Nông dân, nhà hàng khắp thế giới lao đao khi ớt không còn cay
Tình trạng thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng trồng ớt trên khắp thế giới. Hương vị của ớt thậm chí không còn cay như trước.
Suốt 3 thế hệ, gia đình Ken Koh, chủ công ty Nanyang Sauce, luôn mua loại ớt đặc biệt ở Đông Nam Á để sản xuất các loại nước sốt. Song trong quý vừa qua, Koh buộc phải cắt giảm 25% sản lượng nước sốt ớt.
Không chỉ vật lộn tìm cách bổ sung hàng hóa cho các siêu thị địa phương, công ty của Koh cũng đã phải ngừng sản xuất bộ quà tặng đặc biệt gồm 3 loại nước sốt ớt mang tên “Hương vị của cuộc sống”.
Ớt không còn cay như trước
Theo Bloomberg, tình trạng biến đổi khí hậu đã trở thành kẻ thù của loại nông sản này. Thời tiết cực đoan trên các vùng trồng ớt lớn ngoài gây gián đoạn nguồn cung còn đẩy giá thành lên cao và thậm chí làm ớt mất đi vị cay đặc trưng.
Các nhà khoa học cho biết đây không phải là hiện tượng nhất thời mà có thể trở thành xu hướng dài hạn ảnh hưởng đến nhiều loại thực phẩm khác.
Dưới sự ảnh hưởng của khí hậu cực đoan, các loại cà phê sẽ trở nên đắng hơn, dừa mất đi vị ngọt do mưa thất thường trong khi nhiệt độ tăng làm giảm cả chất lượng lẫn số lượng bắp cải Napa - nguyên liệu chính cho món kim chi Hàn Quốc.
Ớt là loại gia vị phổ biến trên khắp thế giới. Hiện có khoảng 4.000 loại ớt với đủ loại màu sắc, kích thước và độ cay.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), ngành kinh doanh ớt có giá trị lên tới 9 tỷ USD/năm. Trong đó, khu vực châu Á chiếm gần 70% nguồn cung ớt toàn cầu.
Điều kiện khô nóng thường làm tăng độ cay của ớt. Song, tần suất thời tiết cực đoan như hạn hán và lũ lụt ngày càng dày đặc cũng làm thay đổi đặc tính của loại gia vị này.
“Khi cây ớt hấp thụ quá nhiều độ ẩm, nó tích tụ vào phần thịt của quả và khiến độ cay bị pha loãng”, Kraig Kraft, chuyên gia nông nghiệp ở Oregon (Mỹ), giải thích.
Bên cạnh đó, hạn hán và nhiệt độ cực đoan cũng có thể gây căng thẳng cho cây non, khiến chúng không thể ra hoa.
Điển hình, một đợt hạn hán nghiêm trọng ở Mexico năm nay đã gây thiếu hụt ớt jalapenõ, buộc Huy Fong Foods (chủ thương hiệu nước sốt cay Sriracha nổi tiếng) phải tạm ngừng sản xuất vào tháng 5.
Ở Trung Quốc, quốc gia trồng ớt lớn nhất thế giới, các cơn bão và lũ lụt cũng gây thiệt hại nghiêm trọng. Hồi tháng 10, giá bán buôn ớt đỏ hàng tháng đã đạt mức cao nhất trong 2 năm qua.
“Ớt rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào của thời tiết”, Karma Bhutia, nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp Trung tâm Dr. Rajendra Prasad ở Ấn Độ, cho biết nhiệt độ lý tưởng cho ớt thường là 25-30 độ C.
Cơn đau đầu với các nhà hàng
Các nhà khoa học đang phát triển các giống ớt mới chịu được biến đổi khí hậu và bệnh dịch. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở việc giữ được hương vị đặc trưng.
“Khi những giống ớt này biến mất, bạn không thể tái tạo được hương vị ban đầu. Bạn có thể thay thế bằng thứ khác, nhưng nó không giống nhau”, Jorge Berny, chuyên gia nông nghiệp tại Yucatan (Mexico), chia sẻ.
Việc ớt giảm độ cay cũng buộc bếp trưởng tại các nhà hàng phải điều chỉnh cách thức chế biến món ăn.
Daniel Sia, bếp trưởng tại The Coconut Club Singapore, cho biết nhà hàng đang mua ớt nhiều hơn 20% so với mọi năm để đảm bảo hương vị món ăn.
“Đôi khi bạn phải thêm nhiều ớt hơn, đôi khi phải thay đổi cách pha trộn. Tất cả phụ thuộc vào việc điều chỉnh hương vị sao cho đúng với yêu cầu”, Sia nói.
Trong khi đó tại nhà hàng Thái Lan Un-Yang-Kor-Dai, bếp trưởng Chitsanucha Tanawong cho biết đôi khi ông phải kết hợp nhiều loại ớt khác nhau để đạt được độ cay mong muốn.
“Tôi phải trộn với một số loại ớt khác. Nếu không, cả bát súp này sẽ chỉ toàn là ớt”, Tanawong chỉ vào bát tom yum, một loại súp chua cay nấu với sả, cà chua và tôm.
Trước sự ảnh hưởng của đợt lũ lụt gần đây, nhà hàng này cũng phải trả thêm ít nhất 0,75 USD cho mỗi kg ớt.