Nông dân bám đồng, giữ ruộng

Dù việc trồng lúa không mang lại thu nhập cao như những loại cây trồng khác, nhưng hiện nay nhiều nông dân vẫn quyết tâm bám ruộng.

Dù thời tiết lạnh, mưa phùn nhưng gia đình ông Nguyễn Duy Hạnh vẫn ra đồng chăm sóc lúa. Ảnh: VĂN NAM

Dù thời tiết lạnh, mưa phùn nhưng gia đình ông Nguyễn Duy Hạnh vẫn ra đồng chăm sóc lúa. Ảnh: VĂN NAM

Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường, trời có mưa phùn nhưng nhiều nông dân vẫn ra đồng gieo sạ, chăm sóc lúa đông xuân. Theo họ, việc đồng áng phải làm thường xuyên, bất kể nắng hạn hay giá rét, vì đây là nguồn nuôi sống của gia đình.

Cái nghip đã vướng vào thân

TX Đông Hòa có hơn 4.500ha lúa nước. Những ngày cuối năm, nông dân ra đồng làm đất, gieo sạ và chăm sóc lúa vụ đông xuân 2024-2025. Nhẩn nha thăm đồng lúc trời vừa bừng sáng, nông dân Lê Văn Thu, 47 tuổi ở khu phố 1, phường Hòa Vinh chia sẻ: Làm ruộng giờ sướng hơn chục năm trước, mọi thứ đều được máy móc hỗ trợ. Dù vậy, việc thăm đồng thì không thể nhờ máy móc, nên tôi phải thường xuyên thăm đồng từ lúc làm đất, lấy nước, gieo sạ cho đến khi thu hoạch lúa. Có như vậy mới kịp thời phát hiện cây lúa bị nhiễm bệnh gì, từ đó có cách cứu chữa, tránh lan rộng và ảnh hưởng đến mùa vụ.

Chỉ tay về phía kênh mương đang dẫn nước vào ruộng, ông Thu cho biết phải canh nước vào ruộng vừa đủ để cây lúa phát triển tốt, tránh để nước nhiều quá sẽ gây ngập úng, lúa chết cóng. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Cánh đồng Gò Mang thuộc khu phố 1, phường Hòa Vinh đất tốt như vầy mà bỏ cây lúa thì tiếc lắm, vậy nên tôi quyết giữ ruộng để canh tác, có hạt gạo nuôi sống gia đình”, ông Thu bộc bạch.

Không chỉ canh tác trên diện tích 860m2 ruộng của hai vợ chồng được Nhà nước giao từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, mấy năm nay gia đình ông Thu còn thuê hơn 5.000m2 ruộng của nhiều người khác ở cùng địa phương để canh tác lúa.

Cũng thú nhà nông với thói quen thăm đồng từ lúc sáng sớm, khi hạt sương còn bám trên lá cây và mùi đất mới cày phảng phất khắp cánh đồng, nông dân Nguyễn Duy Hạnh (51 tuổi, ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) rảo khắp ruộng nhà xem cây lúa gần tháng tuổi có bị sâu rầy gây hại hay không. Ông Hạnh khoe: “Vụ hè thu vừa rồi, gần 2 mẫu ruộng của gia đình tôi thu được 8 tấn lúa (khoảng 400kg/sào). Vụ đông xuân này hy vọng thời tiết thuận lợi, được mùa như những vụ trước”.

Chúng tôi thắc mắc làm thế nào gia đình ông Hạnh sở hữu nhiều ruộng đến vậy? Ông Hạnh chia sẻ, theo tiêu chuẩn, Nhà nước giao mỗi nhân khẩu chỉ 500m2 (1 sào), gia đình ông có 4 người thì được 4 sào, số ruộng còn lại ông thuê của những người khác để canh tác. Nhờ canh tác trên diện tích nhiều như vậy, nên sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ lúa gia đình ông có thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Tuy mỗi vụ mùa, gia đình ông Thu, ông Hạnh thu lãi từ việc trồng lúa không cao hơn so với những loại cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích, nhưng ai cũng phấn khởi vì làm ruộng như “cái nghiệp đã vướng vào thân”, tiếp nối bao thế hệ và nuôi sống gia đình họ.

Nhiu trăn tr

Việc trồng lúa không mang lại thu nhập cao, nhiều nông dân thoát ly ruộng đồng, tìm việc làm tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, nhưng vẫn có những nhà nông thứ thiệt, quyết gắn bó với cây lúa.

Đại diện Hội Nông dân phường Hòa Vinh cho biết, với những nhà nông không mặn mà với cây lúa, chỉ cần ai đó gợi ý cho thuê ruộng giá cao là họ gật đầu ngay. Điều này hội và chính quyền địa phương không thể nào ngăn cản.

“Hội Nông dân thị xã rất hoan nghênh những nhà nông bám đồng, giữ ruộng để sản xuất, phát triển kinh tế. Nhờ họ mà kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương đảm bảo yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, khi bà con gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật hay bị mất mùa…, hội đều kịp thời kiến nghị chính sách hỗ trợ, để họ vững tin bám đồng, chăm sóc lúa”, ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa cho biết.

Trên những cánh đồng đang phủ xanh màu mạ non tơ, nhiều nông dân chăm chỉ thăm đồng, chăm lúa; gặp nhau bên bờ ruộng cùng bàn chuyện phân thuốc, sâu bệnh, giá lúa. Bên cạnh đó cũng có những nông dân tìm đến quán cà phê bàn chuyện cho thuê ruộng, hay rủ nhau đi làm việc ở công ty này, thành phố nọ.

Để giải quyết vấn đề nông dân thoát ly ruộng đồng, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị và năng suất cao vào sản xuất; tăng cường liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) để tạo ra chuỗi giá trị bền vững; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân quay lại với ruộng đồng, không chỉ tạo ra nguồn lợi nuôi sống gia đình họ mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho địa phương, đất nước.

Ai bỏ ruộng thì mặc họ, riêng tôi không chỉ gắn bó với ruộng lúa của gia đình, mà còn thuê thêm để canh tác.

Ông Nguyễn Duy Hạnh ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa

VĂN NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/324307/nong-dan-bam-dong-giu-ruong.html
Zalo