Song về lâu dài, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng ồ ạt vì thị trường biến động khó lường. Vì vậy địa phương có kế hoạch phát triển cây riềng chỉ trong khoảng 25 ha trở lại, không tăng thêm để ổn định cơ cấu cây trồng cũng như đảm bảo đầu ra, thu nhập ổn định cho bà con”, ông Hào cho biết.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-dan-vung-cua-thu-nhap-kha-tu-cay-rieng-193836.htm
Zalo