Nông dân kể chuyện làm hệ thống thoát nước vườn sầu riêng
Cát Tiên 2, xã mới gắn với những tên gọi thân thuộc Phước Cát, Đức Phổ, nơi có những vườn cây ăn trái sum suê. Và nơi đây có những người nông dân thấu hiểu cây trồng, thấu hiểu vùng đất quê, sẵn sàng cho những sáng kiến hứa hẹn những mùa bội thu.
Lắp camera, gắn chip giám sát sầu riêng
Đất Cát Tiên 2, nơi những cư dân khắp các vùng miền tới lập ấp, lập làng, trồng xuống những cây điều nay đã thay đổi. Thay cho điều, thứ cây trồng giảm nghèo là sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, những cây trái hướng tới làm giàu.

Nông dân Nguyễn Tuấn Quàng.
“Khoảng những năm 2005, khi ấy vùng này chưa chú ý gì đến cây sầu riêng, tôi đã đi học hỏi bà con ngoài Hà Lâm, Phước Lộc. Sau đó, tôi quyết định trồng sầu riêng thử nghiệm trên chính đất vườn nhà. Đó chính là đám sầu riêng cổ thụ 18 năm, hiện đang cho thu hoạch rất ổn định của gia đình”, ông Nguyễn Tuấn Quàng, một nông dân xã Cát Tiên 2 kể.
Hiện tại, gia đình ông Quàng có 4 ha sầu riêng, đều là các giống sầu riêng chất lượng cao như Monthon, Ri6. Vườn sầu riêng của ông được quản lý chặt bằng hệ thống camera quan sát, gắn chip tưới để giám sát được lượng nước tưới trong mùa khô. Ông Quàng chia sẻ, cây sầu riêng là loài cây rất “khó tính”, thừa nước không được mà thiếu nước cũng không ổn. Vì vậy, người nông dân phải hết sức chú ý tới lượng nước tưới hàng ngày.

Vườn sầu riêng được giám sát bằng hệ thống camera.
“Mùa sầu riêng năm 2025 này rất khó với người trồng sầu riêng do mưa sớm, mưa không theo quy luật, khiến việc chăm sóc khó khăn, trái non rụng nhiều và trái chín sượng. Như vùng chúng tôi, trái non rụng khiến nông dân lo lắng. Tuy nhiên, nếu nắm được quy trình canh tác, hiểu cây và vườn, nông dân sẽ hạn chế được thiệt hại từ ảnh hưởng của thời tiết”, người nông dân giàu kinh nghiệm chia sẻ.
Được biết, ngoài diện tích sầu riêng gần 20 năm tuổi, ông Nguyễn Tuấn Quàng còn canh tác một vườn sầu riêng tơ. Với tổng diện tích 4 ha, hàng năm ông Quàng có thu nhập tiền tỷ từ sầu riêng.
Hệ thống ống ngầm xử lý nước ngập
Ông Lê Doãn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tiên 2 rất thán phục người nông dân Nguyễn Tuấn Quàng. Ông Lợi đánh giá rất cao: “Ông Nguyễn Tuấn Quàng là một nông dân mẫu mực, trồng sầu riêng giỏi, làm thành viên của tổ tư vấn kỹ thuật trồng sầu riêng của xã, người sẵn sàng chia sẻ thông tin với bà con. Diện tích sầu riêng của xã phát triển có sự đóng góp của ông Quàng, một tấm gương nông dân tiêu biểu”.
Lời đánh giá của ông Lê Doãn Lợi thật sự nhắc đến ông Nguyễn Tuấn Quàng như một nông dân chuyên tư vấn nông nghiệp. Trong đó, không thể không nhắc tới hệ thống ống ngầm xử lý nước ngập, một mô hình quan trọng với vùng Cát Tiên 2. “Khu vực này ngay sông Đồng Nai, vào mùa mưa nhiều, nước thoát không kịp, vườn ngập là bình thường. Nhưng cây sầu riêng ngập nước là thối rễ rụng trái, thậm chí ngập lâu là chết. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu tạo ra hệ thống thu nước ngầm trong vườn, đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả”, ông Quàng thông tin.
Hệ thống thu nước ngầm bao gồm các hố thu nước được đào sâu, từ 1,5 - 2 m, xây gạch cẩn thận. Nước mưa, nước trong vườn nhanh chóng chảy vào hố. Trong hố, ông Quàng lắp hệ thống ống dẫn để nước chảy thẳng ra sông Đồng Nai cách đó 300 m. Ông Quàng cho biết, nước thu vào hố và theo ống chảy ra sông rất hiệu quả. Hệ thống hố - ống dẫn đơn giản, nông dân nào cũng có thể tự làm cho gia đình.
Là nông dân sản xuất giỏi, ông Nguyễn Tuấn Quàng sẵn sàng mang kiến thức, kinh nghiệm của mình truyền đạt lại cho bà con nông dân xung quanh. Với ông, cây sầu riêng là cây đồng hành, giúp nông dân vùng xa vươn lên, làm giàu trên vùng đất ven sông.