Sẽ thiếu thuốc Concerta điều trị rối loạn tăng động
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương thông báo về khả năng thiếu tạm thời thuốc Concerta tại thị trường Việt Nam.
Concerta là thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn tăng động thiếu tập trung – ADHD, có tác dụng chủ yếu giúp tăng khả năng chú ý, tập trung vào một hoạt động và kiểm soát các vấn đề về hành vi, cũng có thể giúp cải thiện kỹ năng lắng nghe.
Công văn do ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam) thông báo về khả năng thiếu tạm thời thuốc Concerta (Methylphenidat hydroclorid 18mg, 001112785824) vào tháng 1, 2 và tháng 6 -10/2025 do nhu cầu trên toàn cầu tăng lên, vì một số yếu tố kết hợp như việc phê duyệt chỉ định mới, việc hạn chế nguồn nguyên liệu và năng lực sản xuất, phân bổ thuốc này.
Hiện, nhà sản xuất đang thực hiện nâng cao năng lực sản xuất, nỗ lực đáp ứng nhu cầu thuốc trên toàn cầu. Hiện đã có 6 thuốc chứa hoạt chất Methylphenidat hydroclorid được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực.
Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám chữa bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị Công ty TNHH Johnson & Johnson (Việt Nam) phối hợp với nhà sản xuất tăng cường hoạt động sản xuất để đảm bảo nguồn cung của thuốc Concerta, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc.
Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc trên địa bàn liên hệ với các cơ sở sản xuất thuốc có chứa hoạt chất Methylphenidat hydroclorid để tìm thuốc thay thế, có kế hoạch cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị.
Sở Y tế địa phương cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn chủ động liên hệ với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm (bao gồm cả các biện pháp chủ động thay thế thuốc khi nguồn cung hiện tại bị thiếu hụt) nhằm đảm bảo kịp thời có đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.
Các bệnh viện chủ động liên hệ với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm (bao gồm cả các biện pháp chủ động thay thế thuốc khi nguồn cung hiện tại bị thiếu hụt) nhằm đảm bảo kịp thời có đủ thuốc cho nhu cầu điều trị.