Cơ chế 'trói buộc' nông nghiệp - 'Xé rào' để đột phá (Bài 1): 'Bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang khắp nơi

Ruộng đồng được coi là 'không gian sinh tồn' của người nông dân, song đang bị bỏ hoang ở nhiều nơi. Nguyên nhân chính vẫn là hiệu quả kinh tế kém do những cây trồng, vật nuôi truyền thống khó có đầu ra, cách làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ không còn phù hợp. Vấn đề đặt ra là phải tích tụ để phát triển sản xuất quy mô lớn, hiện đại hơn, hoặc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phù hợp với sự phát triển của thực tiễn...

Toàn bộ khu đồng sản xuất nông nghiệp của thôn Ngọc Đỉnh, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) bị bỏ hoang gần chục năm qua.

Toàn bộ khu đồng sản xuất nông nghiệp của thôn Ngọc Đỉnh, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) bị bỏ hoang gần chục năm qua.

Từ 1 xã...

Các vụ lúa thu mùa nhiều năm gần đây, cả cánh đồng Thều bao la bát ngát ven Quốc lộ 47 thuộc huyện Triệu Sơn vẫn phủ thảm xanh... cỏ dại. Đây là cánh đồng lớn của 2 xã Dân Lý và Dân Quyền, nhưng nông dân chủ yếu chỉ cấy vụ chiêm xuân. Có hơn 3 sào đất lúa ở cánh đồng liên xã ấy, bà Lê Thị Cử ở thôn 6, xã Dân Quyền cũng để ruộng hoang như hàng chục hộ khác trong thôn. Theo người nông dân 65 tuổi này, gia đình bà có 4 lao động, gồm 2 ông bà và 2 người con, nhưng những năm gần đây, một người con đi làm công nhân cho công ty ngay trong huyện, người khác mở quán gội đầu. Làm dịch vụ và công nhân mỗi tháng đã có thu nhập cao gấp nhiều lần vụ lúa còng lưng vất vả 4 - 5 tháng trời. Trong khi đó, năng suất lúa vụ thu mùa thường không cao, nhiều năm gặp bão còn bị ngập úng mất mùa nên người dân địa phương không mặn mà.

Cùng thôn 6 với bà Cử có khoảng 50 hộ dân có ruộng tại đồng Thều và đều bỏ hoang. Một số hộ có cày cấy vụ xuân, nhưng đa phần không canh tác vụ mùa với tổng diện tích hơn 20 mẫu đất. Do bỏ hoang nhiều năm, nơi đây còn trở thành bãi chăn thả bầy trâu của một số hộ dân trong vùng. Do thuận lợi giao thông ven quốc lộ nên khu đồng này cũng mới được UBND huyện Triệu Sơn kiến nghị tỉnh cho chuyển đổi thành đất cụm công nghiệp để phát huy quỹ đất, tạo thêm việc làm cho Nhân dân.

Cũng tại xã Dân Quyền, tình trạng bỏ ruộng hoang hầu như diễn ra ở khắp các thôn làng. Những cánh đồng nham nhở chỗ có dấu hiệu sản xuất, chỗ cỏ năn, chỗ cây bụi mọc đầy. Ven con đường vào thôn 4 cùng xã, khu đồng Dọc Khang và Đồng Đầm cũng có nhiều đám ruộng xanh ngát một màu cỏ dại. Ở khu đồng Cao Bước ngay sát khu dân cư thôn 4, những khu ruộng với cỏ cao ngang bụng người lớn. Theo người dân địa phương, khu đồng này đã bị bỏ hoang 6 - 7 năm liên tục... Ông Phạm Hồng Bắc - một trong những hộ dân có ruộng hoang nhiều tại các cánh đồng này với 10 sào đất lúa đã không cấy nhiều vụ.

Cỏ lác, cỏ năn cao hơn đầu người lớn ở một khu đồng thuộc khu Phú Trung, thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Cỏ lác, cỏ năn cao hơn đầu người lớn ở một khu đồng thuộc khu Phú Trung, thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Về thực trạng này, ông Lê Gia Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, cho biết: “Xã có nhiều diện tích đất một lúa, nông dân chỉ cấy vụ chiêm xuân đủ lương thực ăn cả năm nên thường bỏ hoang vụ thu mùa. Với lại ở nhiều khu đồng, vụ mùa trùng mùa mưa bão, không chủ động được tưới tiêu, thỉnh thoảng lại mất do ngập nên dân không mặn mà. Nhiều hộ thiếu lao động phải thuê 100% từ làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật, thuê gặt... nên càng không muốn đầu tư vì sợ rủi ro”.

... đến khắp nơi

Thanh Hóa có số xã, phường nhiều nhất cả nước, nhưng đa số các xã, phường đều ít nhiều có ruộng bỏ hoang. Khảo sát tại huyện đồng bằng Hậu Lộc, từ gần chục năm qua, cánh đồng Ngõ Tháp của người dân làng Sơn thuộc xã Tiến Lộc vẫn được giăng kín bởi vô số cây dại cao cả mét. Cũng dễ hiểu khi nơi đây có nghề rèn truyền thống, cho thu nhập cao hơn nhiều làm ruộng. Cách đó không xa, từng khu ruộng lớn ngay ven Quốc lộ 10 thuộc khu Trung Phú của thị trấn Hậu Lộc với tầng tầng cỏ lác, cỏ năn nhiều năm không được phát dọn, nay cao ngang đầu người lớn. Từ hàng chục năm trước, khu đất kéo dài tới nửa cây số dọc Quốc lộ 10 này được trồng lúa và cây màu bởi đất rất màu mỡ. Khu đất nằm đối diện Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc thuộc xã Thịnh Lộc cũ, sau khi sáp nhập về thị trấn, đến nay cũng trở thành đất hoang.

Xuôi về phía vùng biển của huyện, không khó để bắt gặp những khu ruộng hoang nhiều sào đất ở các thôn Hoa Phú, Cao Xá xã Hoa Lộc. Ngay chân cầu De thuộc xã Minh Lộc, một cánh đồng trũng mênh mông hàng chục héc-ta từ nhiều năm cũng không có dấu hiệu của hoạt động sản xuất. Nơi đây bát ngát những cây dại sống được đất nhiễm mặn như lác, sậy. Chạy dọc khu đất là kênh De nối với cửa sông Lạch Trường nên cánh đồng này hoàn toàn có thể tích tụ hình thành các khu nuôi trồng thủy sản...

Bên kia dòng sông đỏ nặng phù sa ấy là huyện Hoằng Hóa cũng có nhiều “bờ xôi ruộng mật” để lãng phí nhiều năm. Từ phía xã Hoằng Yến qua cầu Cách, khu đất nhiều héc-ta gần nghĩa địa thôn Ngọc Đỉnh thuộc xã Hoằng Hà cũng được phủ kín không một chỗ trống bởi lục bình và đủ loại cây thủy sinh tự nhiên. Tương tự là cánh đồng phía sau nhà thờ Giáo xứ Ngọc Đỉnh cũng phủ kín một màu xanh hoang dại quanh năm. Cánh đồng chạy dọc đê sông Cung này rộng 100 mẫu đất đã bị bỏ hoang hóa gần chục năm qua, gần đây chính quyền địa phương xin được chủ trương quy hoạch đất dọc ven đường làng khoảng 200m chạy dài, sâu về phía đồng hơn 100m thành đất thổ cư nên còn khoảng 80 mẫu vẫn nguyên hiện trạng.

Một góc cánh đồng Đầm ở xã Dân Quyền (Triệu Sơn) nhiều năm không được canh tác.

Một góc cánh đồng Đầm ở xã Dân Quyền (Triệu Sơn) nhiều năm không được canh tác.

Theo người dân địa phương, cả thôn có gần 300 hộ thì nhà nào cũng có ruộng tại cánh đồng này. Nơi đây có nghề phụ là bán bỏng ngô, đồ chơi, đồ ăn dạo khắp nơi nên nhiều gia đình không còn làm ruộng. Nguyên nhân khác là mỗi hộ lại được chia nhiều mảnh ở nhiều khu khác nhau nên manh mún, khó đưa cơ giới hóa hay áp dụng tiến bộ khoa học để thay đổi cơ cấu cây trồng. “Trước đây là cánh đồng lúa màu mỡ, nhưng khoảng chục năm qua, bắt đầu có hiện tượng không cày cấy và từ hơn 5 năm qua thì bỏ hoang toàn bộ cánh đồng. Nhà tôi có 4 sào nhưng lại phân thành 6 miếng 6 nơi khác nhau, thành ra manh mún cũng không phát triển được gia trại. Nhìn cánh đồng lãng phí cả chục năm trời cũng thấy sốt ruột, nhiều người cũng muốn dồn đổi rồi thuê thêm đất thành một khu rộng để làm trang trại, nuôi trồng thủy sản hay mô hình sản xuất lớn nhưng nhiều hộ không chịu đổi đất hay cho thuê, chính quyền địa phương thì chưa đứng ra kết nối thực hiện tích tụ được. Cũng vì không sản xuất mà những năm qua, người mất cũng không bị thu lại ruộng, người mới sinh cũng không được chia thêm...” - một người dân xin giấu tên cho biết.

Tổng hợp từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, những năm gần đây, tình trạng bỏ ruộng ở Thanh Hóa thường diễn ra ở vụ mùa với tổng diện tích khoảng từ 1.300 đến 1.400ha, chủ yếu là đất lúa, đó là chưa tính vụ đông. Nguyên nhân là quy mô sản xuất nông hộ còn manh mún, nhỏ lẻ; thu nhập từ trồng trọt không còn là thu nhập chính của nhiều gia đình, nó chưa thể bảo đảm nuôi sống và đáp ứng nhu cầu các hộ nông dân; sản xuất nông nghiệp mang nhiều yếu tố rủi ro, thiên tai, dịch bệnh...

Có thể kể ra hàng nghìn ví dụ khác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa về tình trạng bỏ ruộng hoang, đồi hoang. Nhiều người có ruộng không canh tác, nhưng cũng không muốn nhường lại vì nhiều lý do, đang gây nên sự lãng phí đất nông nghiệp một cách ghê gớm. Việc tích tụ để chuyển đổi thành các mô hình nông nghiệp hiện đại, phát triển khu trang trại, gia trại tổng hợp để phát huy quỹ đất hay những mô hình canh nông đón khách... đã trở thành yêu cầu tất yếu.

Bài và ảnh: Nhóm PV

Bài 2: “Điểm nghẽn”

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-che-troi-buoc-nong-nghiep-xe-rao-de-dot-pha-bai-1-bo-xoi-ruong-mat-bo-hoang-khap-noi-235105.htm
Zalo