Khánh Hòa tìm hướng xuất khẩu sầu riêng Khánh Sơn

Sầu riêng Khánh Sơn, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa đang bước vào mùa thu hoạch chính. Tuy nhiên, việc tiêu thụ loại trái cây này vẫn gặp khó khăn do thiếu cơ sở đóng gói tại chỗ và đầu ra bền vững.

Gia đình bà Lê Thị Bé ở thôn Du Oai, xã Tây Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa (gồm 2 xã Sơn Lâm và Thành Sơn, thuộc huyện Khánh Sơn cũ) canh tác hơn 30 ha sầu riêng, trong đó hơn 15 ha đang cho thu hoạch. Vụ này, gia đình bà dự kiến thu khoảng 100 tấn quả sầu riêng. Thế nhưng, giá sầu riêng đầu vụ chỉ ở mức khoảng 60.000 đồng/kg, thấp hơn 2 năm gần đây.

Một cơ sở mua sầu riêng ở xã Tây Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Một cơ sở mua sầu riêng ở xã Tây Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Vừa trồng sầu riêng, bà Bé vừa làm đại lý mua sầu riêng bán sang thị trường Trung Quốc. Gia đình bà đã đầu tư kho lạnh tại chỗ để cấp đông trái khi không kịp xuất bán tươi.

Bà Lê Thị Bé cho biết, hiện sầu riêng Khánh Sơn chủ yếu được đưa về miền Tây hoặc Đắk Lắk để đóng gói, xuất khẩu. Bà Lê Thị Bé chia sẻ, trồng sầu riêng đòi hỏi chi phí lớn, kỹ thuật cao; chỉ khi sản phẩm đạt chất lượng mới có thể xuất khẩu hiệu quả.

Theo bà Bé: “Bà con mình bây giờ phải tìm hiểu kỹ nguồn phân bón. Quan trọng nhất là nguồn phân, thuốc. Bà con cũng đừng ham bỏ đạm nhiều quá. Một khi trái lớn quá, gai to ra thì bên kia người ta chỉ làm được hàng lột múi chứ không thể xuất nguyên trái. Nếu mình làm được gai nhím, quản lý sâu, rầy, trái đẹp tốt thì được giá. Chớ đừng có ham bỏ đạm nhiều quá, bắt buộc trái sầu bị bể gai. Trái sầu riêng mà xấu thì phải làm hàng lột múi, trữ đông thì không có bao nhiêu tiền hết. Quan trọng mình phải xuất được trái mới mang lại lợi nhuận”.

Vùng trồng sầu riêng miền núi tỉnh Khánh Hòa

Vùng trồng sầu riêng miền núi tỉnh Khánh Hòa

Tại các xã Khánh Sơn, Tây Khánh Sơn và Đông Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa (thuộc huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cũ) có khoảng 2.600 ha trồng sầu riêng, trong đó khoảng 1.600 - 1.700 ha đang vào thời kỳ kinh doanh. Riêng xã Tây Khánh Sơn hiện có khoảng 1.100 ha sầu riêng, trong đó 800 ha đang cho thu hoạch.

Những năm trước, vào thời điểm này, thương lái đã đến khảo sát, đặt cọc mua hàng. Năm nay, số lượng thương lái giảm hẳn, giá cũng thấp hơn. Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Khánh Sơn, một trong những điểm nghẽn lớn là địa phương chưa có cơ sở sơ chế, đóng gói đạt chuẩn. Sầu riêng Khánh Sơn thường phải chuyển về miền Tây hoặc lên tỉnh Đắk Lắk – nơi có các cơ sở đóng gói của doanh nghiệp.

Ông Dũng cho rằng, nếu có cơ sở đóng gói tại chỗ, người dân có thể bán ngay sau khi thu hoạch, thuận tiện trong việc phân loại, truy xuất nguồn gốc và giảm phụ thuộc vào thương lái trung gian.

“Một số nhà vườn lớn thương lái sẽ đến trực tiếp, nhỏ lẻ quá thì thương lái ít đến. Trên địa bàn, không chỉ xã Tây Khánh Sơn mà Đông Khánh Sơn và Khánh Sơn cũng mong muốn một nhà đầu tư, đặc biệt là một đơn vị xuất nhập khẩu lớn, có thể mở một cơ sở ở đây để trực tiếp thu mua hoặc hỗ trợ cho bà con trong những việc như nguồn vốn đầu tư trong năm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bà con được thuận lợi. Sau đó, bà con sẽ bán lại cho doanh nghiệp đó để được đi xuất khẩu sang một nước nào đó ổn định hơn so với thời điểm hiện nay” - ông Dũng chia sẻ.

Một vườn sầu riêng sắp vào thu hoạch.

Một vườn sầu riêng sắp vào thu hoạch.

Mặc dù diện tích trồng sầu riêng ở miền núi Khánh Hòa ngày càng tăng và đã hình thành được vùng sản xuất tập trung, nhưng tiêu thụ vẫn là khâu yếu. Khi được mùa thì mất giá, khi cần hàng lại không đủ sản lượng. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn. Đồng thời, địa phương cũng đang xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp chế biến sâu nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và đa dạng hóa sản phẩm.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Liên quan đến chất lượng, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật phải an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện. Đảm bảo xuất khẩu, tiêu thụ trong và ngoài nước theo đúng quy định, mà tất cả các doanh nghiệp cung ứng đều phải đáp ứng theo quy chuẩn của Nhà nước cũng như yêu cầu của các nước và các cơ sở tiêu thụ. Gắn với mã số vùng trồng (cả vùng nội địa và xuất khẩu) và mã số đóng gói để tạo cơ hội sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài. Sản lượng ngày càng nhiều, nên đưa ra thị trường quốc tế là điều rất quan trọng”.

Năm nay sầu riêng ở xã Tây Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa rất nhiều quả.

Năm nay sầu riêng ở xã Tây Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa rất nhiều quả.

Để sầu riêng Khánh Sơn vươn xa ra thị trường quốc tế, bên cạnh sự nỗ lực của người dân, rất cần sự đồng hành của doanh nghiệp và chính quyền trong việc xây dựng thương hiệu, hoàn thiện chuỗi giá trị và phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Từ những vườn sầu riêng trên đất đồi Khánh Sơn, người nông dân đang kỳ vọng một tương lai ổn định, khi trái sầu riêng không chỉ ngon mà còn đủ điều kiện để vươn ra thế giới.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khanh-hoa-tim-huong-xuat-khau-sau-rieng-khanh-son-post1215181.vov
Zalo