Nông dân làng bưởi làm du lịch
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, ẩm thực và các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh để khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững.
Dựa trên những thành quả trong xây dựng nông thôn mới với hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, vùng chuyên canh cây bưởi, món đặc sản làm nên thương hiệu bưởi Tân Triều trứ danh của Đồng Nai, cùng những giá trị về văn hóa cộng đồng địa phương…, làng bưởi Tân Triều đang có sự chuyển mình từ vùng đất thuần nông sang làm nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái độc đáo.
Đón khách bằng sự mộc mạc, chân phương
Giữa tháng 11-2024, nông dân làng bưởi Tân Triều đã đón đoàn khách du lịch quốc tế là những sinh viên đến từ Singapore. Căn nhà nhỏ giữa vườn bưởi xanh mướt của gia đình ông Sáu Phẩm trở nên nhộn nhịp khác hẳn sự tĩnh lặng ngày thường khi đón đoàn khách hơn 40 người. Vừa hào hứng, vừa bối rối tiếp đoàn khách, ông Sáu Phẩm hết lấy thêm bưởi, lại rót thêm trà và giải đáp những câu hỏi của du khách về sản xuất nông nghiệp sạch với những câu chuyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch bưởi sạch.
Du khách vừa thưởng thức nông sản do người dân làm ra, vừa lắng nghe những câu chuyện làm vườn và thưởng thức không gian vùng quê bình yên và ngắm nhìn những hàng bưởi đặc sản Tân Triều sai trĩu quả.
Chia sẻ về cảm giác lần đầu đón khách du lịch nước ngoài, ông Sáu Phẩm khá hồi hộp và bối rối vì chưa có những kỹ năng làm dịch vụ du lịch. Ông Sáu Phẩm cho biết, gia đình ông lâu nay chỉ quen làm nông nghiệp truyền thống, chưa từng đón khách du lịch tới tham quan. Tuy nhiên, khi thấy du khách sử dụng sản phẩm của mình và quan tâm đến những câu chuyện làm nông nghiệp, ông Sáu Phẩm cảm thấy hào hứng và tự tin hơn.
Ông Sáu Phẩm chia sẻ: “Vườn bưởi của gia đình tôi là vườn bưởi sạch nên bảo đảm sức khỏe. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ được tập huấn những kỹ năng làm du lịch để có thể tự tin đón khách du lịch, nhất là du khách quốc tế”.
Kỳ vọng vào sự phát triển du lịch tại địa phương trong thời gian tới, nông dân làng bưởi Tân Triều Ngô Văn Sơn cho rằng, nếu mô hình du lịch cộng đồng phát triển, người dân sẽ có thêm kênh quảng bá, tiêu thụ và nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương. Đây là điều mà nhiều bà con mong muốn để bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Theo ông Sơn, trước đây, bà con làm nông nghiệp chỉ để mua bán, có thu nhập từ nông sản đơn thuần. Do đó, khi làm du lịch, nếp sinh hoạt của bà con phải chỉn chu hơn, có kỹ năng đón tiếp khách tới nhà. Để làm được những điều này, theo ông Sơn, bà con rất cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan có chính sách đào tạo, tập huấn kiến thức làm du lịch cho nông dân.
Theo tiến sĩ Dương Đức Minh, Tân Triều đang hướng đến chuyển đổi xanh trong sản xuất, hướng đến ngành du lịch xanh. Đây là hướng phát triển kinh tế bền vững, đòi hỏi nông dân, chính quyền địa phương cũng như các bên liên quan khác phải có sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm.
Nâng tầm giá trị văn hóa, nông sản địa phương
Để đồng hành cùng bà con xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng địa phương, UBND huyện Vĩnh Cửu đang xây dựng giải pháp nhằm quảng bá giá trị nông nghiệp, văn hóa địa phương đến với du khách.
Bên cạnh phối hợp với các sở, ngành và đơn vị tư vấn xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu cho nông dân, huyện Vĩnh Cửu còn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tại địa phương và tham gia các sự kiện du lịch, ẩm thực trong và ngoài tỉnh.
Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Vĩnh Cửu Trương Thị Ngọc Anh cho biết, huyện đang xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Hương bưởi Tân Triều năm 2025. Lễ hội sẽ góp phần bảo vệ và phát huy thương hiệu bưởi Tân Triều của người nông dân. Đây là dịp để duy trì, phát triển nét văn hóa truyền thống, đẩy mạnh hoạt động kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương với du khách trong và ngoài nước.
Chị Nguyễn Minh Như, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết lần đầu tiên đến Tân Triều, chị thấy được sự phát triển của làng quê nhưng vẫn đan xen với nét truyền thống. Du khách được tiếp xúc trực tiếp với người dân. Đây là trải nghiệm đặc biệt không phải bạn sinh viên nước ngoài nào khi qua Việt Nam cũng có được. Du khách được ăn đồ ăn người dân chuẩn bị, được trò chuyện với lão nông trăm tuổi, già nhất làng bưởi là những trải nghiệm rất đáng nhớ với mỗi du khách.
“Tôi mong rằng, du lịch Tân Triều ngày càng phát triển và trở thành điểm đến đặc trưng nổi tiếng của Đồng Nai” - chị Như chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị chuyên tư vấn xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng địa phương, cho biết khi đến với làng bưởi Tân Triều, du khách cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân. Đó là một trong những tình cảm cũng như chất liệu về mặt nghệ thuật đón tiếp và kỹ năng đón tiếp phù hợp trong triển khai các hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn.
Theo ông Minh, khi đến với làng bưởi, du khách khá ngỡ ngàng với cách thức người nông dân đã tạo nên những vườn bưởi xanh tươi, theo định hướng sạch, hữu cơ. Đó là những chất liệu để người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm bưởi Tân Triều. Cảnh quan hữu tình, người dân nồng hậu chính là cơ sở để Tân Triều có thể hình thành nên những sản phẩm du lịch “gây thương nhớ” cho du khách khi đến với làng bưởi Tân Triều.
Điểm khác biệt của vườn bưởi Tân Triều với những nơi khác là sự gắn liền với hệ sinh thái cây trồng lâu năm. Có những vườn bưởi cổ như vườn bưởi của nông dân Năm Huệ với việc thu thập gần 10 loại giống bưởi cổ khác nhau. Nơi đây như một trung tâm bảo tồn những loại gen về bưởi, nghĩa là trong ý thức của người dân đã có cách thức gìn giữ những kiểu gen truyền thống.
Sự khác biệt thứ 2 là không gian văn hóa dòng họ. Ngoài văn hóa nông thôn thì văn hóa dòng họ cũng rất thú vị, có đặc trưng rất riêng so với văn hóa dòng họ ở khắp nơi trên đất nước. Ở Tân Triều có hệ thống sông nước bao quanh, đây cũng là yếu tố để có thể tính đến bài toán xa hơn là kết nối, phát triển những tour du lịch trên sông, du khách có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn hơn, thú vị hơn.
Trong tương lai, Đồng Nai có Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đây là cơ hội mới để du lịch Đồng Nai có thể cất cánh, trong đó kỳ vọng đón khách quốc tế. Lâu nay, khách quốc tế đến rất nhiều điểm nhưng lại bỏ quên Đồng Nai, bỏ quên Biên Hòa và bỏ quên cả làng bưởi Tân Triều, Vĩnh Cửu; khách nội địa đến Tân Triều chủ yếu chỉ để chụp ảnh. Đơn vị tư vấn đang cố gắng có những kết nối tốt hơn để du khách có những trải nghiệm gần gũi nhất, đặc sắc nhất. Vấn đề là phải sắp xếp lại để “mộc” nhưng không “thô”, mà phải tinh hoa và chất lượng.