Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - đòn bẩy phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam
Chiều 16/7, tại Hà Nội, Diễn đàn Sản xuất thông minh Việt Nam 2025 đã chính thức diễn ra với chủ đề chuyên sâu về nâng cấp sản xuất thông minh, phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tăng trưởng bền vững.
Sự kiện do ACT International phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức, nhằm cụ thể hóa các định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW, đồng thời tạo cầu nối giữa chính sách của Chính phủ và thực tiễn triển khai tại doanh nghiệp.

Chuyên gia chia sẻ về chủ đề công nghệ tại diễn đàn
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và nguồn nhân lực để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thành hai cụm công nghiệp điện tử lớn tại miền Bắc và miền Nam. Với sự tham gia của các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, Foxconn, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất điện tử quan trọng trong khu vực. Lĩnh vực điện tử cũng ghi nhận mức thặng dư thương mại liên tục trong 5 năm gần đây, đặc biệt ở các mặt hàng điện tử tiêu dùng và chất bán dẫn.
Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện trong lĩnh vực tích lũy công nghệ, phát triển nhân lực chất lượng cao cũng như hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đây cũng chính là cơ sở để các công nghệ sản xuất thông minh tiên tiến được giới thiệu và ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn sản xuất thông minh Việt Nam 2025 được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai đồng bộ các chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực tăng trưởng mới, đóng vai trò then chốt trong nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, Quyết định 749/QĐ-TTg về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong khi đó, Quyết định 645/QĐ-TTg về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021–2025 cũng nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong việc kết nối chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất thông minh.
Ông Mak Adonis, Tổng giám đốc ACT International nhấn mạnh, Diễn đàn lần này là bước đi thiết thực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu lớn của Chính phủ, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử và bán dẫn. Sự kiện không chỉ là nơi chia sẻ thông tin, mà còn là điểm kết nối doanh nghiệp với các giải pháp công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Diễn đàn bao gồm chuỗi hoạt động chuyên sâu như các phiên thảo luận cấp cao quy tụ chuyên gia trong và ngoài nước. Các phiên thảo luận tập trung vào ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất thông minh; vai trò của đổi mới sáng tạo trong nâng cao năng lực cạnh tranh; chia sẻ mô hình sản xuất thành công và bài học kinh nghiệm từ quốc tế; giải pháp chuyển đổi số phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp và khách tham quan trao đổi tại một gian hàng trong khuôn khổ Triển lãm Confex 2025
Trong khuôn khổ sự kiện, Triển lãm công nghệ Confex cũng được tổ chức với hơn 20 gian hàng đến từ các tập đoàn công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp và viện nghiên cứu. Triển lãm trưng bày nhiều giải pháp công nghệ hiện đại như robot công nghiệp, tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuỗi cung ứng và tối ưu hóa sản xuất.
Ngoài ra, các phiên giao thương và kết nối doanh nghiệp cũng được tổ chức nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp công nghệ và tổ chức nghiên cứu thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược, thúc đẩy các dự án đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất thông minh và phát triển bền vững tại Việt Nam.