Nồi sữa đậu nành mẹ nấu
Có người bà con mang cho một ít đậu nành vừa thu hoạch, tôi liền chợt nhớ, ước chừng cũng phải gần 20 năm, cây đậu nành mới được trồng trở lại trên các triền đất quê tôi. Ngày ấy, mỗi lần thu hoạch đậu nành, mẹ thường để dành lại một ít để nấu sữa đậu nành. Có lẽ, đó là món nước uống hấp dẫn, ngon lành và bổ dưỡng mà tụi trẻ con chúng tôi được thưởng thức vào những tháng năm ấy.
Từng một thời, bên bờ cuối dòng sông Vệ, màu xanh của cây đậu nành bạt ngàn trên các thửa ruộng. Vào mùa thu hoạch, người dân mang lưỡi liềm ra cắt cây đậu, rồi bó lại thành từng bó. Gốc đậu cứng và bén, nên công việc này thường chỉ dành cho người lớn, bởi phải mang bao tay, bao chân kỹ càng để tránh đạp vào gốc đậu vừa cắt. Sau khi cắt xong, các bó đậu nành được mang đi phơi nắng tại các sân rộng.
Những ly sữa đậu nành mẹ nấu thơm ngon, bổ dưỡng, là món thức uống hấp dẫn gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Ảnh: H. THẢO
Bây giờ mới là đến công đoạn có tụi trẻ con chúng tôi tham gia vào làm. Cây đậu phơi khô đến khi vỏ đậu cứng lại, nứt nẻ, đến tầm khoảng 14, 15 giờ, khi mặt trời vẫn còn chói chang, ba tôi huy động cả nhà dùng những thanh cây đập thật mạnh vào cây đậu nành, phía dưới đã lót tấm bạt để những hạt đậu rơi ra. Sau đó, thân đậu nành để riêng dành làm củi, phần hạt được sàng sảy thật kỹ. Món quà chúng tôi chờ đợi háo hức nhất sau mùa đập đậu, đó là mẹ để lại một ít đậu, làm cho cả nhà món sữa đậu nành. Sữa đậu nành nhà nấu tuy dân dã, nhưng phải trải qua nhiều công đoạn sơ chế để làm nên món đồ uống thơm ngon, bổ dưỡng.
Mẹ ngâm một nắm đậu trong thau nước để qua đêm. Sáng hôm sau, mẹ ngồi tỉ mỉ dùng tay bóc vỏ đậu ra thật sạch. Rồi mẹ đãi riêng phần vỏ và phần nhân đậu, làm như vậy thì nồi sữa mới có màu trắng đẹp mắt. Sau đó, mẹ cho hạt đậu vào cối xay cùng một ít nước, xay thật nhuyễn. Mẹ dùng miếng vải mùng đã chuẩn bị sẵn, gấp lại làm đôi để lọc thật kỹ chỉ lấy nước đậu, bỏ phần bã lại. Phần nước lọc trắng tinh cho vào nồi, tùy theo độ đậm lỏng của nước đậu, mẹ pha thêm nước vào rồi bắt lên bếp lửa đun sôi.
Mẹ bảo anh em chúng tôi ra vườn hái một nắm lá dứa vào rửa sạch, cắt đôi, buộc lại thật kỹ cho vào nồi đậu nành. Trong lúc nấu phải canh lửa nhỏ, để nồi sữa đậu nành không bị trào ra ngoài và không bị cháy sém phía dưới đít nồi. Mẹ vừa canh lửa vừa dùng muỗng khoấy đều để sữa chín đều. Mùi thơm của đậu nành, lá dứa lan tỏa dịu nhẹ cả một gian bếp. Mẹ cho đường vào và khoấy thật đều tay để đường tan, nêm lại cho đến khi vị ngọt phù hợp với khẩu vị. Vậy là đã xong nồi sữa đậu nành hấp dẫn. Sữa đậu nành mẹ nấu uống nóng hay lạnh đều ngon. Muốn uống lạnh, chúng tôi chờ sữa nguội rồi đập đá vào ly, rót đậu nành vào. Thích nhất là vào mùa nắng nóng, chúng tôi đi học về, có ly sữa đậu nành mẹ để sẵn, uống ực một hơi, thật dễ chịu. Mùa đông, ly đậu nành nóng giúp chúng tôi thêm ấm bụng trong tiết trời lạnh giá.
Nhớ lại món sữa đậu nành mẹ nấu lúc anh em chúng tôi còn nhỏ, tôi cũng mang đậu đi ngâm. Vài tiếng sau, ngồi bóc vỏ đậu ra, tôi mới cảm thấy công đoạn này cần sự kiên nhẫn bởi chiếm nhiều thời gian. Để rồi, tôi nhận ra những ly sữa đậu nành gắn bó thời tuổi thơ không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn đong đầy tình thương yêu mẹ dành cho chúng tôi.