Nông dân khẩn trương gieo trồng vụ rau mới

Sau ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đang khẩn trương gieo trồng vụ rau mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các địa phương chủ động xây dựng phương án sản xuất bảo đảm đủ số lượng, chất lượng giống cây trồng (ngô, rau màu, cây ăn quả...) cung ứng kịp thời cho sản xuất.

Nông dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) chăm sóc lứa rau mới.

Nông dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) chăm sóc lứa rau mới.

Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) tập trung làm đất, chuẩn bị trồng rau mới. Trước đó, khoảng 7 sào rau cải, cà chua, củ cải… của gia đình chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì bị ngập, hỏng toàn bộ, ước tính thiệt hại 30-40 triệu đồng... “Gia đình tôi đang huy động nhân lực khắc phục hậu quả, vệ sinh đồng ruộng, khơi thông rãnh thoát nước, xới xáo nhẹ mặt luống, kịp thời xuống giống trồng, chăm sóc hơn 2 sào rau cải; trồng gối vụ các loại rau khác. Dự kiến 20-25 ngày tới có thể thu hoạch, nếu thuận lợi, gia đình sẽ thu hoạch 6-7 tạ rau/sào”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, xã Tráng Việt có khoảng 325ha trồng rau, riêng thôn Đông Cao hơn 200ha trồng rau an toàn. Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu của bão, hơn 100ha rau màu của nông dân bị đổ, dập nát, hỏng… Hiện nước rút, đồng ruộng khô ráo, nông dân thôn Đông Cao khẩn trương phục hồi diện tích rau màu, khôi phục sản xuất. Thành viên hợp tác xã đã khôi phục được khoảng 20-25ha diện tích rau màu các loại.

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho biết, sau bão số 3, các hộ nông dân vùng trồng rau an toàn trên địa bàn đã tập trung làm đất, thu dọn vệ sinh đồng ruộng, gieo trồng cây vụ đông. Đây là vụ sản xuất chính trong năm. Tranh thủ quãng thời gian này, thời tiết ủng hộ, nông dân lựa chọn giống rau ngắn ngày thích hợp, kịp thời gieo trồng vụ rau mới, hy vọng sẽ tăng sản lượng, bù lại thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, tính đến ngày 22-9, toàn thành phố Hà Nội đã gieo trồng được 802,2ha cây vụ đông, sớm đạt 2,76% kế hoạch; trong đó, ngô 103,6ha, rau 521,3ha, cây gia vị 4ha, cây dược liệu 12,2ha… Nhằm khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt do bão số 3 gây ra, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông năm 2024.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, toàn thành phố gieo trồng 29.000ha. Để khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ đông lên khoảng 40.000ha. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nông dân các vùng chuyên canh rau lớn của Hà Nội đang tích cực xuống giống vụ rau mới, chỉ 20-25 ngày nữa, Hà Nội sẽ có sản lượng rau lớn, cung ứng cho người tiêu dùng…

Nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, đối với diện tích đã thu hoạch, các ruộng đã tiêu úng, các xã vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, mở rộng diện tích gieo cấy cây trồng vụ đông năm 2024 lên 726ha. Theo đó, các địa phương chủ động triển khai thực hiện tốt chiến dịch nạo vét kênh mương, tu sửa công trình thủy lợi được giao quản lý, xây dựng phương án chống hạn, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho vụ đông xuân 2024-2025…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch nhanh, gọn lúa, rau màu vụ mùa đến thời kỳ thu hoạch để giải phóng đất trồng cây vụ đông, đặc biệt đối với nhóm cây ưa ấm (cây ngô, đậu tương, lạc, bầu, bí, khoai lang...). Theo đó, với những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi sau khi nước rút, nông dân cần tiến hành thu gom cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy. Bên cạnh đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân cần chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại rau ngắn ngày, rau ưa nước, kịp thời cung cấp cho thị trường khi giáp vụ.

Với vùng chuyên rau, màu, các địa phương cần khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét mương, rãnh thoát nước; sau khi nước rút vệ sinh ngay đồng ruộng, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng tránh nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào và dông là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Do đó, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình gây hại của chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn; hướng dẫn người dân chăm sóc rau màu và cây trồng khác, bón thúc, vun xới, bảo đảm tưới tiêu phù hợp để cây trồng sinh trưởng thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các địa phương nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến khích người dân gieo trồng vụ đông; phát triển các chuỗi liên kết giá trị, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhất là rau, quả tươi tại vùng chuyên canh; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kịp thời cung ứng các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trái với quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng cho sản xuất vụ đông…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nong-dan-khan-truong-gieo-trong-vu-rau-moi-679017.html
Zalo