Nông dân Gia Lộc biến bầu, mướp... thành cây hàng hóa
Dễ trồng, hiệu quả kinh tế khá nên cây bầu, cây mướp… được nông dân Gia Lộc (Hải Dương) đưa thành cây hàng hóa, mang lại nguồn thu đáng kể.

Do cây mướp có thể thu hoạch được trong thời gian dài nên nông dân huyện Gia Lộc ưa chuộng trồng cây này
Hiệu quả cao
Gia đình anh Nguyễn Quang Huy ở thôn Bãi Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) trồng 1,5 mẫu mướp. Tất cả các ruộng đang cho thu hoạch lứa thứ 3. Mỗi sáng, vợ chồng anh Huy lại ra ruộng thu hoạch mướp, đóng thùng và bán cho các thương lái.
Đợt đầu, gia đình anh Huy bán giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, hiện nay từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, tùy từng loại. "Những ruộng mướp này có thể thu hoạch từ 3 - 5 lần nữa mới phải trồng đợt mới. Mỗi sào mướp, sau khi trừ chi phí cho thu lãi từ 5 - 8 triệu đồng", anh Huy nhẩm tính.
Sở dĩ anh Huy trồng nhiều mướp là do thị trường tiêu thụ thuận lợi. "Giống mướp chúng tôi trồng là mướp hương, ăn rất thơm. Mướp thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, dù có đợt giá bán không cao nhưng người dân chưa khi nào lỗ", anh Huy chia sẻ.

Gia đình anh Nguyễn Quang Huy ở thôn Bãi Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) trồng 1,5 mẫu mướp, cho thu hoạch từ 5 - 8 lứa trong 1 lần trồng
Những năm gần đây, nông dân Gia Lộc mở rộng diện tích trồng mướp. Gia đình bà Hoàng Thị Đãi ở thôn Chuối (Lê Lợi) năm nay cũng chuyển hơn 1 sào trồng rau sang trồng mướp. Theo bà Đãi, cây mướp dễ trồng, chăm sóc đơn giản, thu hoạch cũng dễ hơn các loại rau khác.

Do tuổi cao, sức khỏe có hạn nên bà Hoàng Thị Đãi ở thôn Chuối (Lê Lợi) chọn trồng mướp bởi công chăm sóc không cần nhiều
Cùng với trồng mướp, nông dân Gia Lộc còn trồng bầu, bí… Bà Đỗ Thị Sang ở thôn Quang Bị (xã Phạm Trấn) cho biết gia đình bà trồng bầu và mướp trên cùng thửa để tăng hiệu quả kinh tế. Lúc mướp chưa được thu hoạch thì bầu đã có quả để bán và ngược lại. Trồng như vậy cũng tận dụng được giàn cho cây leo.

Cùng với trồng mướp, bà Đỗ Thị Sang ở thôn Quang Bị (xã Phạm Trấn) còn trồng xen kẽ bầu
Thành cây hàng hóa
Cây bầu, cây mướp… là loại rau, quả người dân sử dụng nhiều trong bữa ăn hằng ngày, nhất là mùa hè. Ở quê, hầu như gia đình nào cũng trồng từ 1- 2 khóm bầu, mướp bên bờ ao để tạo bóng mát đồng thời lấy quả ăn. Từ việc dễ trồng, quả thơm ngon… nên từ năm 2019, cây mướp, bầu, bí được người dân Gia Lộc phát triển thành cây hàng hóa, trồng với diện tích lớn. Trung bình mỗi năm, nông dân Gia Lộc trồng từ 220 - 230 ha, chiếm từ 18 - 20% diện tích rau vụ hè của huyện, là huyện có diện tích trồng loại cây này nhiều nhất tỉnh.

Dù mới đầu vụ nhưng mỗi ngày gia đình chị Nguyễn Thị Sinh (xã Phạm Trấn) mua từ 4 - 5 tấn mướp, bầu
Hoạt động sản xuất, canh tác của nông dân thuận lợi khi thương lái đến tận ruộng thu mua mướp, bầu, bí của bà con. Mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Sinh (xã Phạm Trấn) thu mua từ 4 - 5 tấn mướp, bầu của nông dân rồi bán buôn cho tiểu thương chợ đầu mối trong và tỉnh ngoài. "Nhiều người thích mua mướp, bí của Gia Lộc bởi quả nhỏ, ngọt và ăn rất thơm, không giống như một số giống ở nơi khác", chị Sinh nói.

Những chùm mướp sai trĩu quả, hứa hẹn mang lại năng suất cao cho nông dân Gia Lộc
Bà Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gia Lộc cho biết, so với những loại cây trồng khác, cây mướp, cây bầu, cây bí cho thu nhập tương đối cao. Với những hộ có nhiều kinh nghiệm, họ có thể kéo dài thời gian thu hoạch mướp, bầu đến 9 tháng, lãi 20 triệu đồng/sào. Trong suốt thời gian này, nông dân chỉ cần chăm bón, phòng trừ các loại sâu bệnh, không tốn công trồng, chi phí giống.
Với hiệu quả cây mướp, bầu, bí mang lại, thời gian tới, nông dân Gia Lộc mở rộng hơn nữa diện tích cây này đồng thời hướng đến việc xây dựng thành sản phẩm OCOP để tăng giá trị hơn nữa.