Nỗi sợ của người thầy!

Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái 'thương cho roi cho vọt'...

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Nậm Ban, Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh minh họa: Nguyễn Lâm

1.

Mới đây, đồng nghiệp gửi cho tôi video quay lại cận cảnh một nhóm học sinh nữ đánh nhau. Thật ra, đây không phải lần đầu tôi được xem những video bạo lực học đường kiểu này nhưng xem xong vẫn nguyên cảm giác sửng sốt, bàng hoàng.

Hai nhóm học sinh mâu thuẫn đánh nhau vì liên quan chuyện tình cảm mới học lớp 9, lớp 10. Địa điểm đánh nhau là một khoảng đất rộng rãi. Cuộc chiến diễn ra một mất một còn. Đấm. Đá. Cào cấu. Dùng dao lam triệt hạ đối phương. Và vừa đánh vừa buông biết bao lời tục tĩu.

Xung quanh, một đám đông hò reo, nhảy múa cổ vũ. Một đám đông khác đứng xếp hàng dùng điện thoại quay, phát trực tiếp đầy vẻ phấn khích. “Một trăm like rồi!”. “Hai trăm…”. “Đánh hăng nữa lên! Gần 5 trăm like rồi!”, “Cho vào nhóm bán hàng nhé!”... Đúng là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”! Thật xót xa! Vì đâu các em nên nỗi hư hỏng như thế?

2.

Rồi tôi biết ngày mai, ngày kia, sau khi điều tra vụ việc, thầy cô lại phải đi từng lớp bắt từng học trò gỡ từng cái video kia xuống, rồi tường trình, kiểm điểm… Nhưng làm thế, các vụ việc kiểu như vậy có thể giảm không? Các em có thực sự sẽ hối lỗi, nhận ra điều sai trái không?

Có đồng nghiệp bức xúc bảo với tôi, rằng cả trường phải quyết liệt vào cuộc. Quyết liệt từ bộ phận bảo vệ đến tất cả thầy cô, cán bộ, nhân viên trong trường chứ không phải chỉ riêng giáo viên chủ nhiệm và đoàn trường. Phải quyết liệt một tháng thì nền nếp mới đâu vào đấy được.

Nhưng liệu cả hệ thống trường học vào cuộc như vậy thì sẽ giải quyết được tận căn nguyên vấn đề bạo lực trong học sinh? Điều này thật khó khi “cái gậy”, cái quyền dạy dỗ, răn đe chính đáng của mỗi cô thầy đã, đang bị “cướp”, bị tước đoạt dần hết.

Không được phê bình học sinh. Phê bình lỡ lời, các em trốn ra nhà vệ sinh… tự tử thì đến hiệu trưởng cũng có thể bị kỷ luật như thường. Không được “roi vọt” khi các em làm những việc sai trái như hút thuốc, trốn học, đánh nhau… Trách phạt như thế thầy cô sẽ bị gia đình, xã hội lên án. Và rồi sẽ bị cấp trên xử lý, kỷ luật.

Thành thử, học sinh dù có vô lễ, hỗn láo… cũng phải mềm dẻo, nhẹ nhàng. Điều này khiến nhiều nhà giáo dục tâm huyết bỗng chốc… thờ ơ vô cảm hoặc đau đớn, bất lực. Trường học từ người đứng đầu là hiệu trưởng đến thầy cô giáo phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ… Sợ xảy ra điều này, sợ xảy ra chuyện kia, sợ bị đăng lên mạng, sợ bị dư luận “đánh hội đồng”…

Nỗi sợ thật khủng khiếp! Và mỗi khi xảy ra một sự việc đáng tiếc ở trường nọ thì một loạt “đồng phục” các công văn với nội dung nhấn mạnh mấy từ như “nghiêm cấm”, “lưu ý”, “chẩn chỉnh”… đồng loạt gửi về các trường học. Và, nỗi sợ hãi càng được đẩy lên đỉnh điểm.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

3.

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến trong thời đại công nghệ 4.0 này là ảnh hưởng tiêu cực từ các trang mạng xã hội đến học trò. Mạng xã hội bùng nổ, bao sự khoe mẽ, háo danh không chỉ của con trẻ mà cả người lớn đều “trăm hoa đua nở”. Những trào lưu, hội chứng… đám đông câu like, câu view nở rộ trên khắp mọi trang mạng với mục đích… kiếm tiền hoặc chỉ đơn giản để mua vui. Và đặc biệt với mục đích kiếm tiền, chủ các fanpage đã tìm mọi cách thu hút khách hàng bằng cách tung các tin tức, hình ảnh giật gân, nhạy cảm, bạo lực…

Và học trò với tâm lý hiếu kỳ, thích sự khám phá những điều mới là dễ rơi vào bẫy nhất. Thậm chí từ đây, các em bắt đầu trực tiếp tham gia vào hoạt động phi pháp trên không gian mạng như buôn bán pháo nổ, thuốc lá điện tử, cá cược bóng đá

Thêm nữa, mạng xã hội phát triển, chính việc người lớn “buôn bán”, “kiếm chác” trên sự đau đớn của người khác như sẵn sàng quay video về cái chết đột ngột của một nghệ sĩ nào đó với chủ ý câu like để bán hàng thì thử hỏi những đứa trẻ còn bồng bột có thể không bắt chước theo không? Đặc biệt, khi mà con trẻ nghĩ rằng, người lớn - những người đã đủ tuổi trưởng thành có thể làm được những điều ấy thì họ cũng có quyền làm theo. Ngẫm kỹ, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự băng hoại đạo đức, lối sống ở giới trẻ hiện nay.

4.

Chợt nhớ đến cái thời chúng tôi đi học, sai một tý là thầy đã bắt đặt tay lên bàn để thưởng thức “món ăn”… thước. Đi học muộn, không ghi bài, nói chuyện riêng… cứ bị hình phạt như chơi. Thành thử có học trò nổi tiếng là nghịch nhưng cũng chưa bao giờ dám hỗn với thầy cô. Bao năm trời gặp lại, mấy đứa phá phách ngày xưa từng ăn thước của thầy giờ đều thành đạt cả và luôn kính cẩn bên thầy.

Chợt nhớ đến thời không điện thoại thông minh, không Internet, không Facebook, cũng chẳng có Zalo, chỉ có những trò chơi dân gian mà sao sống tình cảm, gần gũi, đầy sẻ chia.

Có thể câu chuyện bạo lực học đường hôm nay còn do nhiều nguyên nhân khác nữa nhưng không thể phủ nhận cái sự nghiêm khắc cần có của người thầy đang bị xã hội tước bỏ là nguyên nhân căn cốt. Bao giờ các bậc thầy cô giáo mới được quyền giáo dục con trẻ như chính cha mẹ giáo dục con cái “thương cho roi cho vọt” mới có thể chặn tận gốc rễ bạo lực học đường.

Nguyễn Đình Ánh (Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghi Lộc - Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-so-cua-nguoi-thay-post713186.html
Zalo