Ngành game Việt dự báo chạm mốc doanh thu 2,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026

Ngành game Việt đang trên đà bứt phá, với doanh thu dự báo chạm mốc 2,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2026 . Để vươn lên dẫn đầu trong sáng tạo nội dung gốc, ngành cần những nhà thiết kế đột phá, biết dung hòa nghệ thuật, khoa học và trải nghiệm người dùng vượt xa, chứ không chỉ những lập trình viên lành nghề.

Theo Tiến sĩ Renusha Athugala, ngành game Việt Nam đang chuyển mình từ một trung tâm gia công thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn về sáng tạo, nhờ tăng cường nội dung gốc và nhu cầu về những nhà thiết kế game đột phá. (Hình: RMIT)

Theo Tiến sĩ Renusha Athugala, ngành game Việt Nam đang chuyển mình từ một trung tâm gia công thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn về sáng tạo, nhờ tăng cường nội dung gốc và nhu cầu về những nhà thiết kế game đột phá. (Hình: RMIT)

Ngành công nghiệp game Việt Nam không còn đơn thuần là điểm đến cho các dự án gia công quốc tế. Với tiềm năng doanh thu khổng lồ và sự quan tâm ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu, Việt Nam đang dần chuyển mình thành trung tâm sáng tạo nội dung gốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để đạt được vị thế này, thành thạo kỹ thuật thôi chưa đủ. Tư duy sáng tạo, khả năng kể chuyện và tinh thần làm việc nhóm mới là những yếu tố then chốt.

Tiến sĩ Renusha Athugala, Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế game tại RMIT Việt Nam, chia sẻ lý do ngành game Việt Nam cần những nhà thiết kế game đột phá và RMIT Việt Nam làm thế nào để điều hướng sự chuyển đổi này.

Từ gia công đến sáng tạo nội dung gốc: Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế

Việt Nam hiện nằm trong top 5 quốc gia có số lượt tải game cao nhất thế giới, với hơn 4,2 tỉ lượt. Theo Tiến sĩ Renusha Athugala, điểm yếu cốt lõi của ngành chính là thiếu hụt nội dung gốc.

Gia công mang lại nguồn thu ổn định, nhưng chính nội dung gốc mới là chìa khóa để đưa các tựa game "Made in Vietnam" vươn tầm thế giới. (Hình: Pexels)

Gia công mang lại nguồn thu ổn định, nhưng chính nội dung gốc mới là chìa khóa để đưa các tựa game "Made in Vietnam" vươn tầm thế giới. (Hình: Pexels)

"Bên cạnh dự án gia công cho các công ty quốc tế, chúng ta cũng cần tập trung phát triển nội dung gốc mang dấu ấn đặc trưng của Việt Nam. Việt Nam có nhiều câu chuyện văn hóa và lịch sử chưa được kể. Nếu chúng ta phát triển kỹ năng kể chuyện trong thiết kế game, Việt Nam có thể tạo ra tác động đáng kể trên thị trường quốc tế", Tiến sĩ Athugala chia sẻ.

Mặc dù các dự án gia công mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng không giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc tế cho các sản phẩm game "Made in Vietnam". Nhiều studio vừa và nhỏ nhận các dự án lập trình và thiết kế từ các "ông lớn" trong ngành. Tuy nhiên, số lượng các tựa game nguyên bản nổi bật từ các studio Việt vẫn còn rất hạn chế.

Chính vì lý do này, chương trình Cử nhân Thiết kế game tại RMIT Việt Nam được thành lập nhằm đào tạo ra các nhà thiết kế game có khả năng tạo ra những câu chuyện độc đáo, nhân vật hấp dẫn và trải nghiệm người dùng lôi cuốn.

Thành thạo kỹ thuật là chưa đủ

Khi nhắc đến phát triển game, nhiều người thường nghĩ đến lập trình, mã hóa và đồ họa 3D. Tuy nhiên, để tạo ra một trò chơi thành công, các nhà thiết kế cần phải sở hữu kỹ năng về tư duy thiết kế, giải quyết vấn đề, tư duy logic, nghiên cứu, thiết kế hệ thống, cân bằng game và khả năng làm việc nhóm.

Các tựa game có nội dung gốc tạo được ấn tượng không chỉ dựa vào kỹ năng kỹ thuật, mà còn sự sáng tạo, câu chuyện và tư duy giải quyết vấn đề, những yếu tố giúp game nổi bật trên thị trường toàn cầu. (Hình: Pexels)

Các tựa game có nội dung gốc tạo được ấn tượng không chỉ dựa vào kỹ năng kỹ thuật, mà còn sự sáng tạo, câu chuyện và tư duy giải quyết vấn đề, những yếu tố giúp game nổi bật trên thị trường toàn cầu. (Hình: Pexels)

“Thay vì chỉ tập trung vào lập trình và sản xuất đồ họa, sinh viên của RMIT được đào tạo về tư duy thiết kế, phát triển trải nghiệm người dùng, thẩm mỹ thị giác, lý luận logic và khả năng kể chuyện”, Tiến sĩ Athugala chia sẻ.

Ông lý giải về phương pháp giảng dạy nổi bật nhất của RMIT trong ngành này - rapid prototyping (tạo mẫu nhanh).

“Thay vì đợi hoàn thiện sản phẩm hoàn chỉnh, sinh viên được khuyến khích phát triển nhanh các ý tưởng trò chơi, thử nghiệm với người dùng và điều chỉnh ngay lập tức", ông nói. “Thất bại nhanh, học hỏi nhanh và làm lại. Sinh viên cần trải nghiệm thất bại để tìm ra những giải pháp mới thay vì bám vào một mô hình cứng nhắc”.

Một trọng tâm quan trọng khác của chương trình là nghệ thuật kể chuyện. Sinh viên được khuyến khích lấy cảm hứng từ chính cuộc sống của mình hoặc từ văn hóa Việt Nam. Tiến sĩ Athugala tin rằng kể chuyện giúp tạo ra những sản phẩm độc đáo, đồng thời giúp sinh viên tạo ra kết nối mạnh mẽ hơn với khán giả toàn cầu.

Kết nối nghệ thuật và khoa học trong đào tạo thiết kế game

“Tương tác là trọng tâm của thiết kế game”, Tiến sĩ Athugala nhấn mạnh. Khác với phim ảnh hay video, tính năng nổi bật của game nằm ở tương tác. Người chơi không chỉ xem. Họ kiểm soát và tác động đến thế giới trong game.

Dựa trên triết lý này, chương trình thiết kế game của RMIT tập trung kết hợp nghệ thuật với khoa học. Thay vì chỉ dạy các kỹ năng kỹ thuật cụ thể, chương trình trang bị cho sinh viên cái nhìn toàn diện về quy trình sản xuất game - từ phát triển nhân vật, thiết kế câu chuyện, thiết kế âm thanh đến phát triển trải nghiệm người dùng.

Một trong những ví dụ rõ ràng nhất về sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học là dự án SenseScapes - tác phẩm nghệ thuật âm thanh tương tác do Tiến sĩ Athugala và giảng viên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo, ông Thierry Bernard đồng phát triển.

SenseScapes là một hệ thống âm thanh tương tác được kích hoạt bằng công nghệ theo dõi chuyển động. Hai camera và bốn loa phối hợp với nhau để phát hiện chuyển động của người dùng, kích hoạt một bản giao hưởng âm thanh tự nhiên. Các âm thanh này được ghi lại từ khung cảnh nông thôn Việt Nam, như rừng, biển và các hồ nhỏ, tạo ra trải nghiệm cảm giác nhập vai cho người thưởng lãm khi họ có thể kích hoạt âm thanh chỉ bằng chuyển động cơ thể.

Ngoài ra, Tiến sĩ Athugala có kế hoạch triển khai một màn hình kỹ thuật số tương tác mới tại RMIT. Màn hình này sẽ đóng vai trò như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt tương tác, nhận diện cả giọng nói và chuyển động, cho phép sinh viên giới thiệu và tương tác với các tác phẩm sáng tạo của mình. Dự án này hứa hẹn tạo ra một không gian triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số công cộng, nơi sinh viên có thể thể hiện sự sáng tạo của mình theo cách mới mẻ và hiện đại.

Thời của ngành game Việt Nam đã đến

Ngành công nghiệp game Việt Nam đang chuyển mình từ một trung tâm gia công thành cái nôi của sáng tạo nội dung gốc. Để đạt được điều này, Việt Nam cần phát triển những trò chơi mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đặt trọng tâm vào tư duy thiết kế, khả năng kể chuyện và sáng tạo nội dung gốc, Việt Nam đang nuôi dưỡng thế hệ nhà thiết kế game tương lai, dẫn dắt chuyển đổi cho ngành này. (Hình: Pexels)

Đặt trọng tâm vào tư duy thiết kế, khả năng kể chuyện và sáng tạo nội dung gốc, Việt Nam đang nuôi dưỡng thế hệ nhà thiết kế game tương lai, dẫn dắt chuyển đổi cho ngành này. (Hình: Pexels)

“Phim có thể kể một câu chuyện, nhưng game cho phép người chơi sống trong câu chuyện đó”, Tiến sĩ Athugala nhấn mạnh. Đây chính là tinh thần của chương trình Thiết kế game tại RMIT Việt Nam, nơi sinh viên không chỉ học cách làm game, mà còn trở thành những nhà thiết kế game toàn diện, có khả năng đưa Việt Nam lên bản đồ ngành game toàn cầu.

Quân Đinh H

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nganh-game-viet-du-bao-cham-moc-doanh-thu-27-ti-do-la-my-vao-nam-2026-post1702049.tpo
Zalo