Nông dân trồng nấm chuẩn bị cho vụ tết

Những ngày cuối năm, tại các hộ trồng nấm ở Thanh Hóa, không khí làm việc trở nên hối hả hơn bao giờ hết. Người dân đang tập trung mọi công đoạn chuẩn bị để bảo đảm vụ nấm đạt chất lượng tốt nhất, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Mô hình trồng nấm của hộ nông dân tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa).

Mô hình trồng nấm của hộ nông dân tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa).

Nghề trồng nấm ở Thanh Hóa đã phát triển trong vài năm trở lại đây, không chỉ là hướng đi mới, mang lại thu nhập ổn định mà còn khẳng định giá trị trong cơ cấu kinh tế nông thôn. Người dân đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như rơm rạ, mùn cưa, bã mía để sản xuất nấm rơm, nấm sò, nấm hương, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Gia đình chị Lê Thị Lan, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) đã có hơn 5 năm kinh nghiệm trồng nấm. Vào vụ tết, chị Lan thường chuẩn bị hàng nghìn túi phôi nấm để sản xuất. Chị chia sẻ: “Tôi phải kiểm tra kỹ từng túi phôi, đảm bảo chúng được ủ ở nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Một túi phôi nếu bị lỗi có thể ảnh hưởng đến cả vụ trồng. Để nấm phát triển tốt, tôi sử dụng hệ thống nhà lưới kín, kết hợp thêm quạt thông gió và thiết bị đo độ ẩm...”. Nhờ đầu tư bài bản, mỗi vụ tết, gia đình chị Lan thu về hơn 50 triệu đồng từ bán nấm tươi.

Tại xã Thọ Vực (Triệu Sơn), ông Nguyễn Văn Hùng cũng tất bật chuẩn bị cho vụ tết với diện tích trồng nấm hương rộng 300m2. Theo ông Hùng, dịp tết là thời điểm tiêu thụ nấm mạnh nhất trong năm. Gia đình ông đã đầu tư hệ thống sưởi ấm bằng đèn hồng ngoại để duy trì nhiệt độ ổn định cho nấm phát triển trong những ngày rét đậm. Theo ông, nấm hương có giá trị kinh tế cao, thường dao động từ 180.000 - 200.000 đồng/kg vào dịp tết. Nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng ông có thể thu hoạch gần 500kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Gia đình anh Ngô Văn Chung, xã Đông Yên (TP Thanh Hóa) cũng đang tất bật hoàn thiện các công đoạn sản xuất nấm sò trắng phục vụ thị trường tết. Anh Chung chia sẻ, để có được những bịch nấm đạt chuẩn, cần trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng. Nguyên liệu chính là mùn cưa được trộn đều với 20 - 30kg vôi bột cho mỗi tấn, sau đó ủ kỹ để khử trùng và tạo môi trường phù hợp. Ngoài ra còn phải bổ sung dinh dưỡng gồm cám gạo, cám ngô và một ít đường trước khi đóng thành từng bịch nấm. Những ngày cận tết, để kịp tiến độ, anh Chung đã thuê thêm hai lao động địa phương hỗ trợ các công đoạn từ xử lý nguyên liệu đến thu hoạch. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, gia đình anh dự kiến thu về khoảng 40 triệu đồng từ vụ nấm tết.

Thị trường nấm trong dịp tết cũng trở nên sôi động tại chợ Vườn Hoa (TP Thanh Hóa). Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một quầy hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho biết, lượng khách đặt mua nấm trong dịp tết tăng gấp đôi so với ngày thường. Khách hàng hiện nay rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nấm trồng theo tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng hóa chất độc hại.

Hiện nay, người nông dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được những kiến thức mới về kỹ thuật trồng nấm, từ đó giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, như hệ thống tưới tự động, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm đã giúp nấm phát triển đồng đều, đồng thời hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Không chỉ chú trọng vào sản xuất, các hộ trồng nấm còn nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Điều này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp xây dựng thương hiệu nấm Thanh Hóa được người tiêu dùng tin tưởng. Tại các hội chợ, triển lãm nông sản, trong dịp tết... trở thành cơ hội lớn để các sản phẩm nấm Thanh Hóa tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

Thị trường tiêu thụ nấm không chỉ dừng lại ở phạm vi trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận và các thành phố lớn. Những sản phẩm nấm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng, nhất là trong những dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên đán.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-dan-trong-nam-chuan-bi-cho-vu-tet-236224.htm
Zalo