Nông dân Giao Thủy tham gia chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'
Xác định chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, tạo cơ hội để hội viên nông dân sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, Hội Nông dân (HND) huyện Giao Thủy đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia.
![Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các đại biểu tham quan gian hàng OCOP của hội viên nông dân huyện Giao Thủy trong Ngày Nông dân khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số năm 2024.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_441_51463930/8bc9b5b885f66ca835e7.jpg)
Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các đại biểu tham quan gian hàng OCOP của hội viên nông dân huyện Giao Thủy trong Ngày Nông dân khởi nghiệp, ứng dụng chuyển đổi số năm 2024.
Ông Vũ Tuấn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp nhiều năm qua đã thành công với mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nấm. Tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ sẵn có tại địa phương, ông đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích hơn 3.000m2, trồng nấm trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chủ lực của HTX. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt; lắp đặt các thiết bị điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm… nên cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt. Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại, tổng doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Ngoài mộc nhĩ khô, nấm linh chi khô, nấm sò tươi, nấm đùi gà tươi, HTX còn chế biến được 2 sản phẩm ăn liền được khách hàng rất ưa chuộng là nem nấm, giò nấm. HTX đang tạo việc làm cho 12 lao động chính thức và 10 lao động thời vụ. Đặc biệt, từ khi chương trình OCOP được thực hiện, triển khai trên địa bàn tỉnh, HTX đã tích cực hoàn thiện sản phẩm để tham gia. Đến nay, HTX đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm: nấm sò trắng Tuấn Hiệp, nấm sò nâu Tuấn Hiệp, nấm Linh chi Xuân Thủy, Mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, Nem nấm Tuấn Hiệp, Giò nấm Tuấn Hiệp.
Còn tại xã Giao Lạc, anh Trần Hữu Chung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trường Xuân luôn kiên trì với mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao theo quy trình “6 không”: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, HTX đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường; trong đó đã có 2 sản phẩm dưa hấu, dưa lê đạt OCOP 3 sao. Ngoài ra phải kể đến 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm ruốc tôm he, nõn tôm he hấp, nõn tôm rảo sấy khô, tôm sú, cá vược cắt khúc Khang Tường của HTX Khang Tường xã Giao An; nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu khác như: mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy, nước mắm thủ công truyền thống Sa Châu, nem nắm, gạo Đài thơm 8, nếp cái hoa vàng, sản phẩm muối sạch, muối tinh, muối bột canh, củ gai sấy khô, tép moi sấy khô, ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc mẹ bầu, ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược… Hầu hết các sản phẩm này được chế biến từ nguồn nguyên liệu phong phú, đa dạng sẵn có ở địa phương, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, thành viên các HTX làm ra.
Nhờ tích cực tham gia chương trình OCOP, hội viên nông dân huyện Giao Thủy đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến hết năm 2024, toàn huyện có 121 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao. Để khuyến khích hội viên phát triển sản phẩm OCOP mới, các cấp HND trong huyện thường xuyên tư vấn hỗ trợ hội viên triển khai đăng ký sản xuất sản phẩm chủ lực; tập trung rà soát, nắm bắt các sản phẩm lợi thế của từng địa phương; khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ, triển lãm và hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, an toàn. Năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 3.250 lượt hội viên, nông dân. HND huyện còn phối hợp với HND cơ sở quản lý tốt nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các dự án nguồn vốn của Trung ương Hội, Tỉnh Hội đảm bảo an toàn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, tổng số Quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện đạt trên 2 tỷ đồng; nguồn vốn của Trung ương Hội, tỉnh Hội ủy thác là 2,9 tỷ đồng, cho 214 hộ vay phát triển các mô hình kinh tế. Trong đó ưu tiên các hội viên, thành viên HTX, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất hoặc sản xuất các sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn OCOP.
Thời gian tới, HND huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên tham gia chương trình OCOP, góp phần thực hiện tiêu chí về thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.