Nokia chọn lãnh đạo AI và trung tâm dữ liệu của Intel làm CEO mới khi Pekka Lundmark từ chức

Hôm 10.2, Nokia (Phần Lan) thông báo Pekka Lundmark sẽ từ chức giám đốc điều hành và đã bổ nhiệm Justin Hotard để đảm nhận vai trò này.

Sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành Nokia từ ngày 1.4, Justin Hotard hiện là Phó chủ tịch điều hành và Tổng giám đốc Nhóm Trung tâm Dữ liệu & AI tại Intel, theo trang web nhà sản xuất chip Mỹ.

Nhiều nhà sản xuất thiết bị viễn thông đang gặp khó khăn với doanh số thiết bị 5G sụt giảm, nên phải tìm cách đa dạng hóa thị trường và thâm nhập vào các lĩnh vực đang phát triển, điển hình là trí tuệ nhân tạo (AI).

"Ông ấy (Justin Hotard) có một thành tích ấn tượng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tại các hãng công nghệ, cùng với chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực AI và trung tâm dữ liệu. Đây là những lĩnh vực quan trọng với sự tăng trưởng trong tương lai của Nokia", Sari Baldauf - Chủ tịch Nokia cho biết trong một tuyên bố.

Pekka Lundmark (được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Nokia vào năm 2020) sẽ tiếp tục làm cố vấn cho Justin Hotard đến cuối năm nay, công ty Phần Lan thông báo.

Vào tháng 9.2024, Nokia từng bác bỏ thông tin trên truyền thông rằng công ty đang tìm kiếm một giám đốc điều hành mới.

"Việc lập kế hoạch cho sự chuyển giao lãnh đạo này đã được khởi xướng khi Pekka Lundmark thông báo với hội đồng quản trị rằng ông muốn cân nhắc rời khỏi các vai trò điều hành khi quá trình tái định vị doanh nghiệp đạt đến giai đoạn phát triển cao hơn và khi đã xác định được người kế nhiệm phù hợp", Sari Baldauf nói.

Justin Hotard trở thành Giám đốc điều hành Nokia từ ngày 1.4 - Ảnh: Intel

Justin Hotard trở thành Giám đốc điều hành Nokia từ ngày 1.4 - Ảnh: Intel

Pekka Lundmark từ chức CEO Nokia sau khi đảm nhận vai trò này từ ngày 1.9.2020 - Ảnh: Internet

Pekka Lundmark từ chức CEO Nokia sau khi đảm nhận vai trò này từ ngày 1.9.2020 - Ảnh: Internet

Sau thành công với thị trường hạ tầng mạng di động, Nokia muốn mở rộng sang lĩnh vực khác.

Trước khi từ chức giám đốc điều hành, Pekka Lundmark phải thường xuyên giải thích rằng Nokia không còn tập trung sản xuất điện thoại di động. Công ty Phần Lan tập trung vào thị trường viễn thông, định hướng mở rộng các lĩnh vực như trung tâm dữ liệu, quốc phòng và AI.

Năm ngoái, Nokia để mất hợp đồng trị giá 14 tỉ USD với nhà mạng AT&T vào tay Ericsson (Thụy Điển), đồng nghĩa hạ tầng của công ty bị loại khỏi một trong những nhà mạng lớn nhất Mỹ. Sau biến cố này, Nokia cần phát triển đúng hướng.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg cuối năm ngoái, Pekka Lundmark chia sẻ về những trải nghiệm, tác động khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, bên cạnh cơ hội phát triển của Nokia trong bối cảnh thế giới bất ổn.

Pekka Lundmark bắt đầu sự nghiệp tại Nokia trước khi chuyển sang nhiều doanh nghiệp như Startupfactory, Hackman hay Fortum. Trở lại Nokia sau 20 năm, ông thừa nhận công ty đã rất khác.

“Vào năm 2000, chúng tôi là đối thủ khá nhỏ trong lĩnh vực hạ tầng mạng viễn thông. Khi tôi trở lại, khác biệt lớn là thị trường được củng cố, với Nokia là cái tên chủ chốt. Bây giờ chúng tôi trở thành một trong những công ty lớn nhất ngành”, Pekka Lundmark nói.

Với nhiều người dùng, Nokia là “huyền thoại” của thị trường điện thoại di động. Thất bại trong lĩnh vực này đã tác động cách nhìn nhận của nhiều người về Nokia. Dù vậy, đây vẫn là lợi thế khi công ty mở rộng sang các lĩnh vực khác.

“Khi đến nhiều nơi trên thế giới, nhiều người luôn hỏi tôi điều gì xảy ra với mảng điện thoại của Nokia. Rõ ràng chúng đã được chuyển nhượng cho Microsoft cách đây 10 năm. Tuy nhiên khi mở rộng sang các lĩnh vực tăng trưởng mới, việc nhiều người nhận ra cái tên Nokia thực sự hữu ích”, Pekka Lundmark nói.

Hiện tại, ban lãnh đạo vẫn gặp khó khi giải thích mô hình kinh doanh của Nokia. Người dùng cần biết rằng cái tên Nokia vẫn còn đó, nhưng đã được định vị trở thành công ty lớn trong lĩnh vực B2B công nghệ.

B2B (Business-to-Business) là mô hình kinh doanh trong đó các giao dịch, sản phẩm hoặc dịch vụ được thực hiện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, thay vì giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân (B2C - Business-to-Consumer).

Ngoài viễn thông di động, Nokia có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực trung tâm dữ liệu. Lý giải chiến lược này, Pekka Lundmark cho biết thị trường trung tâm dữ liệu trị giá hàng chục tỉ USD. Trong đó, Nokia có thể tiếp cận khoảng 21 tỉ USD.

“Thị trường mạng viễn thông trị giá khoảng 88 tỉ USD nhưng không tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trung tâm dữ liệu khoảng 30%/năm. Đó là lý do còn không gian để chúng tôi thâm nhập”, Nokia cho biết.

Nhu cầu về trung tâm dữ liệu ngày càng lớn giữa xu hướng AI và dịch vụ đám mây, đòi hỏi độ an toàn, ổn định và khả năng lập trình. Nokia đang trong quá trình mua lại Infinera (Mỹ), nhà cung cấp giải pháp mạng quang học và bán dẫn quang tiên tiến, với giá trị 2,3 tỉ USD để bổ sung 3.000 nhân sự cho lĩnh vực.

Theo Pekka Lundmark, Nokia cũng thâm nhập mảng quốc phòng khi thâu tóm Fenix Group, công ty Mỹ chuyên sản xuất đài liên lạc quân sự.

“Chúng tôi đã tích hợp hệ thống của họ với nền tảng 5G của Nokia, từ đó mang đến giải pháp giao tiếp toàn diện cho hệ thống liên lạc chiến thuật”, ông nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều chính sách cắt giảm, giới hạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Theo Pekka Lundmark, còn sớm để nói về tác động khi ông Trump tái đắc cử. Trước mắt, công ty đang xây dựng mối quan hệ với chính quyền mới.

“Chúng tôi là doanh nghiệp chứ không phải chính trị gia. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với mọi chính quyền. Do đó, chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền Trump. Tất nhiên, chúng tôi vẫn coi trọng các nhà cung ứng đáng tin cây. Chúng tôi muốn cuộc thảo luận không chỉ nói về mạng di động mà còn mở rộng sang mạng cố định băng thông rộng, cáp quang, định tuyến...”, Pekka Lundmark cho hay.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nokia-chon-lanh-dao-ai-va-trung-tam-du-lieu-cua-intel-lam-ceo-moi-khi-pekka-lundmark-tu-chuc-229140.html
Zalo