Nông dân 'bẻ kèo' khi được giá cao, doanh nghiệp nơm nớp lo đứt gãy chuỗi cung ứng

Người dân khi được trả giá cao sẵn sàng 'bẻ kèo', không bán sản phẩm cho doanh nghiệp (DN) như đã thỏa thuận, khiến DN lao đao vì không có hàng để xuất khẩu… Đây là thực trạng nan giải được các DN cho biết, khi đề cập đến vai trò của chuỗi cung ứng, cũng như ứng dụng công nghệ vào chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Xây dựng chuỗi cung ứng để không còn tình trạng "được mùa, mất giá" cho nông sản. Ảnh ST

Xây dựng chuỗi cung ứng để không còn tình trạng "được mùa, mất giá" cho nông sản. Ảnh ST

Liên kết trong chuỗi cung ứng còn lỏng lẻo

Nhiều năm trước đây, điệp khúc “được mùa, mất giá” đã trở nên quá quen thuộc với nông dân, khi nông sản làm ra không thể tiêu thụ, hoặc rớt giá thảm hại. Trong bối cảnh đó, chuỗi cung ứng ra đời nhằm liên kết giữa DN và nông dân giúp tăng giá trị sản phẩm, tăng cơ hội tiêu thụ nông sản…, đã góp phần giải quyết tình trạng này.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, theo các DN, chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, việc xây dựng, triển khai chuỗi cung ứng nông sản vẫn phải đối diện với nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho rằng, định hướng vùng nguyên liệu đã có, nhưng khi triển khai trong thực tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính người nông dân - chủ thể ruộng đất.

“Có thực tế là người nông dân luôn kêu khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, bị ép giá nhưng khi doanh nghiệp bỏ tiền tỷ đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng và định hướng sản xuất, cam kết đảm bảo đầu ra thì nông dân lại nghi ngại, không muốn tham gia hoặc tham gia không tích cực” - ông Tùng nhấn mạnh.

DN thường xuyên phải đối diện với tình trạng nông dân sẵn sàng “bẻ kèo”, không bán sản phẩm cho nếu gặp được chỗ thu mua hơn, chấp nhận chịu phạt một khoản tiền. Với nông dân, số tiền thu lợi không lớn, song DN chịu thiệt hại nặng nề, khi không đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, thậm chí bị phạt hợp đồng, đối tác cắt nguồn cung

Ông Nguyễn Thanh Tùng

Điều này cũng lý giải dù Nhà nước có những chính sách hướng tới việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nhưng vẫn khó thu hút được DN tham gia, nhất là các doanh nghiệp dám đồng hành cùng nông dân nghèo, sản xuất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa tham gia xây dựng, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hiệu quả của chuỗi cung ứng còn thấp do tình trạng sản xuất còn manh mún, quy trình kỹ thuật sản xuất sai, chất lượng không đồng đều; chi phí sau thu hoạch cao do giao dịch qua nhiều khâu trung gian, thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn và vận chuyển đóng gói còn kém..., cũng là những rào cản đối với chuỗi cung ứng nông sản. Chưa kể, nhận thức, trách nhiệm của người dân về vấn đề tổ chức sản xuất, cùng DN xây dựng kế hoạch và kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác còn rất hạn chế, dẫn đến mối liên kết còn lỏng lẻo…

Nhiều nông dân vẫn quen với cách làm "ăn xổi", chưa tham gia sâu vào chuỗi liên kết cùng DN. Ảnh: N.Lộc

Nhiều nông dân vẫn quen với cách làm "ăn xổi", chưa tham gia sâu vào chuỗi liên kết cùng DN. Ảnh: N.Lộc

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để cải thiện mối liên kết giữa người sản xuất, nhà phân phối, nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, cần định hướng cho người nông dân về nhu cầu của thị trường, phối hợp với DN để tránh tình trạng sản xuất “được mùa, mất giá”, sản xuất tự phát.

“Việc thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng là "chìa khóa" để nâng cao giá trị và sự cạnh tranh cho ngành rau quả Việt Nam. Hiệp hội sẽ tiếp tục xây dựng cầu nối giữa các thành viên để DN, hợp tác xã, các bên liên quan trong chuỗi cung ứng gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác” - ông Nguyên cho biết.

Ứng dụng công nghệ để mang lại đột phá trong xây dựng chuỗi cung ứng

Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng là yêu cầu bức thiết hiện nay để góp phần nâng cao giá trị của nông sản, cũng như giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, một trong những khó khăn khi triển khai vùng nguyên liệu, đó là việc ứng dụng công nghệ vào quản lý vùng nguyên liệu chưa hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do khả năng ứng dụng công nghệ của người nông dân còn hạn chế.

Chưa kể, do nhận thức hạn chế, cộng với yếu tố tâm lý nên người nông dân lo ngại khi DN đưa công nghệ vào quản lý đồng ruộng của mình. “Đây là những thách thức lớn đối với DN đang tham gia xây dựng chuỗi cung ứng” - ông Tùng cho biết.

Việc liên kết giữa DN và nông dân để tạo thành chuỗi cung ứng sẽ giúp đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: P.Hiến

Việc liên kết giữa DN và nông dân để tạo thành chuỗi cung ứng sẽ giúp đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: P.Hiến

Theo ông Tùng, để quản lý được chất lượng nguyên liệu đầu vào từ khâu sản xuất, bắt buộc phải ứng dụng công nghệ số, vì DN không thể đủ người tham gia giám sát quá trình sản xuất của nông dân, trên diện tích lớn và trong thời gian dài.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, dù sản phẩm của người nông dân có tốt thì cũng phải truy xuất được nguồn gốc, chứng minh với khách hàng về độ an toàn của sản phẩm. Do đó, không còn cách nào khác là nông dân phải liên kết với DN để hình thành chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ…

“Chỉ có DN mới mang lại được những điều nông dân cần, đó là chứng minh được chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ thông qua việc ứng dụng công nghệ” - ông Toản cho biết; đồng thời lưu ý công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, quản lý chuỗi.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, khi nhắc đến chuỗi cung ứng nông sản là nhắc đến việc vận hành quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ dựa trên thành tựu khoa học công nghệ. Do đó, mỗi người dân cần phải được nâng cao nhận thức và được hỗ trợ, làm quen với công nghệ phổ biến trong sản xuất nông nghệ, như tưới tự động, công nghệ nhà kính, các loại cảm ứng để đánh giá quá trình sinh trưởng của cây trồng…

Đề cập đến chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam tại tọa đàm kết nối chuỗi cung ứng và giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu ngành hàng rau, hoa, quả Việt Nam diễn ra mới đây, bà Trịnh Thị Hồng Loan (Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam) cho biết, trong những năm gần đây đã có sự thay đổi nhanh chóng của hệ thống bán lẻ thực phẩm hiện đại với xu hướng thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ chợ truyền thống sang mua bán lẻ hiện đại với tỷ lệ các siêu thị, minimart, cửa hàng tiện lợi ngày càng tăng tại các đô thị lớn.

“Đây là cơ hội tốt để các nhà sản xuất tăng cường ứng dụng công nghệ vào xây dựng chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng dựng thương hiệu, nhãn hàng để tạo uy tín cho hàng hóa khi đưa ra thị trường” - bà Loan gợi mở.

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, hiện đang tham gia vào chuỗi cung ứng cũng cho rằng, để tăng cường tính liên kết giữa DN và nông dân trong xây dựng chuỗi cung ứng, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để đảm bảo các hợp đồng được thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc. Điều này không chỉ giúp nông dân ổn định đầu ra mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào ngành rau, quả Việt Nam.

Mặt khác, đội ngũ cán bộ khuyến nông tại địa phương cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ người dân nắm bắt các công nghệ phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về công nghệ số, cũng như sẵn sàng tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, cùng với DN xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao theo quy hoạch vùng nguyên liệu đã được phê duyệt./.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nong-dan-be-keo-khi-duoc-gia-cao-doanh-nghiep-nom-nop-lo-dut-gay-chuoi-cung-ung-37138.html
Zalo