Nông dân Đồng Tháp tiên phong với các mô hình nông nghiệp tuần hoàn

Thời gian qua, nhờ sáng tạo và nỗ lực tiếp thu, học hỏi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã tiên phong xây dựng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả, qua đó giúp nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, tạo sức bật mới cho ngành nông nghiệp địa phương cất cánh và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người dân Đồng Tháp. Mời quý vị về với mảnh đất sen hồng Đồng Tháp – một trong những địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp với những mô hình sản xuất tiên phong, hiệu quả.

Sau hơn 10 năm lao động ở nước ngoài, đến năm 2020, anh Tâm quyết định trở về quê hương Đồng Tháp để lập nghiệp. Vốn xuất thân là nông dân, gắn bó với sông nước và ruộng vườn, anh Tâm nhận thấy nguồn cá ngoài tự nhiên của sông Mê Kông ngày càng cạn kiệt, trong đó có cá heo đuôi đỏ và cá chạch lấu. Tuy nhiên, hiện 02 loài cá này rất được thị trường ưa chuộng lại cho giá trị kinh tế cao nên anh nảy sinh ý tưởng nuôi kết hợp cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ ngay trong vườn xoài của gia đình.

Tháng 6/2021, anh Tâm dùng số tiền dành dụm được để xây 01 bể lót bạt đầu tiên 800 m3. Theo anh Tâm, nuôi cá chạch lấu và cá heo đuôi đỏ trong bể lót bạt là cách làm mới. Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nên lượng cá bị hao hụt. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu đặc tính môi trường sống của những loại cá này, anh đã áp dụng và bước đầu thu lợi nhuận khá tốt. Vụ cá đầu tiên, anh Tâm xuất bán được 3,5 tấn cá chạch lấu với giá 250.000 ngàn đồng một ký, lời khoảng 200 triệu đồng. Riêng cá heo đuôi đỏ thu hoạch được 800 ký bán với giá 500 ngàn đồng một ký, thu lời về hơn 300 triệu đồng.

Phát huy kết quả đạt được, vụ nuôi thứ 2, anh Tâm phát triển thêm 1 bể lót bạt với thể tích gần 200 m3. Do nắm vững kỹ thuật nuôi cá, đến nay qua hai năm thả nuôi, mô hình của anh cho hiệu quả khả quan, trung bình mỗi vụ thu hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, anh Tâm còn nghiên cứu lắp đặt thành công hệ thống xử lý nước tuần hoàn. Nước trong ao nuôi liên tục bơm qua hệ thống xử lý rồi bơm ngược lại vào ao. Sử dụng lại nguồn nước để không gây ô nhiễm môi trường, liên tục tạo nguồn nước sạch cung cấp vào bể nuôi. Trung bình mỗi tháng, anh Tâm xả nước thải từ bể ra vườn xoài một lần để thay nước mới, góp phần đỡ chi phí tưới cây và phân bón.

Còn đối với anh Thành ngụ ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2018, anh Thành mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình Aquaponics nuôi cá tuần hoàn kết hợp trồng rau thủy canh. Sau hơn 1 năm thử nghiệm, mô hình của anh dần cho thấy sự phù hợp với xu thế tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Với diện tích trên 18.000 mét vuông, anh trồng trên 30 loại rau. Hiện mỗi năm nông trại rau thủy canh của anh Thành cung cấp cho thị trường trên 100 tấn rau các loại, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Nông trại của anh Thành bố trí nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá chình, cá chạch lấu, cá Koi, lươn. Điều đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu. Thay vào đó, mô hình sử dụng chất thải từ cá, nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây rau thủy canh. Vì vậy, rau, cá thành phẩm từ mô hình canh tác này luôn đạt chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ những mô hình canh tác nông nghiệp mới tiên phong điển hình của anh Tâm hay anh Thành, thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực, góp phần tăng lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các mô hình đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất, giúp nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp có bước chuyển mình theo hướng nông nghiệp sạch, tuần hoàn, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu “Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá”.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/nong-dan-dong-thap-tien-phong-voi-cac-mo-hinh-nong-nghiep-tuan-hoan-247624.htm
Zalo