Nông dân trồng cà phê thành tỷ phú nhờ giá tăng cao kỷ lục

Nông dân trồng cà phê ở Việt Nam hưởng lợi khi giá cà phê xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

 Cà phê xuất khẩu đang có giá cao nhất trong nhiều thập kỷ. Ảnh: P.C.

Cà phê xuất khẩu đang có giá cao nhất trong nhiều thập kỷ. Ảnh: P.C.

Khi anh Nguyễn Anh Tuấn đi mua ôtô đầu năm nay, người nông dân này chỉ cho biết anh là chủ sở hữu 3 ha cây cà phê đã được người bán tự tin giao chìa khóa ôtô.

Sau đó, anh Tuấn lái xe về nhà và chỉ cần để lại một khoản cọc nhỏ, với lời hứa sẽ trả phần còn lại sau khi thu hoạch cà phê.

Tương tự, anh trai của Tuấn, vốn sở hữu 12 ha cà phê tại khu vực Tây Nguyên cũng vừa "tậu" cho mình một chiếc xe tải nhỏ, theo Bloomberg.

Giá cà phê cao kỷ lục

Nhờ giá cà phê tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ, những người nông dân trồng cà phê ở Việt Nam đang dần cải thiện cuộc sống sau khi phải trải qua mùa vụ thất thu năm ngoái do hạn hán. Không những bù đắp về doanh thu, cà phê còn được xem như một hình thức "tiền tệ mới".

"Những người nông dân coi hạt cà phê của họ như một loại tiền mặt để trao đổi. Họ dự trữ cà phê trong nhà và chỉ bán một lượng nhỏ khi cần tiền, giống như rút tiền mặt từ máy ATM", một người bán cà phê địa phương cho biết

Thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cà phê ở Brazil và Việt Nam - 2 quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Yếu tố này khiến giá cà phê tăng vọt trong năm qua.

Vào thời điểm kết thúc mùa vụ, lượng cà phê dự trữ toàn cầu được dự báo ở mức thấp nhất 25 năm. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu ngày một lớn trên toàn cầu.

Chi phí tăng cao cũng gây sức ép lên cả các doanh nghiệp rang xay cà phê và người tiêu dùng. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường bị gián đoạn, triển vọng về một cuộc sống tốt hơn lại đến với những người nông dân trồng cà phê.

Lần đầu tiên, ở vùng sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam như tỉnh Đắk Lắk, người dân lái ôtô phải nhích từng chút để di chuyển bởi lượng xe tăng đột biến.

Những vỉa hè bằng phẳng, các nhà hàng cao cấp cùng nhiều hàng quán cà phê mọc lên tại thành phố Buôn Ma Thuột chính là minh chứng rõ ràng cho sự giàu có và phát triển của khu vực.

"Cà phê không chỉ mang lại cho người nông dân cuộc sống ổn định mà còn giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của họ", ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Hạt cà phê Robusta thường được dùng để pha chế các loại đồ uống hòa tan và cà phê espresso, bởi hương vị đậm đà cùng hàm lượng cafein cao.

Khi lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu tăng lên, nhu cầu về loại hạt này đặc biệt tăng mạnh ở các thị trường châu Á mới nổi.

Tuy nhiên, chặng đường thành công của những người nông dân trồng cà phê không dễ dàng. Những người sành cà phê toàn cầu từ lâu đã ưa chuộng hương vị êm dịu và ngọt ngào hơn của hạt cà phê Arabica. Trước khi giá cà phê Robusta vượt mức 4.000 USD/tấn, thì trong nhiều năm trước đó, giá giao dịch mặt hàng này chỉ dưới 2.000 USD/tấn.

Một số nông dân đã phải chặt bỏ vườn cà phê để chuyển sang các loại cây ăn quả có lợi nhuận cao hơn.

"Tại Starbucks, họ vẫn nói rằng chỉ có Arabica mới là cà phê", ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết.

10 năm trước, mọi người đều nghĩ rằng Robusta không thể thay thế Arabica. Tuy nhiên, khi vừa trở về từ chuyến công tác gặp gỡ các khách hàng Mỹ quan tâm đến việc sử dụng Robusta trong cà phê ủ lạnh (cold brew), ông Huy cho rằng mọi thứ đều có thể xảy ra.

Đồng thời, ông Huy cũng bày tỏ lo lắng về mức thuế quan mà chính quyền Mỹ đưa ra gần đây. Hiện tại, ông đang thảo luận với người mua và nhà nhập khẩu để hiểu rõ hơn về các tác động có thể xảy ra trong tương lai. Tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày.

Simexco cho biết đang hợp tác cùng 40.000 nông dân với diện tích hơn 50.000 ha cây cà phê, chiếm 25% diện tích trồng toàn tỉnh. Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong với nỗ lực tập trung vào chất lượng hơn số lượng và biến cà phê Robusta thành sản phẩm cao cấp.

Thiếu hụt nguồn cung

Tình hình thời tiết thất thường đang khiến cây trồng trên toàn cầu gặp rủi ro. Dù cà phê Robusta được xem là loại hạt cứng hơn Arabica, biến đổi khí hậu vẫn là thách thức lớn đối với những người nông dân.

Hiện tại, người nông dân đã biết cách áp dụng mô hình canh tác cây sầu riêng, bơ đan xen với cà phê để tăng năng suất diện tích cây trông.

"Thời tiết luôn là rủi ro lớn nhất đối với khu vực này và giá cà phê Robusta tăng đột biến gần đây là do thời tiết xấu, kéo theo năng suất cây trồng kém hơn", Daryl Kryst, Phó chủ tịch phụ trách hàng hóa nông sản tại châu Á của StoneX Group Inc. (trụ sở tại Singapore) cho biết.

Với sự bất ổn của mùa màng, nông dân sẽ phải chủ động hơn trong việc quản lý diện tích trồng trọt để tăng hiệu quả, thông qua việc tưới tiêu tốt hơn hoặc sử dụng công nghệ.

Trong khi nông dân Đắk Lắk đang tận dụng tối đa việc giá cà phê tăng vọt, thị trường hạ nguồn đang gặp khó khăn.

Hong, một người bán cà phê vốn sở hữu 2 chiếc ôtô và một ngôi nhà 4 tầng lớn ở Buôn Ma Thuột cho biết năm nay, lượng cà phê thu hoạch rất khó để đáp ứng nhu cầu đặt hàng tăng vọt. Các thương nhân hiện chỉ mua được khoảng 60% số lượng cà phê mà họ cần.

Việc nông dân tích trữ cà phê cũng gây thêm áp lực lên nguồn cung và có thể làm giảm độ tin cậy của các bạn hàng đối với Việt Nam, với tư cách là một nước xuất khẩu nếu các hợp đồng không được thực hiện.

Một số siêu thị ở châu Âu đang ghi nhận tình trạng thiếu hụt cà phê khi các nhà bán lẻ phản đối việc tăng giá, trong khi các thương hiệu lớn như Nestle S.A. chủ động giảm khối lượng các gói cà phê của hãng. Đây là một chiến lược được gọi là "lạm phát thu nhỏ" (shrinkflation).

Tại Brazil, biến động của thị trường cũng khiến một số nhà xuất khẩu cà phê nộp đơn xin phá sản. Trong bối cảnh giá cà phê tương lai tăng vọt, các nhà giao dịch buộc phải đặt cọc số tiền lớn hơn tại sàn giao dịch. Điều này khiến một số người lâm vào cảnh khó có thể tài trợ cho các giao dịch vận chuyển hạt cà phê từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu giá cà phê có tiếp tục tăng hay không. Thuế quan Mỹ đang là một yếu tố bất lợi tiềm tàng, khi giá cà phê Robusta đã ngừng tăng từ đầu năm đến nay và thị trường chung cũng chứng kiến sự sụt giảm.

Hiện thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 6,2% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Do đó, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận định tác động thuế quan sẽ không quá nghiêm trọng.

“Nếu thế giới tiếp tục tiêu thụ cà phê như hiện tại, chúng ta có thể phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung trong năm tới", ông Hải nói thêm.

Hiện tại, vụ thu hoạch cà phê tại Việt Nam đang dần kết thúc. Vicofa dự báo sản lượng niên vụ 2024-2025 đạt khoảng 26,5 triệu bao, thấp hơn so với mùa vụ trước.

Một số nông dân cho biết sản lượng tại Đắk Lắk sẽ thấp hơn khoảng 5-10% so với vụ trước, do hạn hán trong giai đoạn sinh trưởng và mưa lớn vào đầu mùa thu hoạch.

Tuy nhiên, những người nông dân trồng cà phê vẫn lạc quan về một mùa vụ đầy hứa hẹn phía trước. Giai đoạn ra hoa đang diễn ra suôn sẻ ở nhiều vườn và nông dân kỳ vọng thời tiết năm nay sẽ bớt khắc nghiệt hơn.

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/nong-dan-trong-ca-phe-thanh-ty-phu-nho-gia-tang-cao-ky-luc-post1545281.html
Zalo