Nơi phát lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Trong dòng chảy hào hùng của lịch sử dân tộc, căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh, Bình Phước) mãi là một địa danh thiêng liêng. Bởi từ nơi đây đã phát đi những mệnh lệnh quan trọng quyết định Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khu tưởng niệm tại căn cứ Tà Thiết.

Khu tưởng niệm tại căn cứ Tà Thiết.

Giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh, địa thế hiểm yếu, kín đáo và lòng dân đùm bọc, bên dòng suối Khơ Lay man mác, căn cứ Tà Thiết được xây dựng, trở thành “thủ phủ” của Bộ Chỉ huy Miền trong những năm 1973-1975.

Chị Trần Thị Thúy, hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích Tà Thiết, tự hào nói: Hầu hết cơ quan đầu não của Bộ Chỉ huy Miền được đóng ở đây, như: Bộ Tư lệnh Miền, Cục Chính trị Miền, Cục Hậu cần và Cục Tham mưu. Chính vì thế, vùng này được gọi là “rừng Chính phủ”.

Vẫn dưới tán rừng làm nguôi vơi hơi nóng tháng Tư, nhưng những con đường mòn trong Khu di tích xưa, nay được thay thế bằng bê tông sạch đẹp. Song chúng tôi vẫn cảm nhận được những huyền diệu về sự bí mật, an toàn của một căn cứ kháng chiến. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Chỉ có tiếng rừng xào xạc cùng tiếng lá nhẹ rơi như nhắc nhớ, gợi lại trong lòng người năm tháng hào hùng của đất nước.

Cả một khu rừng rộng như lòng mẹ ôm vào, chở che. Và dưới bóng cổ thụ vẫn còn đây những mái lán kháng chiến: Hội trường Bộ Chỉ huy Miền, hầm giao ban, bếp Hoàng Cầm. Các hầm chỉ huy, hầm thông tin, hầm quân y… đều được làm bán âm (nửa nhà phía dưới là hầm), hạn chế ánh sáng đèn phát ra bên ngoài vào ban đêm.

Di tích nhà làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà.

Di tích nhà làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà.

Các lán được kết nối với giao thông hào, vừa bảo đảm bí mật, lại an toàn cơ động trong trường hợp bị địch phát hiện, đánh bom. Riêng nhà ở và làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà được dựng theo kiến trúc nhà sàn, tại một trảng đất trống trong khu vực sóc của đồng bào dân tộc Khmer.

Lời cô gái hướng dẫn viên lại ngọt ngào cất lên: Vâng! Thưa chú, bác, anh, chị, em, các lán được dựng lên bằng cây có sẵn trong rừng, phần mái và các vách ngăn được lợp bằng lá trung quân, loại lá cây khó cháy.

Thiên nhiên đã tạo cho khu rừng hiểm trở này những ưu ái khác biệt. Vừa có cây cổ thụ, lại cho con người thực phẩm tại chỗ như măng tre, rau tàu bay và vô số rau rừng. Cùng nguồn nước từ dòng Khơ Lay còn có loại dây rừng trữ rất nhiều nước, khi khát chỉ cần dùng dao phạt lấy một đoạn là có thể sử dụng.

Các đồng chí lãnh đạo cấp cao đã từng sống, chiến đấu tại đây và trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam có Tư lệnh Trần Văn Trà; Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định; Chính ủy Phạm Hùng; Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Lê Đức Anh.

Di tích Hội trường Bộ Chỉ huy Miền. Ảnh: Lăng Khoa

Di tích Hội trường Bộ Chỉ huy Miền. Ảnh: Lăng Khoa

Với lòng kính phục, biết ơn, chúng tôi nhẹ đặt từng bước chân xuống thềm đất vào thăm Nhà hội trường Bộ Chỉ huy Miền. Vẫn còn đây những bộ bàn ghế gỗ đơn sơ. Tại đây, các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục miền Nam đã bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.

Đặc biệt, năm 1975, giai đoạn cuối kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tại căn cứ Tà Thiết, ngày 3-4, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn. Ngày 8-4 đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 19 giờ ngày 14-4 tại đây nhận được bức điện của Bộ Chính trị có nội dung: “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Một góc rừng ở căn cứ Tà Thiết.

Một góc rừng ở căn cứ Tà Thiết.

Từ căn cứ Tà Thiết, lệnh tổng công kích được truyền đến các mặt trận. Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn với 5 cánh quân thần tốc tiến về Sài Gòn. Chỉ trong 4 ngày đêm, quân và dân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc 30 năm “nếm mật nằm gai” trường kỳ kháng chiến.

Căn cứ Tà Thiết là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quóc Mỹ xâm lược. Đây cũng là nơi lưu giữ ký ức về sự lãnh đạo tài tình của Bộ Chỉ huy Miền.

Với những giá trị lịch sử quan trọng, năm 2012, Khu căn cứ Tà Thiết được xếp hạng Di tích Quốc gia. Từ cuối năm 2015, căn cứ Tà Thiết được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ người Việt Nam.

Các cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên và Báo Bình Phước tại Khu di tích Tà Thiết. Ảnh: Lăng Khoa

Các cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên và Báo Bình Phước tại Khu di tích Tà Thiết. Ảnh: Lăng Khoa

Về Tà Thiết, với riêng cánh làm báo 2 tỉnh Thái Nguyên và Bình Phước còn mang niềm tự hào riêng. Vâng! Trong nắng chiều tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã nắm lấy tay nhau bên dòng Khơ Lay, dưới tán rừng cổ thụ với một niềm kiêu hãnh: Hơn 70 năm trước, Định Hóa - Thái Nguyên là thủ phủ ATK gió ngàn, nơi Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo chiến dịch ba ngàn ngày không nghỉ. Còn Lộc Ninh - Bình Phước là nơi phát lệnh tổng tiến công chấm dứt hơn 20 năm đất nước bị chia cắt. Nam - Bắc một nhà, non sông thống nhất. Niềm tự hào nhân lên, di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực.

Chí Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/202504/noi-phat-lenh-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-47608b2/
Zalo