Những phong tục 'kỳ quặc' nhất thế giới
Với gần 4.000 nền văn hóa khác nhau, trái đất đầy những điều kỳ diệu và đôi khi thứ bình thường với nền văn hóa này lại có thể là điều bất thường đối với phần còn lại của hành tinh. Có rất nhiều kiểu phong tục, tập quán được gìn giữ, tuy nhiên có một số phong tục “kỳ quặc” khiến chúng ta phải “bối rối”.
NGÀY “THỤ THAI”
Chính quyền thành phố Ulyanovsk ở Nga, cách thủ đô Moscow 893km đã đưa ra một sáng kiến độc đáo để chống lại tình trạng giảm dân số.
Được biết, công nhân ở Ulyanovsk mỗi năm sẽ được nghỉ làm vào ngày 12/9 để họ có thể ở nhà "làm việc" nhằm giúp gia tăng dân số. Chính quyền thành phố đã gọi ngày 12/9 là ngày “Thụ thai”.
Theo đó, Chính phủ Nga hiện vẫn đang thực hiện chính sách thúc đẩy dân số. Công dân nước này sinh con thứ 2 trở lên đều được hưởng trợ cấp sinh đẻ với số tiền tương đối cao.
NẰM ĐỂ THỂ HIỆN SỰ TÔN TRỌNG
Người Yoruba là một dân tộc sống ở phía tây nam Nigeria và nam Bénin ở Tây Phi. Có tổng cộng 35 triệu người Yoruba, phần lớn sống ở Nigeria, tạo thành 21% dân số nước này.
Đây là một trong số những dân tộc lớn nhất châu Phi. Phần lớn người Yoruba nói tiếng Yoruba, thuộc ngữ hệ Niger-Congo. Người Yoruba sống cạnh người Borgu ở Benin; người Nupe và người Ebira ở trung Nigeria; người Edo, Esan và Afemai ở trung tây Nigeria. Người Igala và các dân tộc liên quan khác sống ở phía đông bắc, người Egun, Fon và các dân tộc khác sống ở phía đông nam Benin.
Ở bộ tộc Yoruba của Nigeria, theo phong tục, bạn phải quỳ trước người lớn tuổi để thể hiện sự tôn trọng. Phụ nữ thường quỳ khi chào hỏi và đàn ông sẽ nằm phủ phục để thể hiện sự tôn trọng.
CẤM CÔ DÂU, CHÚ RỂ... “ĐI VỆ SINH” SAU ĐÁM CƯỚI
Người Tidong (hay còn gọi Tidung) là một nhóm dân tộc bản địa sinh sống ở đông bắc đảo Borneo và các đảo nhỏ xung quanh. Người dân thuộc tộc người này sống chủ yếu ở biên giới giữa Malaysia và Indonesia.
Cho đến nay, cộng đồng Tidong vẫn giữ được nhiều nét văn hóa và trang phục truyền thống đẹp mắt. Tuy nhiên, điều khác lạ trong đám cưới của người Tidong khiến những ai chưa biết sẽ phải “mắt tròn - mắt dẹt”.
Theo đó, cô dâu và chú rể mới cưới người Tidong không được đi vệ sinh trong 3 ngày. Tục lệ này được người Tidong coi trọng và lưu giữ qua nhiều năm.
Người Tidong tin rằng, những người làm trái với điều này có thể khiến hôn nhân đổ vỡ, hiếm muộn hoặc con cái yểu mệnh. Theo đó, để các cặp đôi vượt qua thử thách, sẽ có người được giao theo dõi và chỉ cho cô dâu, chú rể ăn, uống một lượng tối thiểu. Sau 3 ngày, cô dâu chú rể mới được tắm.
ĂN TRO CỐT NGƯỜI CHẾT
Bộ lạc Yanomami nằm ẩn sâu trong rừng rậm Amazon, ở biên giới giữa Venezuela và Brazil là một trong những bộ lạc bí ẩn nhất thế giới với dân số khoảng 20.000 người.
Sau hơn 30 năm, bộ lạc này vẫn sống hoang dã như tổ tiên của họ, không liên lạc với thế giới bên ngoài và còn duy trì nhiều tập tục “kỳ quặc”. Trong đó, điển hình là tập tục ăn tro cốt người chết, nhốt thiếu nữ đến tuổi trường thành vào lồng nhỏ trong một tháng…
Theo đó, người Yanomami cho rằng, con người dù chết đi nhưng linh hồn vẫn còn mãi. Vậy nên họ tìm cách bảo vệ phần xác để linh hồn được an lòng đi chuyển kiếp khác.
Khi một người qua đời, người đàn ông có uy tín nhất trong bộ lạc sẽ thực hiện nghi thức tắm rửa sạch sẽ cho họ bằng nước đun từ lá rừng, lau sạch mọi vật dụng sinh hoạt khi còn sống. Sau đó, xác sẽ được đặt trên một giàn củi khô, người thực hiện nghi lễ tiến hành châm lửa để hỏa táng và có nhiệm vụ trông coi lửa suốt ngày đêm cho đến khi mọi thứ hóa thành tro.
Khi tro nguội, họ tiếp tục mang đi giã nhuyễn tất cả thành một loại bột mịn, lưu giữ trong những quả bầu khô và đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà của người đã khuất. Đáng nói, khoảng 1 năm sau khi hỏa táng, người Yanomami sẽ đem tro cốt người chết ra chế biến thành nhiều món ăn hoặc làm gia vị thêm vào các món khác, trong đó món chính là súp chuối.
Một phần tro còn lại sẽ được cho vào một ống tre dài, một người thổi mạnh, người còn lại hít sâu vào trong mũi. Tuy nhiên, trong trường hợp người chết do bị kẻ thù tấn công, chỉ có phụ nữ mới ăn tro cốt đó.
BUFFET CHO KHỈ
Bữa tiệc cho khỉ (Monkey Buffet Festival) là một lễ hội và sự kiện được tổ chức hàng năm ở Lop Buri, tỉnh Lopburi, Thái Lan từ năm 2007. Tại đây, người ta sẽ tổ chức chiêu đãi cho những con khỉ hoang một bữa ăn thỏa thuê, từ đó quảng bá cho du lịch Thái Lan.
Thành phố Lop Buri cách Bangkok khoảng 150km về phía bắc, trải qua nhiều vương triều khác nhau nên còn rất nhiều phế tích đền đài. Nhưng điều thú vị thu hút du khách đến thành phố này là hàng nghìn chú khỉ sống tự do khắp thành phố.
Ở Lop Buri, khỉ được tự do lang thang khắp nơi, được cấp đồ ăn, thức uống và thoải mái trêu chọc du khách. Khỉ ở đây được nhà nước bảo vệ, người dân không được tấn công hay đánh đuổi chúng. Chúng được cho ăn hàng ngày tại 3 khu vực, nhưng vẫn thường tự kiếm ăn bằng cách... ăn trộm đồ của người dân
Một trong những nỗ lực để thu hút khách du lịch của tỉnh Lopburi là tổ chức tiệc buffet hoa quả thịnh soạn cho những con khỉ ở đây cuối tháng 11 hàng năm. Hàng năm cứ vào chủ nhật cuối cùng của tháng 11, hàng nghìn chú khỉ lại tập trung tại đền Pra Prang Sam Yot, thuộc tỉnh Lopburi, Thái Lan để được ăn thỏa thích trong lễ hội buffet.
Ước tính, có khoảng 4 tấn hoa quả các loại được sử dụng trong bữa tiệc này gồm có: Chuối, táo, nho, na cùng nhiều loại đồ uống khác nhau như nước hoa quả, Coca, sữa, nước khoáng... Bữa tiệc của đàn khỉ bắt đầu từ 10 giờ sáng.
Sau khi khai mạc, hoa quả và các món tráng miệng cùng đồ uống, nước giải khát sẽ được bày trên những chiếc bàn xung quanh ngôi đền và hàng nghìn chú khỉ sẽ cùng nhau kéo đến “đánh chén” một cách ngon lành. Khách du lịch rất thích thú khi được cho đàn khỉ ăn, một số người còn trêu đùa, chụp ảnh với chúng để lưu lại những khoảnh khắc khó quên.
CÕNG VỢ ĐANG MANG THAI QUA THAN HỒNG
Ở Trung Quốc, đi trên than nóng là một trong những phong tục truyền thống cổ xưa. Người ta quan niệm rằng, nếu như đi chân trần trên than nóng thì sẽ gặp may mắn, tránh điều dữ.
Theo quan niệm của người Trung Quốc thời xưa, khi người vợ mang thai, chồng sẽ cõng hoặc bế vợ trong khi đi chân trần trên than hồng. Người chồng làm như vậy vì tin rằng, nó sẽ giúp người vợ sinh con thuận lợi, mẹ tròn con vuông. Thêm nữa, người vợ sẽ bớt đau đớn hơn khi chuyển dạ.
Ngoài ra, nam giới Trung Quốc thời xưa cũng đi trên than hồng để được các vị thần ban cho may mắn. Người ta tin rằng, khi một người đàn ông đi chân trần trên than nóng thì sẽ được thần linh bảo vệ khỏi các thế lực hắc ám, điều xui xẻo.
Họ cũng sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống khi đi trên than hồng. Thậm chí, người xưa còn quan niệm việc đi chân trần trên than nóng không chỉ đem đến những điều tốt đẹp cho người thực hiện nó mà còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
"LÀM ĐEN" CÔ DÂU
Blackening là một phong tục cưới truyền thống được thực hiện trong những ngày hoặc tuần trước lễ cưới ở các vùng nông thôn của Scotland và Bắc Ireland.
Theo đó, cô dâu (hoặc chú rể) bị bạn bè và gia đình "bắt cóc", phủ đầy thức ăn hoặc nhiều chất khác - tốt nhất là chất kết dính - sau đó diễu hành công khai để cộng đồng nhìn thấy. Thông thường, cặp đôi được chở trên thùng xe tải mui trần, kèm theo tiếng va chạm, tiếng đập của nồi và chảo do "những kẻ bắt cóc" thực hiện.
Không có quy tắc nghiêm ngặt nào liên quan đến hành động “làm đen”, chỉ có điều là cặp đôi phải bị bẩn, khó chịu và càng nhiều người càng tốt phải chứng kiến sự kiện này. Việc “làm đen” chủ yếu diễn ra ở các vùng nông thôn đông bắc Scotland, vùng Cao nguyên và Quần đảo phía Bắc.
Nguồn gốc của phong tục này không rõ ràng, tuy nhiên, nhà nghiên cứu - Tiến sĩ Sheila Young thuộc Viện Elphinstone, Đại học Aberdeen đã chỉ ra rằng nó phát triển từ một nghi lễ trước đó của Scotland được gọi là rửa chân.
ĐỪNG ĐẾN ĐÚNG GIỜ
Người Venezuela tôn trọng sự lãnh đạo và là những người khoan dung - yêu thương.
Gia đình và bạn bè mở rộng rất quan trọng và người ta nên tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến họ xấu hổ. Tầng lớp thượng lưu thống trị các cấu trúc kinh tế của thương mại và công nghiệp, nhưng tầng lớp trung lưu thống trị chính trị.
Mọi người gắn bó về mặt tình cảm với nhà thờ (96% theo Công giáo La Mã), điều này mang lại cho họ cảm giác ổn định, nhưng tôn giáo không phải là một thế lực mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày. Người Venezuela rất tự hào về thực tế là quyền tự do tôn giáo được đảm bảo bởi hiến pháp của họ.
Ở Venezuela, nếu bạn đến đúng giờ trong cuộc hẹn, hành động đấy sẽ bị coi là thô lỗ, hiếu thắng và bất lịch sự. Thay vào đó, bạn nên đến trễ ít nhất 15 phút so với thời gian đã được lên kế hoạch.
CUỘC CHIẾN ẨM THỰC
La Tomatina là một lễ hội được tổ chức hằng năm tại tỉnh Valencian, thị trấn Bunõl, phía đông Tây Ban Nha, cách Địa Trung Hải khoảng 30kilômét, trong đó mọi người sẽ tham gia ném cà chua và tham gia vào một "cuộc chiến" hoàn toàn vì mục đích giải trí. Kể từ năm 1945, lễ hội được tổ chức vào ngày thứ Tư cuối cùng của tháng 8.
Các sự kiện trong những ngày trước "cuộc chiến" bao gồm cuộc thi paella gần quảng trường của thị trấn, pháo hoa, các chương trình âm nhạc và các cuộc diễu hành khác nhau quanh trung tâm thành phố. Vào sáng thứ Tư, sự kiện đầu tiên trước "cuộc chiến" cà chua là “Palo Jabón”, tâm điểm là một greasy pole với một miếng giăm bông ở trên cùng. Mục đích là để những người tham gia leo lên cột và làm cho miếng giăm bông rơi xuống, điều này khiến họ phải trèo lên nhau. Trong nỗ lực này, những người nổi tiếng khác sẽ hát, nhảy theo vòng tròn và tất cả những người tham gia đều được dội nước từ vòi. Khi giăm bông rơi xuống, "cuộc chiến" cà chua bắt đầu.
Thông thường, "cuộc chiến" kéo dài khoảng 1 giờ, với hơn một tấn cà chua được tung ném trên các đường phố. Sau đó, quảng trường thị trấn bị bao phủ bởi những mảnh cà chua. Xe cứu hỏa sau đó phun nước xuống đường và những người tham gia thường sử dụng vòi mà người dân địa phương cung cấp để rửa sạch cà chua. Một số người tham gia đến hồ bơi Los Penõnes để tắm rửa.
NGÀY LỄ... CHUỘT CHŨI
Ngày lễ Groundhog được tổ chức vào ngày 2/2 và quy định rằng nếu một con groundhog (một loài gặm nhấm có vú học Sóc) xuất hiện sau thời kỳ ngủ đông để nhìn thấy bóng của nó và rút lui, thì 6 tuần nữa của mùa đông sẽ đến. Truyền thống này có thể có nguồn gốc từ châu Âu và trùng với ngày lễ Candlemas của Cơ đốc giáo.
Theo truyền thuyết dân gian Bắc Mỹ, nếu một con chuột chũi chui ra khỏi - hoặc bị dụ ra khỏi - hang ổ của nó, nơi nó đã ngủ đông một cách mơ màng, vào ngày 2/2 (khoảng giữa ngày đông chí và xuân phân), sau đó nhìn thấy bóng của nó và sau đó rút lui vào hang ổ của nó là báo trước 6 tuần thời tiết mùa đông nữa. Theo đó, không có bóng xuất hiện có nghĩa là một mùa xuân đến sớm.
Ngày Groundhog được chính thức công nhận tại Mỹ vào cuối những năm 1800 và được phổ biến tại Punxsutawney, Pennsylvania, thông qua phương tiện truyền thông. Như nhiều thập kỷ kể lại, nếu chú Groundhog Punxsutawney nổi tiếng nhìn thấy bóng của mình vào ngày 2/2, sẽ có thêm 6 tuần mùa đông nữa; nếu không, sẽ có một mùa xuân sớm.
Nhiều du khách khi lần đầu tham dự lễ hội này không khỏi ngạc nhiên và bối rối vì họ cho rằng ngày lễ này thật... vô lý.